Thông điệp đáng chú ý từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung bên lề APEC

Chủ Nhật, 17/11/2024, 11:20

Theo Tân Hoa Xã, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, mặc dù quan hệ Trung - Mỹ trải qua những thăng trầm suốt 4 năm qua, nhưng hai bên cũng đã tiến hành đối thoại, hợp tác và đạt được sự ổn định tổng thể.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chiều 16/11 (giờ địa phương) đã hội đàm trong khoảng hai giờ đồng hồ, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Lima – Peru.

7 nguyên tắc trong quan hệ Trung - Mỹ nhìn từ thực tế

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho rằng Bắc Kinh và Washington nên tìm ra con đường đúng đắn để hòa hợp, bởi sự phát triển ổn định của quan hệ đôi bên không chỉ liên quan đến nhân dân hai nước mà còn liên quan đến tương lai và vận mệnh của nhân loại.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc gặp: "Khi hai nước đối xử với nhau như đối tác và bạn bè, tìm kiếm tiếng nói chung, gác lại những khác biệt và giúp nhau thành công, mối quan hệ của chúng ta sẽ đạt được tiến triển đáng kể. Nhưng nếu chúng ta xem nhau là đối thủ hoặc kẻ thù, theo đuổi sự cạnh tranh khốc liệt và tìm cách làm tổn thương lẫn nhau, chúng ta sẽ làm xáo trộn mối quan hệ hoặc thậm chí là cản trở nó".

Thông điệp đáng chú ý từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề APEC -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ bên lề APEC Peru. Ảnh: Tân Hoa Xã

Về phần mình, ông Joe Biden cho rằng hai nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng đồng quan điểm nhưng các cuộc thảo luận của họ rất thẳng thắn. Ông Biden bày tỏ nhất trí với một số nguyên tắc định hướng quan hệ song phương mà ông Tập Cận Bình nêu ra, nhấn mạnh rằng 7 nguyên tắc cũng chính là kinh nghiệm và bài học rút ra từ thực tiễn quan hệ đôi bên suốt 4 năm qua.

Các nguyên tắc này bao gồm: cần có những nhận thức chiến lược đúng đắn; giữ vững niềm tin, lời nói đi đôi với việc làm; đối xử bình đẳng với nhau; không được thách thức lằn ranh đỏ, giới hạn cuối cùng; đối thoại và hợp tác nhiều hơn; đáp lại những kỳ vọng của người dân; thể hiện trách nhiệm của nước lớn.

Được biết, trên cương vị Tổng thống Mỹ, đây là cuộc gặp cuối cùng của ông Joe Biden với ông Tập Cận Bình. Theo The Guardian, cũng trong buổi hội đàm này, ông Tập Cận Bình bày tỏ rằng Trung Quốc sẵn lòng làm việc với chính quyền mới của Mỹ, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử và chuẩn bị nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2025.

"Trung Quốc sẵn lòng làm việc với một chính quyền mới của Mỹ để duy trì liên lạc, mở rộng hợp tác và xử lý những khác biệt nhằm hướng tới cho một quá trình chuyển tiếp ổn định trong mối quan hệ Trung-Mỹ vì lợi ích của người dân hai nước. Mục tiêu của Trung Quốc về một mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ ổn định, lành mạnh và bền vững vẫn không thay đổi".

Học giả về quan hệ quốc tế Shen Dingli tại Thượng Hải nhận định, Trung Quốc muốn cuộc họp này giúp làm giảm căng thẳng hai bên ở giai đoạn chuyển giao quyền lực, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế từ 60% trở lên với hàng hóa Trung Quốc. 

Nhất trí không để AI ra quyết định về vũ khí hạt nhân

Thông điệp đáng chú ý từ cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc bên lề APEC -0
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nhất trí không để AI ra quyết định về vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters

Washington Post dẫn thông cáo từ Nhà Trắng hôm 16/11 cho hay, tại cuộc gặp, hai bên cũng nhất trí quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân phải nằm trong tay con người, chứ không phải trí tuệ nhân tạo (AI). "Hai lãnh đạo nhấn mạnh phải cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro tiềm ẩn, cũng như phát triển AI trong lĩnh vực quân sự một cách thận trọng và có trách nhiệm", thông cáo của Nhà Trắng  nêu rõ.

Hiện chưa rõ liệu tuyên bố trên có dẫn đến các cuộc đàm phán hoặc hành động tiếp theo về vấn đề này hay không. Tuy nhiên, đây là tín hiệu đầu tiên của Washington và Bắc Kinh về đối thoại vũ khí hạt nhân và AI, vấn đề mà hai bên chưa đạt được tiến triển trong các lần đàm phán gần đây vào tháng 5 và đầu tháng 11. 

Trước đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, Trung Quốc đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 410 vào năm 2023 lên 500 trong năm 2024. Lầu Năm Góc dự báo tới năm 2030, Trung Quốc có thể có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân hoạt động.

Trung Quốc chưa chính thức nêu chi tiết về kho vũ khí của nước này nhưng tuyên bố áp dụng học thuyết răn đe tối thiểu, chỉ duy trì số đầu đạn ít nhất để đảm bảo khả năng đáp trả một cuộc tấn công. Trung Quốc cũng là cường quốc hạt nhân duy nhất thực thi chính sách không khai hỏa trước với vũ khí hạt nhân.

Kim Khánh
.
.