Thăng trầm sự nghiệp của ông Park Hang Seo tại Hàn Quốc
“Họ (LĐBĐ Hàn Quốc) đưa tôi một tờ A4 gọn lỏn. Tôi bảo họ hãy soạn hợp đồng tử tế đi vì HLV nước ngoài được ký hợp đồng đàng hoàng còn mình thì không. Họ đáp lại: Có cần phải phức tạp thế không”, sự thiếu tôn trọng đến từ LĐBĐ Hàn Quốc như một cú tát vào lòng sĩ diện của ông Park Hang Seo - tân Phó Chủ tịch của chính tổ chức này hiện tại.
Sự trở lại ngoạn mục
Ngày 9/4/, đồng loạt các tờ báo về thể thao nổi tiếng nhất Hàn Quốc đăng tải về màn tái thiết thượng tầng đáng chú ý của LĐBĐ quốc gia này. Chủ tịch Jeong Mong Kyu của LĐBĐ Hàn Quốc thông báo 27 thành viên vào Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Hai trong số những cái tên rất đáng chú ý ngồi vào ghế Phó Chủ tịch là Park Hang Seo và Shin Tae Yong.
Bằng những con đường khác nhau, cả hai đã tạm biệt cương vị HLV trưởng ĐTQG Việt Nam và Indonesia, để trở lại bóng đá Hàn Quốc làm “quan lớn”. Nguồn tin từ Chosun nhấn mạnh: “Ông Park Hang Seo và Shin Tae Yong sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ ĐTQG, cũng như tham gia sâu vào hoạt động đối ngoại của LĐBĐ Hàn Quốc”.
Chưa vội đề cập đến công việc mới ở tương lai gần, việc ngồi lên vị trí Phó Chủ tịch LĐBĐ Hàn Quốc cũng đem lại cho ông Park Hang Seo một vị thế mà sự nghiệp chưa bao giờ có. Chủ tịch VFF - Trần Quốc Tuấn, người có trách nhiệm cao nhất trong việc thuê và 3 lần ký hợp đồng với ông Park Hang Seo, trong giai đoạn 2018 đến đầu 2023 gửi lời chúc mừng tới LĐBĐ Hàn Quốc và cá nhân ông thầy 67 tuổi. Và từ mối quan hệ công việc giữa người đi thuê và được thuê, cả hai giờ trở thành những đối tác chiến lược, giữa hai nền bóng đá Hàn Quốc và Việt Nam.

Nhưng đó chưa phải là tất cả niềm hãnh diện mà HLV Park Hang Seo có được, sau khi nhận quyết định bổ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch LĐBĐ Hàn Quốc. Cách trở lại bóng đá Hàn Quốc đầy ngoạn mục và vẻ vang mới là điều mà nhà cầm quân này hãnh diện và tự hào. Ít ai biết rằng, hơn 20 năm trước, ông Park đã bị tổn thương sau đối xử thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận lãnh đạo LĐBĐ Hàn Quốc khi đó. Chính điều này kéo theo những thất bại liên tiếp sau đó trong nghiệp cầm quân mà vị HLV này phải trải qua. Để rồi phải chờ tới khi đến Việt Nam làm việc, nỗi đau ấy mới phần nào được chữa lành đối với ông Park Hang Seo.
Vết thương quá khứ
Sau sự nghiệp cầu thủ không quá nổi bật. HLV Park Hang Seo chỉ thực sự được nhắc tên, với tư cách trợ lý cho ông Guus Hiddink tại VCK World Cup 2002. Trong vai trò trợ lý đắc lực cho “thầy phù thuỷ” người Hà Lan, ông Park trở thành cánh tay nối dài giữa cầu thủ và Ban huấn luyện. Hàn Quốc đã tạo nên một hành trình chấn động thế giới, khi trở thành đội tuyển thuộc châu Á đầu tiên và cũng là duy nhất cho tới hiện tại vào tới vòng bán kết.
Mọi thứ suôn sẻ với ông Park Hang Seo. Nhưng ngay khi HLV Guus Hiddink nói lời chia tay ĐT Hàn Quốc, những lời gièm pha bắt đầu xuất hiện với thầy Park. “Khi LĐBĐ Hàn Quốc chỉ định tôi làm HLV trưởng đội U23 dự ASIAD, một số người tại liên đoàn không công nhận năng lực của tôi. Họ muốn ông Chung Hae Seong làm đồng HLV trưởng cùng tôi. Nhưng tôi không muốn điều đó”, ông Park nói. Sự đố kị của một bộ phận thành viên trong LĐBĐ Hàn Quốc tiếp tục thiếu tôn trọng và gây khó dễ với ông Park Hang Seo.
“Tôi thường xuyên bị nói ra nói vào về trình độ học vấn, dù bản thân tốt nghiệp đại học. Ngày tôi được chỉ định làm HLV trưởng đội U23 Hàn Quốc, họ (LĐBĐ Hàn Quốc - PV) đưa tôi một tờ giấy A4 gọn lỏn. Tôi bảo họ hãy soạn hợp đồng tử tế đi vì HLV người nước ngoài được ký hợp đồng đàng hoàng còn mình lại chỉ có một tờ giấy A4. Họ đáp lại rằng có cần phải phức tạp thế không. Nhìn thái độ của họ là tôi thấy mình chướng mắt như thế nào rồi”, HLV Park rớm nước mắt kể lại quá khứ đầy khó khăn.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Ngày HLV Hiddink trở lại với tư cách khách mời, LĐBĐ Hàn Quốc sắp xếp ông Hiddink ngồi vào băng ghế huấn luyện ngay cạnh ông Park Hang Seo, người đã là HLV trưởng đội Olympic Hàn Quốc. “Một người trong liên đoàn mỉa mai tôi thế này: Chắc anh tổn thương lòng tự trọng lắm nhỉ. Rồi họ bịa đặt, truyền tai nhau rằng tôi bất mãn với HLV Hiddink”.
Khi đội chỉ giành Huy chương Đồng dù Á vận hội được tổ chức trên sân nhà, ông Park trở thành tâm điểm chỉ trích. “Sau thất bại ở Á vận hội, tôi bị dư luận chê bai. Đó thật là quãng thời gian đen tối. Từ niềm tự hào World Cup, tôi chẳng còn gì ngoài sự ghét bỏ. Mọi việc chỉ xảy ra trong vòng có mấy tháng. Lúc đó, tôi nghĩ hay là mình bỏ bóng đá để làm công việc khác”, HLV Park cay đắng thổ lộ.
Chia tay chốn thị phi, HLV Park tìm kiếm lại động lực ở cấp CLB. Nhưng trải qua hơn 12 năm từ K.League 1 đến K.League 2 rồi thậm chí là K.League 3, ông Park đều thất bại. Truyền thông Hàn Quốc dè bỉu vị HLV này là quý ngài ngủ gật, sau một video nhà cầm quân này trầm tư trong cabin huấn luyện.
Ở tuổi gần 60, ông Park thực sự đã nghĩ đến việc giải nghệ. Nhưng chính lời khuyên của vợ cũng giới thiệu đến từ người đại diện Lee Dong Jun, ông Park quyết định thử vận may tại Việt Nam. Đúng ở thời điểm chẳng còn gì để mất, ông Park Hang Seo thành công rực rỡ với bóng đá Việt Nam. Chiến tích vào tới trận chung kết U23 châu Á 2018 cùng U23 Việt Nam mở ra một chương mới rực rỡ chưa từng có trong nghiệp bóng đá của vị HLV này. Liên tiếp các chiến công lịch sử tại AFF Cup 2018, Asian 2019 Cup 2019, SEA Games và 2021 và đỉnh cao là lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 biến ông Park Hang Seo trở thành nhà cầm quân vĩ đại nhất, thành công nhất trong lịch sử “Những chiến binh sao Vàng”.
Bóng đá Việt Nam thật sự đã kéo ông Park ra khỏi hố sâu tuyệt vọng và tìm đến thành công. Và chính bóng đá Việt Nam trở thành đòn bẩy để giới truyền thông và bóng đá Hàn Quốc phải nhìn ông Park bằng ánh mắt ngưỡng mộ.
Viên pin vĩnh cửu
Ông Park đến với bóng đá chuyên nghiệp khá muộn. Phải đến khi từ quê lên thành thị theo học cấp 3, ông Park mới thật sự xác định bóng đá là nghề kiếm cơm của cuộc đời. Ông Park được ví như một con trâu mộng ở trên sân. Biệt danh ấy đã bắt đầu từ khi vị HLV này còn học cấp 3 cho đến khi giã từ nghiệp quần đùi áo số. Giới truyền thông gọi ông với cái tên mỹ miều hơn. Đó là viên pin vĩnh cửu, như một cách mô tả sự bền bỉ mà HLV Park thể hiện trên sân cỏ.