50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

Bài 8: Nữ Đội trưởng Biệt động kể chuyện xông pha lửa đạn để cho ngày đất nước thống nhất

Thứ Ba, 08/04/2025, 08:38

Năm 2025, dân tộc ta kỷ niệm 50 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Để có được chiến thắng vĩ đại này, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã trải qua biết bao hy sinh, gian khổ với những trận chiến đấu ngoan cường, tô thắm lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Địch “treo giải” để lấy đầu nữ biệt động

Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết, SN 1942, mọi người quen gọi bà là Bảy Tuyết, ngụ khu phố 2, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, thương binh 1/4, nguyên nữ Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá. Cuộc đời chiến đấu vào sinh ra tử của bà không thể không nói đến Đội biệt động Bà Rá K11 anh dũng kiên cường. Đây là đơn vị mà bà được bố trí công tác từ năm 1964 để rồi sau này giữ vai trò đội trưởng (giai đoạn 1968 - 1972). 

Bà sinh ra trên mảnh đất cát trắng, đầy nắng và gió của làng quê nghèo thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tuổi thơ bao phen chứng kiến làng quê điêu tàn bởi chiến tranh, bao người ngã xuống trước họng súng, lưỡi lê, bom đạn của kẻ thù. Những người thân yêu nhất của bà Bảy Tuyết cũng bị địch sát hại. Từ đó, nỗi căm hờn quân thù trong cô gái trẻ ngày càng lớn dần.

Bài 8: Nữ Đội trưởng Biệt động kể chuyện xông pha lửa đạn để cho ngày đất nước thống nhất -0
Bà Huỳnh Thị Minh Tuyết kể về những ngày lao vào lửa đạn chiến đấu.

Năm lên 16, cô gái rời làng quê vào Sài Gòn kiếm sống. Khoảng thời gian ngắn ngủi khi mới đặt chân vào vùng đất mới, nhưng người thiếu nữ nhanh chóng làm quen với những cuộc đấu tranh của nhân dân vùng đô thị. Năm 18 tuổi, rời Sài thành, cô gái lên đồn điền Phú Riềng làm công nhân cao su. Sau đó, Huỳnh Thị Minh Tuyết được đưa vào căn cứ bí mật K2 nằm sâu trong rừng Đắc Nhau thuộc huyện Bù Đăng, rồi được giữ lại làm việc trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.

Nhiệm vụ của người chiến sĩ trẻ là đánh máy các công văn, thư từ, tài liệu, truyền đơn cách mạng. 21 tuổi, cô gái trẻ nhận nhiệm vụ mới, ra ngoài căn cứ hoạt động, được giao phụ trách công tác dân vận, tuyên truyền đường lối của Quân Giải phóng đến nhân dân. Trong khoảng thời gian hơn một năm, nữ chiến sĩ tuyên huấn được tiếp xúc thường xuyên với người dân trong những lần về cơ sở để xây dựng cơ sở bí mật.

Sau đó, nữ chiến sĩ Bảy Tuyết được điều về công tác tại Đội biệt động Bà Rá K11, trực tiếp cầm súng chiến đấu. “Núi Bà Rá ngày ấy được coi là đài quan sát của thị xã Phước Long. Nằm giữa cánh rừng hoang vu, nhiều hang động, đây được coi là địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng nên địch bố trí quân đội dày đặc, bao gồm: Quân chính quy, biệt động bảo an, dân vệ, đài truyền tin trên đỉnh núi. Phía Bắc là sân bay Phước Long, cũng chính là nơi tập kết linh động Sư đoàn 5 của ngụy, sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” của Mỹ” – bà Bảy Tuyết nhớ lại. 

Cùng đồng đội, nữ chiến sĩ Minh Tuyết có nhiệm vụ vừa đánh du kích, vừa xây dựng cơ sở, tuyên truyền đường lối cách mạng đến quần chúng nhân dân. Trong trận Mậu Thân 1968, giữa lúc cuộc chiến cam go quyết liệt nhất, bà Bảy Tuyết được bổ sung vào Huyện ủy K11 (Phước Long ngày nay), sau đó được Tỉnh ủy tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá K11, khi vừa bước sang tuổi 26.

Địch treo “giải thưởng” lớn để lấy đầu bà Bảy Tuyết và đồng đội nhưng thủ đoạn bịp bợm của chúng không thể mua chuộc được những người vẫn ngày đêm nuôi giấu cách mạng. Theo người nữ đội trưởng, đội biệt động tồn tại được là nhờ sự cưu mang, đùm bọc che chở của người dân nơi đây. Chính họ vượt đường rừng che mắt bao nhiêu đồn bốt, trạm gác, âm thầm tiếp tế đưa lương thực cho các chiến sĩ, họ là “kênh thông tin” tin cậy về những cuộc hành quân càn quét của địch để đội biệt động nhanh chóng trú ẩn, tránh tổn thất. 

Những hy sinh thầm lặng…

Trong câu chuyện xen lẫn nhiều dòng cảm xúc, người chiến sĩ năm xưa bồi hồi nhớ lại quá khứ đau thương mà oanh liệt. Giọng bà bỗng chùng xuống khi hồi tưởng về những đồng đội đã hy sinh trước họng súng quân thù. Bà còn nhớ mãi về một đồng đội âm thầm hoạt động trong lòng địch nhưng đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là liệt sĩ Phạm Văn Chí được xây dựng làm lính cho đơn vị Bảo an của địch.

Sau khi lập nhiều chiến công hiển hách, chiến sĩ Phạm Văn Chí hy sinh vào một đêm năm 1972, khi gỡ mìn để mở đường mang thư ra cho đơn vị của bà. Ngay sau khi hy sinh, đơn vị Bảo an của địch đã đưa xác liệt sĩ Phạm Văn Chí về chôn cất tại một nghĩa trang của phía Việt Nam Cộng hòa ở Biên Hòa (Đồng Nai). Qua nhiều kênh liên lạc, nhiều năm sau, bà Bảy Tuyết cùng các đồng đội đã làm hồ sơ công nhận liệt sĩ cho đồng chí Phạm Văn Chí, sau đó cải táng đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Phước Long an táng. 

Bài 8: Nữ Đội trưởng Biệt động kể chuyện xông pha lửa đạn để cho ngày đất nước thống nhất -0
Để tưởng nhớ các Anh hùng- liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại chiến trường Bà Rá - Phước Long, những người đồng đội đã vận động xây dựng và khánh thành văn bia tưởng niệm tại núi Bà Rá.

Sau giây phút trầm ngâm, ánh mắt bà Bảy Tuyết bỗng sáng rực lên khi kể về những chiến công của mình và đồng đội. Đó là các trận đánh táo bạo bất ngờ, gây nhiều thiệt hại cho quân thù bên kia chiến tuyến, hay những lần mưu trí thoát khỏi vòng vây kẻ thù: “Hồi đầu năm 1969, tiểu đội địch đóng tại trường Nhất Linh ngay thị xã (nay là Trường THCS Thác Mơ, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long), được trang bị rất nhiều vũ khí hiện đại, trong lúc lực lượng rơi vào hoàn cảnh thiếu vũ khí. Nhiệm vụ lúc này là đánh địch và thu chiến lợi phẩm. Sau quá trình theo dõi, nắm được lịch hành quân và thời gian chúng đi lùng sục bắt bớ, tôi cùng 3 chiến sĩ đột nhập lấy súng đạn chuyển ra ngoài, sau đó đặt mìn. Khi những quả mìn nổ tung, nhiều tên địch chết. Số còn lại thì hốt hoảng kêu la và bị Đội biệt động Bà Rá xả súng vào trong tiêu diệt gọn”, nữ chiến sĩ bị thương nặng 2 lần tưởng chết vào năm 1968 nhớ lại. 

Bà Bảy Tuyết cho biết, thành tích chiến đấu và công tác của Đội biệt động Bà Rá K11 là sự thật, nhưng chỉ là thành tích nhỏ bé so với chiến tích lâu dài của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau giải phóng Phước Long, nhiều lãnh đạo chỉ huy K11 của Tỉnh đội Phước Long cũng không còn. Một số hy sinh, một số chuyển công tác sang địa bàn khác. Do vậy, việc xét đề nghị khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân không được thực hiện.

Để tưởng nhớ đồng đội, đồng bào đã chiến đấu hy sinh, những anh em còn lại đã vận động quyên góp xây dựng Đền thờ liệt sĩ và đồng bào tử nạn núi Bà Rá, tổ chức lễ giỗ, thờ cúng liệt sĩ và hương hồn đồng bào với lòng thành kính biết ơn. Khi làm được những điều tri ân đó, chúng tôi cũng cảm thấy được ấm lòng. 

Cũng trong cuộc trao đổi, bà Bảy Tuyết trăn trở mãi về những người dân tham gia che chở, đùm bọc, nuôi ăn cho các chiến sĩ cách mạng.

“Nhiều người dân thường, nhiều hộ dân ở địa phương này, họ bất chấp tất cả để hy sinh, có người hy sinh cả mạng sống của mình để che chở cho các chiến sĩ, cho cách mạng trong nhiều năm để đất nước được hòa bình…”, bà Bảy Tuyết xúc động nói. 

Tháng 7/1972, rút về căn cứ, bà Bảy Tuyết được cử làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà còn làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Phước Long, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang. Năm 1992, bà về nghỉ hưu. 

Với những chiến công vang dội trong chiến tranh, bà Bảy Tuyết được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. 

Nguyễn Cảnh – Bùi Liêm
.
.