Thể thao Việt Nam: Vẫn ưu tiên giữ vững hệ thống đào tạo trẻ

Thứ Năm, 09/01/2025, 06:52

Thành công của thể thao Việt Nam trong thời gian qua nhờ sự đóng góp của các VĐV nhập tịch hoàn toàn gốc nước ngoài và VĐV gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài hoặc đã về Việt Nam làm việc có thể sẽ thúc đẩy thêm cách chọn lựa nhân sự của nhiều đội tuyển quốc gia. Dù thế nào thì hệ thống đào tạo trẻ trong nước vẫn cần được giữ vững, xem trọng.

Người thật, kết quả thật 

Câu chuyện VĐV gốc nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam để có cơ hội thi đấu, cống hiến cho đội tuyển Việt Nam vốn đã được bàn đến từ khoảng hơn 15 năm trước và chủ yếu ở môn bóng đá. Đây cũng là điều dễ hiểu khi bóng đá Việt Nam đã theo hướng chuyên nghiệp từ nhiều năm trước đó và đón nhiều cầu thủ ngoại tới thi đấu tại Việt Nam. Đã có lúc tưởng như việc đưa những cầu thủ gốc nước ngoài nhập tịch Việt Nam vào đội tuyển quốc gia sẽ là chuyện đương nhiên. Nhưng rồi vì nhiều lý do khác nhau, việc này lại bị gác lại.

Thể thao Việt Nam: Vẫn ưu tiên giữ vững hệ thống đào tạo trẻ -0
Đội tuyển bóng rổ nữ quốc gia đăng quang tại nội dung 3x3 ở SEA Games 32.

Phải đến gần đây, trường hợp cầu thủ Nguyễn Xuân Son mới gây chú ý. Cầu thủ này mong muốn nhập quốc tịch Việt Nam đã lâu và đến gần đây mới toại nguyện và lập tức có tên trong đội tuyển Việt Nam dự ASEAN Cup 2024. Thành công của cầu thủ này khi thi đấu trong màu áo đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024 vừa qua cũng không phải kể lại quá nhiều.

Tất cả chỉ để thấy, nếu có thêm những cầu thủ gốc nước ngoài được nhập tịch Việt Nam như Nguyễn Xuân Son thì cơ hội cạnh tranh ở những sân chơi cao hơn cấp độ Đông Nam Á sẽ lớn hơn với đội tuyển bóng đá Việt Nam. Rất có thể, đây tiếp tục là hướng đi của bóng đá Việt Nam để tạo nên một đội tuyển giàu sức cạnh tranh ở sân chơi châu lục và khu vực Đông Nam Á hơn hiện nay. Và xa hơn, đó có thể là hướng đi của nhiều môn thể thao khác.

Trong khi đó, số vận động viên nước ngoài gốc Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều trong làng thể thao Việt Nam. Từ cách đây hơn chục năm, ngành Thể thao đã coi việc thu hút các VĐV ở nước ngoài có gốc Việt Nam về Việt Nam thi đấu cho các câu lạc bộ hoặc vào đội tuyển quốc gia. Cho nên, ngoài bóng đá, nhiều đội tuyển quốc gia cũng đã xuất hiện các VĐV nước ngoài gốc Việt ở các môn như quần vợt, bơi, bóng rổ, thể dục nghệ thuật, thể dục dụng cụ...

Cách đây khoảng 8 năm, những người yêu mến bóng rổ vẫn nhớ đến việc đội tuyển bóng rổ nam có sự góp mặt của 3 cầu thủ là Nguyễn Tuấn Tú (còn gọi là Stefan Nguyễn), Horace Nguyễn (Horace Nguyễn Tâm Phúc) và Tâm Đinh (Đinh Thanh Tâm) tại SEA Games 29 năm 2017. Cả 3 cầu thủ này thi đấu nổi bật ở Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam năm 2016 và đều trưởng thành từ môi trường bóng rổ ở Thụy Điển (với Nguyễn Tuấn Tú) và Mỹ (Horace Nguyễn, Tâm Đinh).

Trở về Việt Nam thi đấu, cả 3 lập tức trở thành “đầu tàu” ở những đội bóng mà họ đầu quân. Họ chưa mang đến kết quả như mong muốn cho đội bóng rổ nam ở kỳ SEA Games 29 nhưng đã đưa đội tuyển bóng rổ nam Việt Nam đến một vị thế mới, được đánh giá cao hơn hẳn so với trước đó.

Còn đến kỳ SEA Games 32 vừa qua, sự góp mặt của chị em sinh đôi Trương Thảo My và Trương Thảo Vy được xem là yếu tố quyết định để giúp bóng rổ Việt Nam lần đầu giành HCV ở một kỳ SEA Games.

Trong dòng chảy thu hút VĐV nước ngoài gốc Việt Nam tới đây bộ môn vật (Cục TDTT) và Liên đoàn vật Việt Nam cũng đang tính toán phương án để đưa một đô vật nam gốc Việt đang tập luyện, sinh sống tại Mỹ về thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Nếu thành công, đội tuyển vật Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tranh chấp huy chương tại một nội dung thi đấu của nam ở kỳ ASIAD năm 2026.

Ưu tiên hệ thống đào tạo trẻ

Khi đề cập đến việc nhập quốc tịch những cầu thủ gốc nước ngoài thực sự mong muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam hoặc thu hút VĐV gốc Việt đang tập luyện thi đấu ở nước ngoài hoặc đã về Việt Nam, nhiều chuyên gia thể thao đều cho rằng đây là xu hướng của toàn cầu.

Thể thao Việt Nam cũng không thể tách rời xu thế này và cũng cần coi đây là một những kênh hiệu quả để gia tăng sức mạnh cho thể thao Việt Nam. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều ngành nghề khác muốn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đất nước phát triển bền vững.

Dù vậy, các chuyên gia cũng thống nhất ở việc không vì có nguồn VĐV gốc nước ngoài hay VĐV nước ngoài gốc Việt đang sinh sống, thi đấu ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam mà xao nhãng công tác đào tạo trẻ. Bởi xét cho cùng, đây là nguồn VĐV ổn định nhất cho các đội tuyển quốc gia, giúp các đội tuyển quốc gia không bị động về nguồn tuyển chọn nếu chỉ dựa vào VĐV nước ngoài gốc Việt hay số cầu thủ gốc nước ngoài nhập tịch Việt Nam.

Trong nhận định gần đây, chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú từng đề cập đến việc các câu lạc bộ cũng phải chăm chút cho hệ thống đào tạo của mình để cung cấp những cầu thủ giỏi cho đội tuyển quốc gia. Nếu có lấy ví dụ cụ thể thì rõ nhất là trường hợp của Hoàng Đức, Quang Hải... những cầu thủ thành tài nhờ hệ thống đào tạo trong nước. Không có sự xuất sắc của những cầu thủ này, Nguyễn Xuân Son có thể sẽ ít cơ hội phô diễn tài năng hơn rất nhiều. 

Còn ở nhiều môn khác, kể cả những môn đã và đang thu hút các VĐV nước ngoài gốc Việt, các nhà quản lý cũng đều cho rằng, ngay lúc này cần giữ nguyên thậm chí tăng mức đầu tư cho hệ thống đào tạo trẻ. Đấy sẽ là cái gốc để thể thao Việt Nam phát triển bền vững.

Bóng rổ tiếp tục trông vào cầu thủ nước ngoài gốc Việt

Sau thành công lịch sử của đội tuyển bóng rổ nữ quốc gia ở SEA Games 32 với đóng góp lớn của chị em Trương Thảo Vy – Trương Thảo My, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục theo hướng tuyển chọn VĐV như kỳ SEA Games 33. Trong đó, các cầu thủ nước ngoài gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài hoặc đã về Việt Nam thi đấu được coi như nguồn tuyển chọn cần thiết.

Minh Khuê

Minh Hà 
.
.