Triển vọng nào cho vòng đám phán mới giữa Nga - Ukraine?

Thứ Tư, 23/07/2025, 07:34

Giữa lúc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khả năng về một vòng đàm phán mới, dự kiến diễn ra trong hai ngày 24-25/7 tại Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế. Dù Moscow và Kiev đều tuyên bố sẵn sàng đối thoại, giới quan sát cảnh báo những khác biệt quá sâu sắc về lợi ích và lập trường khiến con đường đến hòa bình còn nhiều chông gai.

Bế tắc từ lập trường đối đầu

Chuyên gia Denis Denisov (Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga) nhận định rằng lập trường đối đầu không khoan nhượng của cả Moscow lẫn Kiev chính là rào cản lớn nhất khiến các cuộc đàm phán hòa bình không thể tiến xa.

Thực tế, các bản ghi nhớ mà hai bên trao đổi tại Istanbul gần đây cũng cho thấy họ vẫn hoàn toàn bất đồng về cách thức chấm dứt xung đột. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Andrey Kortunov (Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai) bổ sung rằng nếu vòng đàm phán mới vẫn theo khuôn mẫu cũ như trước, với quyền hạn hạn chế của các phái đoàn, thì gần như không thể đạt được bất kỳ thỏa thuận đột phá nào.

Bên cạnh sự khác biệt mang tính nguyên tắc đó, những yêu sách cụ thể từ mỗi phía cũng thể hiện khoảng cách rất khó thu hẹp. Phía Nga kiên quyết đòi Kiev công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với bốn vùng lãnh thổ Ukraine đã sáp nhập, đồng thời yêu cầu Ukraine chấm dứt tiếp nhận viện trợ quân sự từ phương Tây và tuyên bố trung lập - những điều kiện tương đương việc buộc Kiev đầu hàng, nên dĩ nhiên phía Ukraine không thể chấp nhận. Trong tình thế đó, nhà phân tích chính trị Alexander Nemtsev nhấn mạnh cả Moscow lẫn Kiev đều không có ý định nhượng bộ, và một bước ngoặt chỉ có thể xảy ra nếu Ukraine không còn đủ khả năng tiếp tục kháng cự trên chiến trường.

Triển vọng nào cho vòng đám phán mới giữa Nga - Ukraine? -0
Toàn cảnh cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/5.

Trước thế bế tắc này, vai trò của các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, đang được đề cao trong nỗ lực kiến tạo hòa bình. Chuyên gia Bogdan Bezpalko (thành viên Hội đồng Tổng thống Nga về Quan hệ Liên sắc tộc) cho rằng, chỉ một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Nga, Mỹ và Trung Quốc mới có thể mở ra lộ trình hòa bình ở tầm chiến lược cho Ukraine. Tuy nhiên, “tối hậu thư” 50 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm buộc Moscow ký thỏa thuận ngừng bắn dường như khó có thể tạo được sức ép đáng kể, bởi như chuyên gia Andrey Kortunov lưu ý: “Nga chưa từng khuất phục trước áp lực”.

Ở chiều hướng khác, ông Alexander Nemtsev dự báo Washington sẽ từng bước thu hẹp sự can dự trực tiếp và chuyển phần lớn gánh nặng viện trợ Ukraine sang Liên minh châu Âu. Đức cùng một số quốc gia Bắc Âu tỏ ý sẵn sàng gánh vác nhiều hơn, nhưng nhiều nước châu Âu khác vẫn rất dè dặt. Với những yếu tố trên, triển vọng khởi động lại đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn vô cùng mờ mịt. Muốn đạt được một thỏa thuận hòa bình thực sự, hai bên không chỉ cần thay đổi lập trường, mà còn đòi hỏi có sự thúc đẩy mạnh mẽ cùng những cam kết cụ thể từ các cường quốc nhằm định hình một giải pháp chính trị bền vững.

Cần sớm khép lại chiến sự

Mặc dù đàm phán rơi vào bế tắc, thực tế chiến trường Ukraine đang tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khủng khiếp càng nhấn mạnh tính cấp bách phải chấm dứt chiến sự. Chiến tranh kéo dài không những không mang lại lợi ích cụ thể nào cho cả Nga lẫn Ukraine, mà ngược lại còn gây thiệt hại to lớn về người và của, đặc biệt là đối với thường dân vô tội.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ khi xung đột bùng nổ đến cuối năm 2024 đã có ít nhất 12.456 thường dân thiệt mạng, bao gồm 669 trẻ em, cùng 28.382 người khác bị thương. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, bởi giao tranh ác liệt khiến không phải mọi thương vong đều được thống kê đầy đủ. Trong khi đó, mỗi ngày chiến sự tiếp diễn, cả Nga và Ukraine đều hao tổn thêm sinh mạng và nguồn lực - một vòng xoáy bạo lực không đem lại lợi ích lâu dài cho bên nào.

Hệ lụy nhân đạo của cuộc chiến lan rộng trên mọi phương diện đời sống. Ước tính khoảng một phần ba dân số Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, với 6,9 triệu người trở thành người tị nạn ở nước ngoài và 3,7 triệu người phải di tản trong nước. Đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, gây áp lực chưa từng có lên các nước láng giềng và hệ thống cứu trợ quốc tế. Bên trong Ukraine, cơ sở hạ tầng dân sinh bị tàn phá nghiêm trọng: hơn 2,5 triệu ngôi nhà, tương đương 13% tổng số nhà ở trên cả nước, đã bị hư hại hoặc phá hủy. Các cuộc tấn công còn làm tê liệt mạng lưới điện, nước và hệ thống sưởi; trong mùa đông, hàng triệu người dân rơi vào cảnh mất điện, thiếu nước sinh hoạt và không có sưởi ấm. Hạ tầng y tế cũng chịu tổn thất nặng nề khi hàng trăm bệnh viện, phòng khám bị trúng bom đạn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận gần 2.000 vụ tấn công nhằm vào hệ thống chăm sóc sức khỏe Ukraine kể từ đầu cuộc chiến - mức độ hủy diệt chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các khủng hoảng nhân đạo. Việc bệnh viện, trạm xá bị phá hủy cùng tình trạng thiếu điện, thiếu thuốc men khiến người dân càng khó tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu, làm gia tăng nguy cơ tử vong do những bệnh có thể chữa được.

Đối tượng dễ tổn thương nhất là trẻ em cũng đang gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến. Tính đến cuối năm 2024, đã có ít nhất 669 trẻ em thiệt mạng và 1.833 em bị thương do bom đạn, một con số gây chấn động và vẫn chưa dừng lại. Giáo dục của hàng triệu trẻ em bị gián đoạn: hơn 1.300 trường học ở các vùng do chính phủ kiểm soát đã bị phá hủy hoàn toàn, nhiều trường khác hư hại nghiêm trọng. Chiến tranh nối tiếp đại dịch COVID-19 khiến nhiều em bước vào năm học thứ tư liên tiếp bị gián đoạn, dẫn tới sa sút nghiêm trọng về kiến thức lẫn sức khỏe tinh thần. Việc trường học, sân chơi biến thành mục tiêu tấn công đã tước đi tuổi thơ và để lại di chứng tâm lý lâu dài cho cả một thế hệ trẻ em Ukraine.

Trong bối cảnh thảm kịch đó, việc kéo dài xung đột rõ ràng không mang lại “chiến thắng” thực sự cho bên nào, mà chỉ đào sâu thêm đau thương và mất mát. Càng sa lầy vào cuộc chiến, cả Moscow lẫn Kiev càng hứng chịu thiệt hại nặng nề về sinh mạng và kinh tế, trong khi hàng triệu thường dân tiếp tục trả giá bằng máu và nước mắt. Ý thức được điều này, cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân đạo đã nhiều lần kêu gọi các bên sớm ngừng bắn và nối lại đối thoại hòa bình vì mục đích nhân đạo.

Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) từng khẩn thiết kêu gọi các bên “đặt các ưu tiên nhân đạo lên trên hết”, nhấn mạnh rằng “cơn ác mộng sinh tử này cần phải chấm dứt ngay. An toàn cùng việc tiếp cận thực phẩm, nước uống và nơi trú ẩn của người dân phải được đảm bảo”. Khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba, những tiếng nói đòi hỏi giảm leo thang và tìm giải pháp chính trị đang ngày một mạnh mẽ. Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng lịch sử sẽ phán xét với sự kinh hoàng nếu thảm kịch nhân đạo ở Ukraine tiếp tục leo thang mà không có nỗ lực hòa bình nào hiệu quả. Đã đến lúc các cường quốc và định chế toàn cầu gia tăng sức ép ngoại giao buộc các bên xung đột quay lại bàn đàm phán. Chấm dứt chiến sự bằng một giải pháp chính trị không chỉ là lựa chọn duy nhất để ngăn thêm những mất mát vô nghĩa, mà còn mở ra hy vọng tái thiết tương lai cho Ukraine và đem lại ổn định cho toàn khu vực.

Khổng Hà
.
.