Hướng đi của thể thao thành tích cao sẽ như thế nào?
Sau những đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, ngành Thể thao đang tính toán rút gọn số môn trọng điểm giai đoạn 2026-2046 so với dự kiến. Lúc này, tất cả đang chờ đợi danh sách các môn trọng điểm rút gọn để làm rõ hướng đi của thể thao thành tích cao Việt Nam.
Từ 17 xuống 8
17 ở đây là số môn ban đầu được ngành Thể thao nhắm đến để đưa vào danh sách các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Các môn được dự kiến đưa vào danh sách này gồm điền kinh, bắn súng, bắn cung, taekwondo, cử tạ, boxing (quyền Anh), đấu kiếm, thể dục dụng cụ, xe đạp, judo, vật, bơi, cầu lông, đua thuyền, karate, wushu, cầu mây.
Trong đó, 17 môn được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm các nội dung, môn thể thao thế mạnh có nhiều khả năng tranh chấp huy chương Olympic (8 môn): Bắn súng, bắn cung, cử tạ, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông. Khoảng 100-110 VĐV ở nhóm này sẽ được tập trung dài hạn, tập huấn ở nước ngoài.

Nhóm 2 là các nội dung, môn tiềm năng và có nhiều khả năng tranh chấp huy chương tại ASIAD (9 môn): Điền kinh, judo, karate, wushu, thể dục dụng cụ, vật, bơi, cầu mây, xe đạp. 65 - 70 VĐV ở nhóm này, sẽ được đầu tư theo hướng kết hợp tập trung tập huấn trong nước và cử đi tập huấn, thi đấu ngắn hạn tại nước ngoài theo chế độ đặc thù.
Dù vậy, sau hội thảo gần đây góp ý xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục TDTT Việt Nam tổ chức, đã có nhiều góp ý từ các chuyên gia để bảo đảm "trọng điểm" thực sự là "trọng điểm". Trong đó, đáng chú ý là các ý kiến về việc cần rút ngắn danh sách các môn trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư, chứ đầu tư cho 17 môn trọng điểm vẫn có hơi hướng dàn trải, nguồn lực của ngành Thể thao sẽ khó đáp ứng.
Những ý kiến này được ghi nhận, xem xét thấu đáo với sự cầu thị nên đến bây giờ, ngành Thể thao đang tính toán lại số môn thể thao trọng điểm để sớm hoàn tất tờ trình về việc phê duyệt Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046. Dự kiến, số môn thể thao trọng điểm trong chương trình trên sẽ còn 8 thay vì 17 như ban đầu. Đó thực sự là thay đổi lớn về cách làm, cách xây dựng số môn thể thao trọng điểm.
Môn nào, nhóm nội dung nào sẽ là trọng điểm?
Đến lúc này, việc xác định môn, nhóm nội dung trọng điểm đang là vấn đề được bàn bạc, trao đổi kỹ ở Cục TDTT Việt Nam, đơn vị chủ trì về chuyên môn trong xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, ASIAD giai đoạn 2026-2046, trước khi chuyển lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Chính phủ thông qua.
Điều thấy rõ là nhiệm vụ của môn trọng điểm cho đấu trường Olympic và ASIAD sẽ khác so với dự kiến. Với môn trọng điểm cho Olympic phải bảo đảm khả năng giành huy chương ở đấu trường này thay vì chấp chới như trước. Hay với môn trọng điểm cho ASIAD phải bảo đảm khả năng giành HCV thay vì chỉ là "giành huy chương" như dự kiến trước đây. Và như tính toán của giới chuyên môn, với tiêu chí trên thì có lý do để rút gọn số môn trọng điểm. Bởi như với nhóm môn có thể tranh huy chương Olympic thì hiện tại vẫn chỉ là cử tạ hoặc bắn súng.
Với 2 môn này cũng có thể trong diện tranh chấp HCV ASIAD. Trong khi đó, bắn cung, taekwondo, boxing, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông chưa cho thấy khả năng tranh chấp huy chương Olympic trong thời gian tới. Ngay cả taekwondo từng có VĐV giành Huy chương bạc Olympic 2000 nhưng từ đó đến nay chưa bao giờ lấy lại vị thế ở đấu trường Olympic. Thậm chí, lực lượng của taekwondo nếu được đầu tư tốt cũng phải mất 2 chu kỳ Olympic mới đủ khả năng tranh chấp ổn định vé trực tiếp dự Olympic chứ chưa kể đến mục tiêu giành huy chương ở Olympic.
Các môn còn lại cũng mới chỉ có VĐV giành vé trực tiếp tham dự Olympic và đến lúc này khả năng giành vé trực tiếp ở các kỳ Olympic tới ngày càng khó.
Trong khi đó, với nhóm môn được dự báo tranh chấp HCV tại ASIAD mà gần nhất là ASIAD 2026, nếu khoanh vùng cũng chỉ còn một số môn như karate, cầu mây, wushu, đua thuyền. Những môn còn lại như điền kinh, judo, vật, bơi, thể dục dụng cụ... trong quá khứ cũng chí chạm đến cơ hội giành HCV. Với dàn lực lượng hiện nay, khả năng tranh chấp HCV tại sân chơi ASIAD của các môn này cũng hạn chế. Muốn củng cố khả năng tranh chấp HCV tại ASIAD cho các môn này cần nguồn lực đầu tư lớn. Mà như thế nguồn lực cho những môn có khả năng cao tranh chấp HCV ASIAD sẽ lại bị phân tán. Thế nên, những nhà quản lý mới đang cân nhắc kỹ lưỡng để xác định những môn thực sự trọng điểm nhằm bảo đảm chắc chắn khả năng giành huy chương tại Olympic và HCV tại ASIAD.
Tất nhiên, sẽ là tốt nhất khi giảm số môn trọng điểm nhưng không giảm tổng số kinh phí dự kiến cho các môn này. Trong dự kiến kinh phí đầu tư cho các môn trọng điểm, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn; giai đoạn 2030 - 2036 cần khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% giai đoạn 2026-2030; giai đoạn 2036 - 2046 cần khoảng 175 - 180 tỉ đồng/năm/17 môn và thêm 10% của giai đoạn 2030 - 2036. Đó là yếu tố tiên quyết để có thể thực hiện thành công mục tiêu tại Olympic và ASIAD cho các môn thể thao trọng điểm. Và như thế mới bảo đảm đúng ý nghĩa của việc đầu tư trọng điểm.
Thành tích không ổn định
Trong lịch sử tham dự Olympic, thể thao Việt Nam giành được huy chương Olympic ở 1 số nội dung của các môn gồm bắn súng (1 HCV, 1 HCB - Olympic năm 2016), cử tạ (1 HCB - Olympic năm 2008, 1 HCĐ - Olympic năm 2012), taekwondo (1 HCB - Olympic năm 2000). Với Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), thể thao Việt Nam đã giành 19 HCV qua các kỳ ASIAD. Tại kỳ ASIAD 19 (kỳ ASIAD gần nhất), thể thao Việt Nam giành 3 HCV ở môn karate, cầu mây, bắn súng. Trước đó, những tấm HCV ASIAD của thể thao Việt Nam từng có trong môn taekwondo, billiards, thể hình, karate, cầu mây, wushu, điền kinh, đua thuyền rowing, pencak silat. Vấn đề nằm ở việc thành tích của thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic và ASIAD không ổn định.
Minh Khuê