Bài cuối: Đại tướng Lê Hồng Anh: Thấm thía giá trị hòa bình
Đồng chí Đại tướng Lê Hồng Anh sinh năm 1949 tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Rạch Giá (nay là xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Đồng chí được phong cấp hàm Đại tướng CAND năm 2005, Ủy viên Bộ Chính trị các khóa: IX, X, XI; nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an. Quãng đời tuổi trẻ tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí được mọi người hết sức cảm phục.
Theo cách mạng từ Đoàn Vũ
Quê hương đồng chí Lê Hồng Anh ở ấp Kè Một, xã Vĩnh Bình, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nằm trong vùng lõi căn cứ cách mạng U Minh Thượng. Trước Cách mạng Tháng Tám, U Minh Thượng là căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ, sau đó tiếp tục là căn cứ của Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, Liên Tỉnh ủy miền Tây, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Trong kháng chiến chống Mỹ là căn cứ của Khu ủy và Quân khu 9, Ban An ninh Khu 9, căn cứ Tỉnh ủy Rạch Giá.
Đồng chí là con thứ bảy trong gia đình có 11 người con. Tên thân mật của đồng chí là Út Anh. Có tên Út Anh là vì khi có đến người con thứ bảy (ở miền Nam gọi là Tám), gia đình đã nghĩ là thôi nên gọi Tám là Út, không ngờ năm sau lại có thêm Út Em, nên Lê Hồng Anh trở thành Út Anh. Sống trong vùng căn cứ kháng chiến, như một lẽ tự nhiên, cả gia đình đồng chí đều đi theo cách mạng. Ba của đồng chí là đảng viên, cán bộ kinh tài ấp, trong kháng chiến chống Pháp từng bị địch bắt giam; má ở trong Hội Mẹ chiến sĩ, nuôi chứa, tiếp tế bộ đội du kích suốt hai cuộc kháng chiến; anh Ba Lê Văn Sùng tham gia bộ đội địa phương, sau này làm Huyện đội phó; anh Năm Lê Văn Có là cán bộ kinh tài tỉnh Rạch Giá, chiến đấu tại quê nhà, hy sinh năm 1971, là liệt sĩ.
Năm 1960, trong cao trào Đồng khởi, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Rạch Giá, quân dân U Minh Thượng đã nổi dậy bao vây, bức rút đồn bót địch, phá các ấp chiến lược ở Nhà Ngang, Sàn Gạch, Ruộng Xạ, Cái Nứa, Chắc Băng…, phá rã phần lớn hệ thống tề ấp, tề xã của địch, mở ra những vùng lõm ở tất cả các xã. Ấp Bình Hòa (Kè Một) là vùng giải phóng của xã Vĩnh Bình, nên các cơ quan, đoàn thể của huyện về trú đóng tại đây. Nhiều cán bộ, bộ đội cũng đóng trong nhà đồng chí Lê Hồng Anh, được ba má nhận làm con nuôi, yêu thương như con cái trong nhà.
Trong khí thế cách mạng lên cao, đồng chí hăng hái cùng các thanh thiếu niên tham gia vào đội văn nghệ thiếu nhi, gọi là Đoàn Vũ. Đoàn Vũ xã Vĩnh Bình có hơn hai chục đoàn viên, làm nhiệm vụ biểu diễn văn nghệ cổ vũ quân dân đấu tranh trong Đồng Khởi và tuyên truyền cách mạng, thường đi biểu diễn lưu động ở các ấp, xã trong huyện, có khi đi sang huyện khác biểu diễn. Đoàn Vũ đi đến đâu cũng được bà con tiếp đón nồng hậu, có nhiều đêm diễn bà con đốt đuốc đến xem, đuốc sáng rực cả một vùng. Từ đó, đồng chí Lê Hồng Anh thoát ly gia đình, chuyên tâm công tác cách mạng.

Hơn 60 năm kể từ ngày sôi nổi đi ca múa phục vụ cách mạng, đồng chí Lê Hồng Anh vẫn nhớ như in những bài ca thuộc nằm lòng thuở đó như: Kim Đồng; Biết ơn chị Võ Thị Sáu…; nhớ rõ điệu múa: Chim hòa bình ngợi ca nhân dân Liên Xô đánh thắng phát xít Đức. Ông còn ca rất mùi những bài vọng cổ tuyên truyền cách mạng.
Đi công tác nhưng vẫn loanh quanh trong xã, huyện, đồng chí chứng kiến Kè Một trở thành chiến trường khi địch càn vào ấp hòng bắt sạch, "hốt" sạch các đơn vị, đoàn thể kháng chiến trú đóng tại đó. Đó là ngày 24/8/1962, Tiểu đoàn U Minh 10, đơn vị vũ trang địa phương non trẻ thành lập tháng 7/1960 tại kinh Trung Đoàn, lần đầu tiên đánh bại cuộc càn quét bằng chiến thuật trực thăng vận của Trung đoàn 33 ngụy Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên, phá hủy một số máy bay trực thăng. Chiến thắng Kè Một làm nức lòng quân dân U Minh, càng cổ vũ cậu thiếu niên Út Anh hăng hái hơn trong công tác.
Đến năm 1964, chiến sự ở U Minh Thượng ngày càng trở nên ác liệt. Địch liên tục càn quét, đánh phá bằng đủ lực lượng, phương tiện, chúng càn quét liên tục bằng bộ binh, tàu chiến; máy bay ném bom, trực thăng bắn rocket, xả đạn; pháo từ biển, từ chi khu bắn phá ngày đêm... Đoàn Vũ giải tán, đồng chí Lê Hồng Anh được đi học bổ túc văn hóa tại trường Nguyễn Văn Trỗi, sau đó được phân công công tác dạy học, rồi làm thư ký Ban Tuyên huấn xã Vĩnh Bình. Năm 1967, đồng chí 18 tuổi nên tham gia đội du kích của xã, đánh nhiều trận, chiến đấu dũng cảm, trong đó có trận một mình tập hậu đánh lạc hướng địch cho toàn đội rút lui an toàn. Vì tinh thần chiến đấu dũng cảm nên ngày 2/3/1968, khi vừa 19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đội trưởng Thanh niên xung kích, chiến đấu ở chiến trường ác liệt
Năm 1969, đồng Lê Hồng Anh đang là Phó Bí thư Xã đoàn Vĩnh Bình Bắc thì được điều động về Huyện đoàn. Nhưng chỉ được 6 tháng, khi Tỉnh đoàn Rạch Giá thành lập, tổ chức lại đưa đồng chí về Tỉnh đoàn, vì có kinh nghiệm chiến đấu nên được giao làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền thanh niên xung kích (TNXK), còn gọi là Đội Thanh niên vũ trang vừa thành lập.
Nhiệm vụ của Đội TNXK là xây dựng cơ sở, tuyên truyền cách mạng tại vùng xung yếu và vùng địch tạm chiếm, đồng thời vũ trang chiến đấu chống địch. Địa bàn hoạt động của đội chủ yếu ở huyện Tân Hiệp rất ác liệt. Huyện Tân Hiệp, khu vực dọc sông Cái Sắn - lộ 80 giáp Cần Thơ là vùng trọng điểm. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm xây dựng dinh điền Cái Sắn, đồng thời lập hệ thống đồn bót, tổ chức bảo an, phòng vệ dân sự dày đặc dọc lộ 80, mục đích làm lá chắn ngăn chặn, chia cắt tuyến giao thông từ U Minh, Cần Thơ về Rạch Giá, Hà Tiên. Chiến tranh càng leo thang, địch càng phòng thủ chặt, hai bên lộ, dọc các kinh 5, 6, 7, 8, 9 dài tới Cần Thơ đồn bốt, phòng vệ dân sự dày đặc. Do đó, tại vùng này ta trắng cơ sở, lực lượng cách mạng không có chỗ đứng chân. Đội TNXK do đồng chí Lê Hồng Anh chỉ huy lúc mới thành lập có mười mấy đội viên, sau lên hơn hai mươi, về bám trụ dọc sông Cái Sắn. Vì ở vùng trắng nên hoạt động rất gian khổ, ngày ở ngoài đồng, giấu mình theo địa hình, đêm mới vào ấp hoạt động, vừa xây dựng cơ sở vừa diệt ác phá kềm. Nhưng hoạt động ở địa hình trống trải, ít cây cối, mùa khô đồng ruộng trống lổng, nhìn rõ cả mấy cây số, ngay đến đống rơm cũng không có, rất dễ bị lộ.
Ông Trần Văn Phó (Bảy Lam), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, trong chiến tranh là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Rạch Giá kể, có lần ông từ U Minh về Rạch Giá đi qua Cái Sắn, xáp vào ở cùng đội TNXK, chứng kiến anh em ăn đói mặc rách, gạo cơm không có, thức ăn rặt chuột đồng tự bắt, bẫy lấy. Cứ 4 - 5 giờ sáng nấu cơm ăn, chỉ có một cái nồi, chuột lột da trắng hếu hấp chung với cơm, chấm muối làm thức ăn. Không có chén bát gì hết, cứ thế bốc tay ăn; ngày chỉ nấu một bữa vì ban ngày không nấu được, nấu nướng khói lên bị địch phát hiện. Giấu mình trong bờ, ruộng, chờ đến tối mới đi vào ấp hoạt động, nhưng trong ấp nhiều chó, hễ động chó sủa là có nguy cơ lộ. Bảo an, phòng vệ dân sự rảo suốt. Nên móc nối được cơ sở là hết sức gian khó. Bị địch phát hiện là có hy sinh. Ác liệt như thế nên đội của đồng chí Lê Hồng Anh hơn hai mươi người lúc ban đầu, đến ngày giải phóng hy sinh gần hết.
Là Đội trưởng, đồng chí Lê Hồng Anh luôn chọn đi đầu, gánh vác những nhiệm vụ khó khăn nhất của đội. Những đồng đội còn sống nhớ mãi câu nói của đồng chí Lê Hồng Anh mỗi lần ra trận: "Tụi mày đi trước, lỡ chết mất công chôn, để tao đi trước…". Luôn ở vị trí xung kích, không sợ hy sinh, nhưng theo cách nói dân dã khiêm tốn là may mắn "bom đạn tránh người", đồng chí đã vượt qua hiểm nguy, bom đạn chiến tranh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
"Da thịt ai không đau!"
Cuối năm 1971, đồng chí Lê Hồng Anh được bổ sung vào Ban Chấp hành Tỉnh đoàn, đến đầu năm 1972 chuyển địa bàn hoạt động về xã Đông Yên, huyện An Biên. Ở địa bàn mới, đồng chí phát huy sở trường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng kết hợp vũ trang đánh địch. Trong một trận chống phục kích của địch, đồng chí bị thương, khắp người dính mảnh đạn, được đồng đội đưa vào trạm xá xã Đông Yên. Anh Trần Chí Liêm (sau này là Bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Thứ trưởng Bộ Y tế) lúc ấy là y tá trạm trưởng mổ gắp mảnh đạn ra, nhưng trạm xá không có thuốc tê, phải mổ sống. Anh Liêm đã gắp 11 mảnh đạn, nhưng còn 2 mảnh chui sâu tìm không ra. Thấy đồng đội nằm im, anh Liêm hỏi: "Ông đau không?". Đồng chí Lê Hồng Anh cắn răng trả lời: "Da thịt con người, ông hỏi kỳ vậy. Đau cũng phải làm, ông cứ làm đi!". Nhưng anh Liêm tìm mãi cũng không biết mảnh đạn chạy đi đâu, đành bó tay. Đáng lẽ phải lên tuyến trên có phương tiện y tế tốt hơn để bác sĩ tìm gắp mảnh đạn ra, nhưng đồng chí Lê Hồng Anh chỉ nằm trạm xá xã, chờ vết thương lên da non lại trở về đơn vị chiến đấu. Sau này chụp X-quang, thấy mảnh đạn cắm vào lưng chỉ cách cột sống 2cm, đồng chí Lê Hồng Anh và cả bác sĩ đều hú hồn, vì hồi ấy nếu mảnh đạn găm vào cột sống thì không biết chuyện gì xảy ra! Vì thương tích ấy, đồng chí được xếp hạng là thương binh hạng 4/4.
Đồng chí Lê Hồng Anh vẫn tâm niệm, mình sống qua cuộc chiến tranh là may mắn. Nên ông sống tận tình, ân nghĩa với đồng đội cùng chiến đấu, với đồng bào đã che chở cưu mang mình. Sau khi nghỉ hưu, ông dành tâm huyết vận động làm nhà tình nghĩa, xây trường học, trạm y tế… ở những vùng khó khăn là chiến khu xưa; xây dựng các công trình tưởng niệm ghi nhớ công ơn các Anh hùng, Liệt sĩ đã ngã xuống vì nước, tưởng nhớ đồng đội, đồng bào đã nằm lại trong chiến tranh. Các công trình nghĩa trang, đền thờ Anh hùng Liệt sĩ TP Phú Quốc, khu tưởng niệm Thanh niên xung phong đường 1C ở huyện Giang Thành, khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Mai Thị Nương ở huyện Giồng Riềng, khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú ở huyện Vĩnh Thuận, Nhà tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ và người có công tại Hòn Đất… và nhiều công trình khác ở Kiên Giang đang được xây dựng, hoàn thiện, trong đó có đóng góp rất lớn của đồng chí Lê Hồng Anh.
Đồng chí Lê Hồng Anh kể: Đêm 29 rạng ngày 30/4, từ Giồng Riềng chúng tôi được lệnh đi gấp về tiếp quản thị xã Rạch Giá. Tôi và hai đồng chí nữa ở Tỉnh đoàn bơi xuồng theo con kênh từ Giồng Riềng về Rạch Giá, đi cả đêm, trong lòng rạo rực. Về tới cầu Quằn gần sân bay Rạch Sỏi thì đụng một chiếc xe bọc thép. Tưởng gặp địch, nhưng hóa ra là anh em đằng mình. Chúng tôi cùng lên chiếc xe chiến lợi phẩm chạy một vòng rồi về Rạch Giá. Đến tối 30/4 thị xã hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi cũng biết tin Sài Gòn giải phóng, Dương Văn Minh đầu hàng. Vui mừng chảy nước mắt! Giờ đây thật khó để diễn tả lại tâm trạng lúc đó. Vui lắm, nhưng tôi lại nghĩ đến bao đồng đội đã ngã xuống, nghĩ đến đồng bào, người thân đã không thể đi đến ngày hòa bình. Trải qua chiến tranh, nhìn thấy từng cái chết, mới biết cái giá của hòa bình lớn đến thế nào!