Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2: Kỳ vọng chốt phương án tăng lương
Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2025 được kỳ vọng sẽ chốt trong phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia như một tin vui sớm với người lao động trong bối cảnh "bão giá."
Hôm nay 11/7, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026.
Trước đó, tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 chưa được thống nhất, tuy nhiên các bên đều đưa ra thời điểm tăng lương từ ngày 1/1/2026.

Dựa trên kết quả khảo sát và những chỉ đạo của Trung ương, báo cáo tình hình kinh tế- xã hội thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng. Một phương án là tăng 8,3% và phương án thứ 2 là tăng 9,2% thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu từ ngày 1/1/2026.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì đưa mức đề xuất điều chỉnh từ 3% đến 5% và thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu cũng là từ 1/1/2026.
Phương án Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra tại phiên họp là mức tăng lương tối thiểu từ 6,5% đến 7%.
Trao đổi với báo chí trước phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết vẫn giữ nguyên đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 dao động ở mức 8,3% đến 9,2%.
Phương án được đưa ra bởi trong bối cảnh hiện nay có nhiều tín hiệu tích cực đã được Chính phủ, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan công bố, như: Tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, đầu tư đều khởi sắc. Số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng giảm...
"Chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý đến bối cảnh 'bão giá' đang ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống người lao động. Ngay trước phiên họp, giá xăng tiếp tục tăng, đó là một chỉ dấu rõ ràng cho thấy sức mua và chi tiêu của người lao động bị tác động, càng làm nổi bật nhu cầu phải có một mức điều chỉnh lương phù hợp, đủ để bù đắp phần nào tác động của lạm phát", Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, việc điều chỉnh lương tối thiểu không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, mà còn tạo ra động lực quan trọng để người lao động nâng cao năng suất, tinh thần trách nhiệm và ý thức đổi mới, sáng tạo. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định rằng tăng lương không phải là gánh nặng, mà là cách để tạo động lực phát triển cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp. Khi người lao động có thu nhập tốt hơn, họ sẽ yên tâm cống hiến, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từ đó tạo ra giá trị gia tăng, bù đắp chi phí và góp phần tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
"Tôi kỳ vọng hôm nay các bên sẽ cùng tìm được tiếng nói chung, nhất là trong lúc người lao động đang đợi chờ và cả đất nước đang cùng nắm tay nhau bước vào kỷ nguyên mới", ông Hiểu nhấn mạnh.