Bài toán khó của đầu tàu thể thao Hà Nội

Thứ Năm, 16/01/2025, 06:40

Giành số lượng huy chương trong nước và quốc tế vào diện nhiều nhất cả nước trong năm 2024 nhưng điều đó không khiến người làm thể thao Hà Nội vơi nỗi lo giữ vị thế đầu tàu.

Những con số trong mơ

Cuối năm 2024, bảng tổng hợp số lượng huy chương mà các VĐV Hà Nội đạt được khiến nhiều người nể phục. Số liệu sơ bộ cho thấy các VĐV Hà Nội đã giành được 3.329 huy chương các loại tại các giải thi đấu. Cụ thể, tại đấu trường trong nước giành 1.127 HCV, 904 HCB, 983 HCĐ; tại đấu trường quốc tế giành 128 HCV, 91 HCB, 96 HCĐ. Số lượng huy chương các VĐV đạt được (3.329 huy chương) đã vượt chỉ tiêu được giao là 2.100 huy chương. Việc vượt gấp rưỡi tổng số huy chương dự kiến cũng được xem là bất ngờ với người làm chuyên môn nhưng một lần nữa chỉ ra tiềm lực của thể thao Hà Nội, qua đó chứng tỏ được vị thế đầu tàu bấy lâu nay của mình.

Nếu có điều gì còn cấn cá sau những tấm huy chương của thể thao Hà Nội trong năm 2024 có lẽ chính là việc chưa có VĐV giành huy chương dự Olympic. Trong năm 2024, thể thao Hà Nội có 2 VĐV giành vé dự Olympic là Hà Thị Linh (boxing) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung). Nhưng hành trình thi đấu của cả hai tại Olympic 2024 cũng sớm dừng lại, chưa thể chạm tới tấm huy chương. Việc này cũng giống như nhiều VĐV Hà Nội từng dự Olympic trước đó. Tất cả đều ở mức tròn trịa so với năng lực bản thân, chưa ai thực sự đạt đến đẳng cấp có thể cạnh tranh tấm huy chương Olympic một cách sòng phẳng.

Cũng dịp đầu năm 2025, thể thao Hà Nội có dịp thống kê 1 năm thực hiện Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND thành phố quy định một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của TP Hà Nội. Trong tổng kết sơ bộ, thể thao Hà Nội đã thực hiện chi trả chế độ trợ cấp, đãi ngộ đặc thù đối với 138 HLV, 284 VĐV với tổng số tiền trên 70 tỷ đồng.

Một số môn có nhiều HLV, VĐV được hưởng chế độ như sau: Bắn cung, kickboxing - muay, cầu mây, điền kinh, karate, kiếm quốc tế, vật, wushu...

Đặc biệt, trong những VĐV được hưởng chế độ đãi ngộ đặc thù có Hà Thị Linh (boxing) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung) được hưởng 17 triệu đồng/tháng đến chu kỳ Olympic tiếp theo nhờ việc giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Đây là 2 VĐV đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam được hưởng chế độ đãi ngộ đặc thù khi vượt qua vòng loại Olympic.

Không ngẫu nhiên khi nhiều HLV Hà Nội đã an tâm hơn khi vơi hẳn nỗi lo giữ chân các trụ cột. Với cách áp dụng chế độ đãi ngộ hiện tại, nhiều VĐV Hà Nội (nhất là những người giành huy chương thế giới và châu lục) đã có mức thu nhập hằng tháng vào khoảng 30-40 triệu đồng. Đó thực sự là mức thu nhập trong mơ trước khi Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND TP Hà Nội ra đời.

Số huy chương và mức thu nhập trong mơ của VĐV Hà Nội trong năm qua dù sao cũng chứng tỏ sự vượt trội về mặt lực lượng, về sự đi đầu của thể thao Hà Nội.

ha-thi-linh.jpg -0
Võ sĩ Hà Thị Linh được nhận chế độ đãi ngộ đặc thù nhờ việc giành vé dự Olympic 2024.

Vẫn chông chênh

Nhưng số huy chương và mức thu nhập trong mơ kia cũng không thể khỏa lấp những vấn đề mà thể thao Hà Nội đang đối mặt, khiến người ta chưa thực sự an tâm với chặng đường sắp tới của đầu tàu thể thao này. Bởi rõ ràng, thể thao Hà Nội mạnh sẽ đóng góp đáng kể vào sức mạnh của Đoàn Thể thao Việt Nam tại các sân chơi quốc tế. Nếu không mạnh thực sự thì thể thao Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

Ngay những ngày đầu năm 2025 này Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội phải chia tay toàn bộ 7 chuyên gia ngoại ở các môn boxing (2), cử tạ, cầu mây, bắn cung, taekwondo, vật vì không thể bảo đảm tiến độ triển khai thủ tục ký tiếp hợp đồng với các chuyên gia này. Đây là lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, thể thao Hà Nội không có chuyên gia ngoại, tạo nên sự lo lắng cho người làm chuyên môn.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia ngoại trong số này được đánh giá rất cao về chuyên môn, thực sự đáp ứng tiêu chí "ngon, bổ, rẻ" trong thuê chuyên gia nước ngoài. Như chuyên gia người Thái Lan Tawan Mungphingklang từng huấn luyện đội nữ boxing Hà Nội và góp công lớn vào thành công của boxing nữ Hà Nội cũng như đội tuyển nữ Việt Nam trong nhiều năm qua chẳng hạn. Ông Tawan Mungphingklang đã đạt đến trình độ hàng đầu thế giới trong huấn luyện boxing và đến làm việc tại Việt Nam cũng vì cái tình. Dù nhiều nước đã trả ông mức lương lớn hơn nhiều so với mức nhận được ở đội Hà Nội nhưng vị chuyên gia này vẫn muốn gắn bó với các học trò ở đội Hà Nội. Tuy vậy, những bất cập trên hoàn toàn có thể khiến ông thay đổi hướng đi của mình.

Dù rất muốn ký lại hợp đồng với các chuyên gia này song phía thể thao Hà Nội cũng phải hoàn thiện thủ tục đúng quy định. Trong lúc chờ hoàn thiện thủ tục, các chuyên gia này đành trở về nước và nguy cơ mất đi sự xuyên suốt trong huấn luyện ở các đội có chuyên gia ngoại là điều thấy rõ. Đương nhiên, việc này ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện và sự chuẩn bị chuyên môn cho các đội có chuyên gia nước ngoài trong năm 2024.

Và khả năng các chuyên gia này có thể nhận lời các đội khác ngoài Hà Nội trong thời gian về nước là có thật. Lúc đó, việc hoàn thiện thủ tục để đưa ra lời mời các chuyên gia trên e rằng sẽ muộn. Và hệ lụy sẽ khó có thể đo đếm ngay nhưng có lẽ không nhỏ.

Không kể, cơ sở vật chất để tạo nên đột phá cho thể thao Hà Nội cũng chưa có tiến triển đáng kể. Đặc biệt, thiếu hẳn hệ thống phòng hồi phục sau tập luyện, đội ngũ nhân viên y tế chuyên phụ trách hồi phục, theo dõi chữa trị chấn thương cho các VĐV... Một trung tâm thể thao có khoảng 3.000 VĐV mà số nhân viên y tế, bác sĩ, đội ngũ hồi phục cho VĐV sau tập luyện chỉ đếm trên đầu ngón tay thì sẽ khó nói đến chuyện đột phá. Đây cũng là cái khó chung của thể thao Việt Nam, từng được Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đề cập đến trong triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thể thao. Nhưng với một đầu tàu như Hà Nội thì phải khác, phải có sự đầu tư quyết liệt cho khâu này. Có như thế mới có thể giữ được vai trò đầu tàu trong năm 2025 và các năm tiếp theo. 

Chơi vơi với ngôi Nhất Đại hội Thể thao toàn quốc 2026

Hiện tại, khả năng Hà Nội mất ngôi đầu ở Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2026 đang treo lơ lửng khi một số môn chủ lực chững lại trong thời gian qua như thể dục dụng cụ, taekwondo..., thiếu cơ sở vật chất cơ bản trong huấn luyện, hồi phục, dinh dưỡng cho VĐV...; việc thực hiện thủ tục hành chính để ra nước ngoài thi đấu cũng tốn kém thời gian, ảnh hưởng đến sự chuẩn bị, việc nâng tầm của VĐV...

Minh Khuê

Minh Hà
.
.