Sức mạnh của tên lửa ATACMS tầm bắn 300km Mỹ viện trợ Ukraine

Thứ Ba, 19/11/2024, 06:50

Truyền thông Mỹ cho rằng Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS tầm bắn 300km tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ Nga trong vài ngày tới, sau khi được Washington bật đèn xanh.

Hai tháng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách thận trọng lâu nay khi cấp phép để Ukraine lần đầu sử dụng tên lửa tầm xa loại ATACMS có tầm bắn khoảng 300km tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga, New York Times ngày 18/11 đưa tin.

Sức mạnh của tên lửa ATACMS tầm bắn 300km Mỹ viện trợ Ukraine -0
Tên lửa ATACMS khai hỏa từ bệ phóng mặt đất. Ảnh: GettyImages

ATACMS, có tên gọi đầy đủ là Hệ thống Tên lửa Lục quân chiến thuật, do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, được thiết kế khai hỏa từ xe pháo phản lực di động HIMARS do Mỹ viện trợ hoặc M270 mà Anh và Đức chuyển giao cho Ukraine.

Tên lửa ATACMS ra đời vào những năm 1980, có mục tiêu khi đó là nhằm tấn công cường độ cao vào các mục tiêu có giá trị lớn của Liên Xô nếu xung đột xảy ra. ATACMS có thể mang theo đầu nổ thông thường hoặc đầu đạn chứa đạn chùm để tăng diện tích sát thương. New York Times mô tả ATACMS có đường bay giống tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tức nó sẽ được phóng lên độ cao lớn trên bầu khí quyển rồi lao trở lại mặt đất với vận tốc rất lớn nhờ quán tính và lực hấp dẫn.

Chưa rõ số lượng và biến thể ATACMS mà Ukraine sở hữu, nhưng truyền thông Mỹ nói rằng, Kiev có kế hoạch khai hỏa những quả ATACMS đầu tiên nhắm vào mục tiêu của Nga ở bang Kursk, nơi lực lượng Ukraine đang đối mặt sức mạnh áp đảo của Nga về cả quân số lẫn hỏa lực.

Sức mạnh của tên lửa ATACMS tầm bắn 300km Mỹ viện trợ Ukraine -0
Tên lửa ATACMS bên cạnh xe HIMARS. Mỹ đã viện trợ Ukraine hàng chục xe HIMARS. Ảnh: RBC-Ukraine

Theo truyền thông Mỹ, Washington từ tháng 9/2023 bắt đầu chuyển giao biến thể M39 Block I của tên lửa ATACMS cho Ukraine. Phiên bản này có tầm bắn khoảng 165 km, nặng hai tấn, mang đầu đạn chùm chứa 950 quả đạn con M74, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính.

Cách đây vài tháng, Washington được cho là đã chuyển biến thể M39A1 Block I tầm bắn 300km. Biến thể này mang đầu đạn chùm chứa 300 đạn con M74, nặng bằng một phần ba so với đầu đạn của M39 Block I nhưng được bổ sung hệ thống định vị vệ tinh để tăng độ chính xác. Ukraine có thể cũng đã tiếp nhận biến thể M57 mang đầu nổ đơn nhất nặng 230 kg, tầm bắn 70-300km. 

Dù có tầm bắn khá xa và sát thương đáng kể, giới quan sát tin rằng việc ATACMS được Ukraine khai hỏa vào mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga sẽ chỉ khiến căng thẳng leo thang mà không thể tạo ra khác biệt cho Ukraine trên chiến trường khi Moscow sở hữu hỏa lực cùng quân số áp đảo.

Trước khi có thông tin về động thái gây tranh cãi của Mỹ, chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng thừa nhận việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây viện trợ để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga sẽ "không có khả năng nào" thay đổi cục diện cuộc xung đột.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby tháng 9/2024 cũng tiết lộ, Washington ước tính 90% máy bay Nga phóng bom lượn và tên lửa nhằm vào các mục tiêu tại Ukraine đều ở các sân bay cách lãnh thổ mà phía Kiev kiểm soát 300km, tức là ngoài tầm bắn của ATACMS.

Trên thực tế, Mỹ từ lâu đã cấp phép để Ukraine sử dụng ATACMS tấn công mục tiêu ở bán đảo Crimea. Sau khi hứng chịu một số thiệt hại ở giai đoạn đầu, Nga đã điều chỉnh cách thức ứng phó và hạn chế thiệt hại của nhiều loại vũ khí mà Ukraine bắn vào Crimea, trong đó có ATACMS.

Thái Hà
.
.