Nguy cơ lớn đối với kinh tế khu vực Trung Đông và toàn cầu

Thứ Bảy, 05/10/2024, 07:06

Xung đột leo thang tại khu vực Trung Đông có thể gây ra những hệ quả kinh tế đáng kể đối với cả khu vực và toàn cầu. Điều này chủ yếu thể hiện ở việc giá hàng hóa tăng, bao gồm cả dầu và ngũ cốc, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao khi các tàu tránh nguy cơ lực lượng Houthi tại Yemen tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 4/10, người phát ngôn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Julie Kozack, nhấn mạnh: “Nguy cơ xung đột tiếp tục leo thang làm gia tăng rủi ro và bất ổn. Điều này có nguy cơ gây ra những tác động kinh tế lớn cho khu vực và xa hơn nữa”.

Dù hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán những tác động cụ thể đối với kinh tế thế giới, song bà Julie Kozack lưu ý, các nền kinh tế trong khu vực đã chịu tổn thất nặng nề, đặc biệt là ở Gaza, nơi người dân đang phải vật lộn với điều kiện kinh tế xã hội vô cùng khó khăn, khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và thiếu hụt viện trợ.

Nguy cơ lớn đối với kinh tế khu vực Trung Đông và toàn cầu -0
Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Lebanon ngày 3/10.

Theo ước tính của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Gaza đã giảm 86%, trong khi GDP của Bờ Tây khả năng giảm 25% trong nửa đầu năm 2024 và nguy cơ suy thoái tiếp tục gia tăng. Israel chứng kiến GDP giảm khoảng 20% trong quý IV/2023 sau khi xung đột bùng phát và chỉ mới phục hồi một phần nhỏ trong nửa đầu năm nay.

Trước bối cảnh đó, nhiều nhà lãnh đạo, tổ chức quốc tế đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, kêu gọi tất cả các bên liên quan trong khu vực “hành động có trách nhiệm” và kiềm chế, đồng thời can dự tích cực để góp phần hạ nhiệt tình trạng căng thẳng hiện nay.

Trong một tuyên bố, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhấn mạnh, “vòng xoáy nguy hiểm của những cuộc tấn công và trả đũa có nguy cơ thúc đẩy sự leo thang không thể kiểm soát được ở Trung Đông, vốn không phục vụ lợi ích của bất kỳ ai”.

Các nhà lãnh đạo G7 còn nhắc lại lời kêu gọi thiết lập lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, trả tự do vô điều kiện cho toàn bộ con tin đang bị giam giữ và mở rộng bền vững dòng chảy viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine, chấm dứt xung đột. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3/10 (giờ địa phương) cho biết, ông không tin rằng, sẽ có một “cuộc xung đột toàn diện” ở Trung Đông. Theo ông, hoàn toàn có thể tránh được một kịch bản tồi tệ như vậy nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa.

Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời cho biết, Washington đang thảo luận với Tel Aviv về các phương án đáp trả cuộc tấn công của Tehran, bao gồm cả việc Israel tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất của Mỹ là việc tấn công Iran có thể gây ra một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn. Các cơ sở hạt nhân của Iran không chỉ được phân bố tại nhiều địa điểm mà còn được xây dựng dưới lòng đất khiến việc phá hủy hoàn toàn trở nên khó khăn. Một cuộc tấn công quân sự từ phía Israel có thể kích hoạt một cuộc trả đũa từ Iran và kéo theo sự tham gia của các lực lượng thân Tehran trong khu vực dẫn đến nguy cơ leo thang xung đột khắp khu vực Trung Đông. Mỹ lo ngại rằng leo thang sẽ làm suy yếu không chỉ lợi ích chiến lược của cả Mỹ và Israel mà còn gây mất ổn định cho toàn bộ Trung Đông.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã nhấn mạnh rằng, với tình hình căng thẳng hiện nay, Mỹ lo rằng một “sự kiện leo thang lớn hơn” có thể gây nguy hiểm cho cả lợi ích chiến lược của Israel và Mỹ tại Trung Đông. Việc gia tăng xung đột còn nguy cơ đẩy Israel vào cuộc chiến kéo dài. Bên cạnh đó, việc Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Iran cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018, Tehran đã tăng cường làm giàu urani, rút ngắn thời gian để chế tạo vũ khí hạt nhân. Một cuộc tấn công vào các cơ sở này có thể khiến Iran từ bỏ hoàn toàn các cuộc đàm phán quốc tế và thúc đẩy nhanh hơn việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, các biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế vẫn là công cụ hiệu quả nhất để kiềm chế Iran. Washington có lý do lo ngại rằng một cuộc tấn công quân sự có thể dẫn đến sự trả đũa từ Iran và thúc đẩy thêm việc làm giàu urani, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang không mong muốn trong khu vực.

Mỹ luôn duy trì một liên minh chặt chẽ với Israel, nhưng Washington cũng không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự không cần thiết. Dù Israel coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa, Mỹ không muốn căng thẳng này biến thành một cuộc chiến khu vực. Một cuộc tấn công vào Iran có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh Mỹ - Israel, đặc biệt nếu Mỹ bị buộc phải can dự vào cuộc chiến.

Quân đội Mỹ hiện diện tại nhiều quốc gia trong khu vực và việc leo thang xung đột có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của Washington. Do đó, Washington đang nỗ lực hối thúc Israel thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào. Một cuộc tấn công vào Iran còn có thể làm giảm cơ hội thành công các nỗ lực ngoại giao của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nhiều tháng qua nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas tại Gaza.

Như vậy, quyết định của Mỹ không ủng hộ việc Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran dựa trên nhiều yếu tố chiến lược, bao gồm nỗ lực tránh leo thang xung đột, ngăn chặn một cuộc đua vũ trang hạt nhân, duy trì quan hệ đồng minh bền vững và bảo vệ các nỗ lực ngoại giao trong khu vực. Thay vì sử dụng sức mạnh quân sự, Washington vẫn tin rằng, ngoại giao và trừng phạt kinh tế là con đường hiệu quả nhất để kiềm chế Iran.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.