Vòng xoáy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ đi đến đâu?
Vào lúc 0h01 ngày 9/4 (giờ địa phương), mức thuế 104% mà Mỹ tuyên bố áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Đáp lại, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết mức thuế bổ sung 84% sẽ được áp với hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4.
Giới chuyên gia nhận định, bước gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, gây leo thang bất ổn cũng như có khả năng kích hoạt làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới.

Mức thuế đối ứng mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm 2/4 áp lên hàng chục nền kinh tế thế giới đã chính thức đi vào hiệu lực từ ngày 9/4. Trong số các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, Trung Quốc chịu mức thuế cao kỷ lục. Tuyên bố mới đây của thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận, Trung Quốc phải chịu mức thuế tổng cộng lên tới 104%.
Kể từ khi nhậm chức, ông Trump vẫn theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết” và việc áp mức thuế 104% lên Trung Quốc được xem là một phần của chiến lược này. Hồi tháng 2, Mỹ áp thuế 10%, không có ngoại lệ, đối với hàng hóa Trung Quốc và tăng gấp đôi mức thuế đó lên 20% vào tháng 3. Đầu tháng 4, ông Trump công bố áp thuế bổ sung 34% với Trung Quốc và dọa áp thêm 50% nếu Bắc Kinh không rút lại quyết định áp thuế 34% để trả đũa Mỹ trước thời hạn 9/4.
Bất chấp cảnh báo trên, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 8/4 tuyên bố sẽ không nhượng bộ. Và trong một diễn biến mới nhất, ngày 9/4, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết mức thuế bổ sung 84% sẽ được áp dụng đối với hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4. Bắc Kinh cũng công bố “Sách trắng” về quan hệ kinh tế và thương mại với Washington.
Theo Tân Hoa xã, “Sách trắng” nêu rõ Trung Quốc coi việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có những khác biệt và căng thẳng trong hợp tác kinh tế - thương mại là điều hoàn toàn bình thường. Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại để giải quyết các vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi, không nên lạm dụng thuế quan để gây sức ép.
Trước đó, Trung Quốc đã bổ sung 11 công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin”, với lý do vi phạm các quy định thị trường. Ngoài ra, Bắc Kinh đưa thêm 16 doanh nghiệp Mỹ vào danh sách hạn chế xuất khẩu, đặc biệt là việc siết xuất khẩu với 7 kim loại liên quan đến đất hiếm - nguyên liệu chiến lược trong sản xuất công nghệ cao mà Mỹ đang phụ thuộc. Thậm chí, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố rằng Trung Quốc có đủ công cụ chính sách trong tay để ứng phó với bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài. Ông cũng khẳng định Bắc Kinh tự tin duy trì tăng trưởng kinh tế lành mạnh, bền vững và tiếp tục mở cửa.
Theo các chuyên gia của Capital Economics, Trung Quốc dường như đã tích lũy được rất nhiều chiến lược sau những lần xảy ra căng thẳng thương mại với Mỹ. Kể từ sau cuộc chiến thương mại đầu tiên năm 2018, Trung Quốc đã đẩy mạnh giảm phụ thuộc vào Washington. Tỉ trọng xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm từ 19,2% (2018) xuống còn 14,7% (2024). Hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc cũng bị dần thay thế bằng hàng nội địa hoặc từ các đối tác khác, kéo tỉ trọng từ 8,3% (2017) xuống còn 6,3% (2024).
Hôm 8/4, tỉ giá hối đoái đồng nhân dân tệ (NDT) chạm mức thấp nhất từ năm 2023 sau khi được Ngân hàng trung ương Trung Quốc nới nhẹ ở mức 7,2038 NDT đổi 1 USD. Theo quy định, đồng NDT được phép giao dịch trong biên độ ±2% quanh tỉ giá này. Như vậy, giá trị thấp nhất có thể dùng để quy đổi là 7,347 NDT đổi 1 USD.
Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á ngoài Nhật Bản của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), đánh giá: “Lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trước những mức thuế của Mỹ đi kèm với việc nới nhẹ đồng NDT nhằm đón nhận dễ hơn những cú sốc sắp tới. Ngân hàng trung ương Trung Quốc không mong muốn và cũng sẽ không theo đuổi một đợt phá giá mạnh, vì ổn định tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu”. Tuy vậy, tờ Nhân Dân nhật báo vẫn thừa nhận rằng đòn áp thuế lần này của Mỹ sẽ có tác động lớn tới Trung Quốc.
Được biết, tại hội nghị công tác đối ngoại chuyên đề về các quan hệ với nước láng giềng ngày 9/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ chiến lược với các nước láng giềng thông qua quản lý phù hợp những khác biệt và thúc đẩy hợp tác về chuỗi cung ứng, trong bối cảnh nước này đang bước vào giai đoạn then chốt, trong đó các yếu tố khu vực và toàn cầu đan xen và biến động mạnh mẽ.
Hiện tại, Trung Quốc đang đẩy mạnh đối thoại kinh tế với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia đồng minh truyền thống của Mỹ vừa bị áp thuế đối ứng lần lượt là 24% và 25%. Bắc Kinh cũng tăng cường đối thoại kinh tế với Liên minh châu Âu (EU), sau khi khối bị áp thuế 20% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Về phía Mỹ, sau tuyên bố áp thuế, hơn 6.600 tỉ USD giá trị vốn hóa đã bị thổi bay khỏi Phố Wall. Chỉ số S&P 500 - đại diện cho các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ, đã giảm gần 10% so với đỉnh hồi cuối tháng 2. Capital Economics dự báo thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lạm phát vượt quá 4% ngay trong năm 2025, dù chỉ số này đang tiến vững về mốc an toàn 2% sau những nỗ lực kiềm chế của Cục Dự trữ liên bang (FED). Nhưng Tổng thống Trump vẫn không hề dao động.
Giới phân tích nhận định, Tổng thống Trump vẫn có lý do để tin vào sức bật của nền kinh tế Mỹ. Tháng 3 vừa qua, nước này tạo thêm 228.000 việc làm, vượt xa kỳ vọng. Chỉ số theo dõi tăng trưởng của FED Dallas cho thấy kinh tế Mỹ vẫn tăng hơn 2%/năm, cao hơn nhiều so với các nước phát triển khác. Thực tế này tạo ra lớp đệm giúp ông Trump và cộng sự theo đuổi chiến lược thương mại cứng rắn.
Giới học giả lo ngại, mức thuế cao mà Trung Quốc phải gánh sẽ gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Không chỉ người dân Mỹ phải chịu giá cả hàng hóa tăng cao, các công ty sẽ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc, dẫn tới tăng chi phí và gián đoạn sản xuất. Trước đó, Bloomberg dẫn lời ông Trump cho biết, bóng đang nằm trong sân của Trung Quốc, rằng nước này rất muốn đạt được thỏa thuận, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu. Ông Trump gợi ý Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng một cú điện thoại.
Giáo sư kinh tế Graham Allison tại Diễn đàn Trung Quốc ở Đại học Harvard cho rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước về kinh tế, tài chính và khí hậu có thể giúp ngăn ngừa xung đột nếu hai bên kiên trì đối thoại và lãnh đạo một cách thận trọng. Việc thiết lập các kênh đối thoại hiệu quả, minh bạch, dựa trên luật pháp quốc tế là cần thiết để giải quyết các bất đồng. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể đóng vai trò trung gian. Ngoài ra, các quốc gia khác cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và hợp tác nhằm duy trì sự ổn định và phát triển của kinh tế toàn cầu.