Các quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu tại dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Thứ Tư, 09/04/2025, 15:10

Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 tới đây (dự kiến khai mạc ngày 5/5/2025).

Tại Điều 8 và Điều 9 dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 11 quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu như sau:

11 quyền của chủ thể dữ liệu gồm:

1. Quyền được biết

Chủ thể dữ liệu được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

2. Quyền đồng ý

Chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc từ chối cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

3. Quyền truy cập, chỉnh sửa

Chủ thể dữ liệu được truy cập để xem, chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình nếu chưa chính xác, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

Các quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu tại dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân -0
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng và ban hành đáp ứng yêu cầu bảo vệ các quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. 

4. Quyền rút lại sự đồng ý

Chủ thể dữ liệu được quyền rút lại sự đồng ý của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

5. Quyền xóa dữ liệu

Chủ thể dữ liệu được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

6. Quyền hạn chế

a) Chủ thể dữ liệu được yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình khi nghi ngờ tính chính xác của dữ liệu, trừ trường hợp dữ liệu không thể hạn chế xử lý dữ liệu do quy định của luật;

b) Việc hạn chế xử lý dữ liệu được thực hiện trong 72 giờ sau khi có yêu cầu của chủ thể dữ liệu, với toàn bộ dữ liệu cá nhân mà Chủ thể dữ liệu yêu cầu hạn chế, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

7. Quyền cung cấp dữ liệu

Chủ thể dữ liệu được yêu cầu Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cung cấp cho bản thân dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

8. Quyền phản đối

a) Chủ thể dữ liệu được phản đối Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân xử lý dữ liệu cá nhân của mình;

b) Phản đối của chủ thể dữ liệu vô hiệu khi luật đã có quy định khác;

c) Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện yêu cầu của Chủ thể dữ liệu trong 72 giờ sau khi nhận được yêu cầu, trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

9. Quyền khiếu nại, tố cáo

Chủ thể dữ liệu có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

10. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

11. Quyền tự bảo vệ

Chủ thể dữ liệu có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan, theo quy định tại Luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Dân sự.

Các nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu bao gồm:

1. Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác.

2. Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân.

3. Chấp hành pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nguyễn Hương
.
.