Mỹ-Iran đàm phán hạt nhân: Hé mở khe cửa hẹp hóa giải bất đồng
Mỹ và Iran cùng xác nhận sẽ tham gia đối thoại cấp cao ở Oman về chương trình hạt nhân của Tehran ngay trong tuần này, mở ra cơ hội hiếm hoi tìm kiếm một giải pháp chính trị giúp hạ nhiệt căng thẳng và qua đó giảm thiểu nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột trực diện giữa hai nước.
Reuters ngày 8/4 dẫn lời Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi chính thức xác nhận nước này sẽ tham gia đối thoại cấp cao “gián tiếp” với Mỹ ở Oman vào ngày 12/4 tới, đồng thời khẳng định kết quả đàm phán ra sao phụ thuộc vào Mỹ. “Đây vừa là cơ hội, vừa là thử thách. Quả bóng lúc này đang ở trong sân của Mỹ”, ông Araqchi viết trên mạng xã hội X.

Tuyên bố của ông Araqchi được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/4 thông báo trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Nhà Trắng rằng, Washington và Tehran đang tham gia đàm phán “ở cấp rất cao” về chương trình hạt nhân của Iran. “Chúng tôi đang đàm phán trực tiếp với Iran và mọi thứ đã bắt đầu. Vào ngày 12/4, chúng tôi có một cuộc họp rất lớn, và chúng tôi sẽ xem điều gì có thể xảy ra. Họ không thể có vũ khí hạt nhân”, ông Trump nói.
Chưa rõ liệu các cuộc đối thoại ở Oman được tổ chức thế nào, bởi Tổng thống Trump khẳng định đối thoại Mỹ-Iran khẳng định nó diễn ra “trực tiếp”, còn Ngoại trưởng Iran Araqchi quả quyết nó là một cuộc thương lượng “gián tiếp”. Mỹ và Iran không duy trì quan hệ ngoại giao từ sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 nên hiếm khi thương lượng trực tiếp. Một số quốc gia trong khu vực, như Oman, đóng vai trò trung gian giữa hai bên. Iran gần đây cũng khẳng định không muốn thương lượng trực tiếp chừng nào Washington còn đe dọa tấn công nước này và chưa chịu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Trump ngày 7/4 tiếp tục cảnh báo Iran “gặp nguy hiểm lớn” nếu đàm phán không thành công. Tháng 3/2025, ông Trump đã gửi thư tới lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei thông qua Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để kêu gọi đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran, đồng thời cảnh báo khả năng có hành động quân sự trong trường hợp quốc gia Trung Đông từ chối. Các nguồn giấu tên cho biết ông Trump đã cho Iran thời hạn hai tháng để đạt thỏa thuận. Ông Trump sau đó thậm chí đe dọa khả năng “ném bom với mức độ chưa từng thấy”, khiến Iran nổi giận.
Mỹ và Iran chưa công bố thành phần phái đoàn dự kiến được cử tới Oman. Tờ New York Times đưa tin, phái đoàn Iran khả năng cao sẽ được dẫn dắt bởi Ngoại trưởng Araqchi, còn phái đoàn Mỹ do đặc phái viên của Tổng thống Trump về Trung Đông, ông Steve Witkoff làm trưởng nhóm. Giới quan sát đánh giá cuộc gặp Mỹ-Iran khó đạt đột phá, nhưng là dịp để hai bên tái khẳng định nhu cầu đối thoại thay vì đối đầu. Nguồn tin quan chức Iran của Reuters ngày 7/4 tiết lộ, Tehran trông đợi vòng thương lượng ở Oman là “cơ hội đánh giá mức độ nghiêm túc của Washington về việc đạt giải pháp chính trị với Iran”.
Nguồn tin này cho biết thêm, Iran đã cảnh báo Iraq, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Bahrain về việc bất cứ nước nào cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ để tấn công Iran, sẽ được coi là hành vi thù địch. Theo Reuters, lãnh tụ tối cao Iran Khamenei mới đây đã đặt lực lượng vũ trang Iran vào tình trạng báo động cao. Tướng Mohammad Bagheri, Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran, hôm 6/4 tuyên bố nước mong muốn hòa bình, nhưng sẽ “đáp trả mọi mối đe dọa bằng tất cả sức mạnh của mình”.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi Tổng thống Trump tái khởi động chiến dịch gây “sức ép tối đa” nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân dựa trên một thỏa thuận mới cứng rắn hơn nhiều thỏa thuận hạt nhân 2015, có tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Trong JCPOA, các cường quốc thế giới đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Iran để đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của họ xuống ngưỡng chỉ có thể phục vụ mục đích dân sự.
Ngược lại, Iran muốn thỏa thuận mới phải cởi mở hơn so với JCPOA. Sau khi Mỹ rời JCPOA, Iran đã rút bớt các cam kết của họ theo thỏa thuận này, bao gồm việc làm giàu uranium ở độ tinh khiết 60%, vượt xa ngưỡng tối đa 3,67% nêu trong thỏa thuận 2015; và hạn chế hoạt động thanh sát quốc tế tại một số cơ sở hạt nhân. Các quan chức Iran năm 2022 cũng cho biết, nước này có khả năng công nghệ để làm giàu uranium từ 60% lên 90%, tức cấp độ vũ khí hạt nhân, nhưng chưa đưa ra quyết định thực hiện việc đó.
Trước những lo ngại về khả năng xảy ra đụng độ giữa Mỹ và Iran, Nga ngày 7/4 đã phát tín hiệu sẵn sàng đứng ra hòa giải các bên. “Chúng tôi đang liên tục tham vấn với các đối tác Iran, bao gồm cả chủ đề về thỏa thuận hạt nhân. Nga sẵn sàng nỗ lực hết sức, làm mọi thứ có thể để góp phần giải quyết vấn đề này bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói. Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov kêu gọi Mỹ cân nhắc kĩ lưỡng các hành động nhắm vào Iran, cho rằng việc Washington tấn công quân sự Iran chỉ “làm phức tạp thêm tình hình”.