50 năm - Những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

Bài 9: Sống và chiến đấu trong lòng “đất thép”

Thứ Tư, 09/04/2025, 06:55

Những ngày đầu tháng 4 lịch sử này, nhiều đoàn cơ quan, đơn vị, cá nhân, tổ chức trên cả nước và các đoàn khách quốc tế đã tìm về với vùng “đất thép” anh hùng, thăm Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi - một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới. Nhiều du khách đến đây để được hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, để được thắp nén nhang tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sĩ đã không tiếc máu xương của mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Sức sống mãnh liệt ở “làng ngầm”

“Từ năm 2014, tôi có dịp về địa đạo Củ Chi và cảm thấy đây như là một mỏ vàng của lịch sử cách mạng. Được khám phá, tìm hiểu sâu, tôi càng thêm khâm phục, tự hào và có cảm hứng thực hiện bộ phim lịch sử “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - đó là chia sẻ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khi nói về việc làm phim đề tài lịch sử. Bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã chính thức khởi chiếu trên toàn quốc vào đầu tháng 4/2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Theo giới thiệu của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, từ thực tế bối cảnh chiến tranh, bộ phim kể câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát vọng hòa bình của những người chiến sĩ, nhưng trên hết vẫn là tinh thần hy sinh vì Tổ quốc. Bộ phim tập trung khắc họa thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân, hướng tới việc giải thích tại sao Việt Nam tồn tại một hệ thống địa đạo “làng ngầm”, “mật khu” trong lòng đất bao nhiêu năm mà đế quốc Mỹ dù huy động đủ mọi lực lượng, phương tiện hiện đại với bao thủ đoạn tinh vi, thâm độc vẫn không thể tiêu diệt được sức sống mãnh liệt ở “làng ngầm”. Ngược lại, chính từ nơi đây, những cán bộ cách mạng đã bám dân, bám đất chỉ đạo đánh bại sự tấn công của địch, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 bất diệt...

Bài 9: Sống và chiến đấu trong lòng “đất thép” -0
Anh hùng LLVTND, Đại tá Tư Cang chia sẻ cùng Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tại sự kiện chiếu phim“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Cùng cố vấn và là những “nguyên mẫu” trong bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, Anh hùng LLVTND, Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) và Anh hùng LLVTND, Trung tá Tô Văn Đực là những người từng trực tiếp chiến đấu tại Củ Chi, chứng kiến những năm tháng ác liệt và góp phần tạo nên lịch sử hào hùng của vùng đất này.

Anh hùng LLVTND, Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu (SN 1928), nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo quân sự H63 hoạt động trong chiến tranh Việt Nam mà nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn là điệp viên chính. Vai trò của Đại tá Tư Cang vô cùng lớn khi ông chỉ huy Cụm Tình báo chiến lược sống trong lòng địch. Đứng sau ông là cả mạng lưới truyền tin từ nội đô ra căn cứ rồi về chỉ huy cấp cao. Những tin tức của Cụm Tình báo đã đưa đến những quyết định sống còn cho cả hệ thống quân đội đang chiến đấu, có ý nghĩa sinh tử trong chiến dịch thống nhất đất nước.

“Sau khi từ Bắc vào Nam, tôi bắt đầu ở địa đạo Củ Chi từ năm 1962 và ở đó hoạt động cho đến năm 1971. Khi đó, bám trụ Củ Chi là một điều khủng khiếp lắm. Thời điểm ấy, địa đạo Củ Chi được Nhà nước trao tặng Đơn vị Anh hùng LLVTND năm 1971”, Đại tá tình báo Tư Cang nhớ lại.

Còn Anh hùng LLVTND, Trung tá Tô Văn Đực (SN 1942) được mệnh danh “Anh hùng mìn gạt” nhờ sáng chế ra mìn tự chế với cống hiến to lớn của mình trong lực lượng công binh Bộ Tư lệnh Miền.

Năm nay đã 83 tuổi nhưng ông Tô Văn Đực vẫn minh mẫn và nhớ những câu chuyện xưa, cha mẹ mất khi ông mới 8 tuổi, lên 16 tuổi ông tình nguyện đăng ký đi bộ đội. Ban đầu, ông được giao nhiệm vụ tải đạn, tải thương, rồi đào địa đạo… Đào địa đạo được 2 năm, đến năm 1962 thì đơn vị điều ông vô xưởng sản xuất vũ khí thô sơ. Người thầy đầu tiên dạy ông làm quen với việc sửa chữa súng tên Tư Sưa. Thầy Tư đã dạy ông làm súng trường trang bị cho du kích, sau đó, ông chuyển sang nghiên cứu làm súng ngắn K54… Dù chỉ biết chữ đủ để đọc và viết, nhưng ông đã cải tiến được từ súng ngựa trời bắn tầm gần đến súng trường bắn tầm xa cho du kích chiến đấu. Rồi ông sáng tạo khẩu súng ngắn K54 nâng cấp từ 8 viên lên 14 viên… Đến đầu năm 1965, xe bọc thép xuất hiện nhiều trong các trận càn, ông nghiên cứu và tái sáng chế các loại mìn, bẫy bằng thuốc nổ TNT chống lại xe cơ giới, xe tăng. 

Anh hùng LLVTND, Trung tá Tô Văn Đực chính là tác giả của loại mìn cải tiến cấu trúc có công tắc phát nổ khi gạt ngang. Vỏ mìn làm bằng lon sữa, kíp nổ lấy từ bom bi xịt, sử dụng chất nổ TNT tái chế. Một cành cây cũng có thể là công tắc nối với chốt khai hỏa bên trong thân quả mìn. Khi xe máy, pháo địch gạt cành cây sẽ tác động vào công tắc kích quả bom bi mồi nổ trước, rồi đốt cháy thuốc nổ bên trong để tạo sức công phá. Loại mìn này có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt ở các xưởng quân giới dưới địa đạo, dễ dàng cài đặt ở bất cứ địa hình nào và có sức công phá đủ để làm hư hỏng M.113.

Với chiến công tự sáng chế bom mìn, tham gia chiến đấu, ông Tô Văn Đực được tuyên dương 2 danh hiệu: Dũng sĩ diệt cơ giới; Dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1967, ông Tô Văn Đực được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND…

Chia sẻ về những ngày tháng chiến đấu ở địa đạo, Anh hùng LLVTND, Trung tá Tô Văn Đực nói: “Tôi cũng như bao người dân Củ Chi, chiến đấu ở đó nhờ vào hệ thống địa đạo. Chúng tôi là du kích, bám đất giữ làng, vì nếu không có địa đạo, chúng tôi đã không thể tồn tại”.

Vùng “đất thép” huyền thoại

Hiện nay khu di tích địa đạo Củ Chi thuộc huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm căn cứ, thì hệ thống địa đạo càng phát triển, phát huy tối đa tác dụng. Với ý chí quật cường, sáng tạo, bền bỉ, quân và dân Củ Chi đã xây dựng hệ thống địa đạo dài hơn 200 km, các công trình liên hoàn, như: Chiến hào, kho tàng, khu làm việc, nghỉ ngơi...

Hệ thống đường hầm nhiều tầng có khả năng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch hoặc chất độc hóa học phun vào, những đoạn hiểm yếu còn đặt hầm chông, cạm bẫy... Nhiều cửa hầm được cấu trúc thành chốt chiến đấu, ụ bắn tỉa rất linh hoạt, kết hợp với hàng trăm kilomet chiến hào, công sự, trận địa chông, mìn trên mặt đất đã biến Củ Chi thành vùng “đất thép” huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Bài 9: Sống và chiến đấu trong lòng “đất thép” -0
Anh hùng LLVTND Tô Văn Đực tại sự kiện chiếu phim“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Ông Võ Văn Dựng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi cho biết, hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An và tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Khu di tích Địa đạo Củ Chi bây giờ thuộc địa bàn ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng.

Theo ông Dựng, các đoạn địa đạo trong khu di tích mà du khách tận mắt thấy hiện nay là đã được đào tái tạo và làm rộng ra để người dân, du khách nước ngoài có thể chui xuống một cách dễ dàng, không giống như thời kỳ 1960-1961, người dân đào địa đạo phải làm trong điều kiện luôn phải giữ bí mật và địa đạo thực tế chỉ có diện tích chiều ngang chừng 5 tấc, chiều cao tối đa chỉ chừng 8 tấc, rất chật hẹp... Cùng với hệ thống địa đạo là các hố chiến đấu được tạo nên đan xen, kết nối với các đường địa đạo để có thể vừa tác chiến vừa cơ động sau khi đánh địch. Bên cạnh đó là các hầm chông với đủ các loại chông khác nhau như chông tre, chông đinh, chông hầm… được quân dân Củ Chi tạo ra trong khu vực nhằm đánh địch…

“Việc đào các tuyến địa đạo và giao thông hào thực sự có hiệu quả rất lớn trong thời chiến bởi nó đã giúp Quân Giải phóng, người dân sống và chiến đấu rất hiệu quả trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt, tránh được nhiều thương vong, giúp bảo vệ lực lượng cách mạng, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975...”, ông Dựng đúc kết. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hệ thống địa đạo Củ Chi từng bước được quy hoạch, tôn tạo và bảo tồn. Trong đó, Khu tưởng niệm Đền Bến Dược được xây dựng trang trọng uy nghi để tưởng nhớ công lao các chiến sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. 

Hệ thống địa đạo (gồm địa đạo Bến Dược - căn cứ Quân khu Sài Gòn-Gia Định, căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và địa đạo Bến Đình - căn cứ Huyện ủy Củ Chi) cùng với quần thể di tích ở Củ Chi đã trở thành điểm du lịch về nguồn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công ơn to lớn của các Anh hùng, Liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Phú Lữ
.
.