Lạc quan thận trọng sau cú “đảo chiều” từ Nhà Trắng
Thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận phiên giao dịch sôi động hiếm có trong lịch sử sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng cao với hầu hết các nền kinh tế trong 90 ngày để mở đường đàm phán. Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước vẫn tỏ ra thận trọng trước bước đi của Nhà Trắng.
Khoảng nửa ngày sau khi chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng có hiệu lực với 180 đối tác thương mại và 6 giờ sau khi Trung Quốc thông báo áp thuế trả đũa 84% với hàng hóa Mỹ, ông Trump ngày 9/4 (nửa đêm 10/4, giờ Hà Nội) đăng bài trên mạng xã hội Truth Social thông báo nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 125% ngay lập tức, nhưng hoãn áp thuế đối ứng cao trong 90 ngày với hầu hết các nền kinh tế còn lại, giữ nguyên mức thuế chung 10%.

Trong bài đăng, ông xác nhận “hơn 75 quốc gia liên hệ với các đại diện của Mỹ, bao gồm Bộ Thương mại, Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại để đàm phán về thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ, thuế quan phi tiền tệ”. “Các quốc gia này, theo đề xuất mạnh mẽ của tôi, đã không trả đũa Mỹ dưới bất cứ hình thức nào”, ông nói thêm.
Xuất hiện trước báo giới ở Nhà Trắng cùng ngày, ông Trump giải thích một phần lí do ông đảo ngược quyết định thuế quan là bởi “mọi người đã phản ứng quá đà”. Theo Reuters, các chỉ số tài chính toàn cầu đã ghi nhận tuần giao dịch tệ nhất nhiều năm sau khi ông công bố chính sách thuế đối ứng hồi tuần trước. Ngoài ra, đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ, thường được coi là nơi trú ẩn an toàn của nhà đầu tư trong giai đoạn hỗn loạn, đã bị bán tháo.
Trong khi đó, New York Times dẫn lời ông Trump quả quyết: “Chúng tôi không muốn làm tổn thương các quốc gia không xứng đáng bị tổn thương”. Đề cập đến Trung Quốc, Tổng thống Mỹ khẳng định, dù áp thuế trả đũa Mỹ nhưng Bắc Kinh muốn đạt thỏa thuận với Washington và “chưa biết bắt đầu thế nào”. Ông trông đợi Trung Quốc sẽ liên hệ đàm phán, đồng thời đánh giá Mỹ sẽ không cần tăng thuế thêm với hàng hóa Trung Quốc ngoài mức thuế 125% nữa. Tổng thống Mỹ tin rằng, Washington có thể đạt được các thỏa thuận công bằng với Trung Quốc và tất cả các quốc gia khác.
Gần như ngay sau khi quyết định của Tổng thống Trump được đưa ra, thị trường tài chính toàn cầu đã có những phản ứng tích cực. Trong phiên giao dịch ngày 9/4 (giờ Mỹ), 3 chỉ số chính của phố Wall đều tăng mạnh, trong đó, chỉ số S&P 500 tăng 9,5%, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008; chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng gần 7,9%, cao nhất trong 5 năm qua và chỉ số Nasdaq Composite tăng hơn 12%, mức kỷ lục được ghi nhận trong suốt 25 năm. Tại châu Á, ngày 10/4 các chỉ số chứng khoán của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nước trong nhóm được hoãn thuế khác tăng mạnh.
Tuy nhiên, trái ngược với đà hưng phấn của thị trường, lãnh đạo một số nước được hoãn thuế lại tỏ ra lạc quan thận trọng khi bình luận về quyết định của Nhà Trắng. TIME dẫn lời Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz cho biết, quyết định của Tổng thống Trump là phản ứng có thể hiểu được “trước quyết tâm của người châu Âu” và khẳng định châu Âu “quyết tâm tự bảo vệ mình”. Ngày 9/4, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu thông qua mức thuế 25% trả đũa đối với 23 tỷ USD hàng hóa Mỹ để phản ứng với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Theo ông Merz, Mỹ và EU chỉ có thể giải quyết khúc mắc khi cùng nhau “áp dụng thuế quan 0% với dòng chảy thương mại xuyên Đại Tây Dương”.
Tổng Thư ký Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đánh giá quyết định của Mỹ là “tích cực”, nhưng thừa nhận căng thẳng xung quanh thuế quan chưa được giải quyết triệt mà mới chỉ được tạm hoãn. Ông khẳng định Nhật Bản sẽ tìm cách thuyết phục Mỹ gỡ bỏ thuế quan 25% với ôtô nhập khẩu mà Tổng thống Mỹ đưa ra trước đó.
Từ Kuala Lumpur, ông Tengku Zafrul Aziz - Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2025, bày tỏ “hoan nghênh” động thái hoãn thuế đối ứng mà ông Trump vừa đưa ra. “Tôi hoan nghênh động thái này, nhưng đồng thời, chúng ta phải thừa nhận rằng sự xáo trộn đó đặt ra câu hỏi về hướng đi của thương mại toàn cầu và tác động của nó đối với ASEAN. Malaysia đang tích cực đánh giá những tác động của những thay đổi này, đồng thời cam kết phối hợp với các đối tác trong ASEAN nhằm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực và phấn đấu vì mối quan hệ thương mại cân bằng và ổn định”, ông nêu rõ.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo chiều 10/4, đề cập đến việc Tổng thống Trump tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến khẳng định, Bắc Kinh không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại và thuế quan, nhưng sẽ không nao núng khi tình huống đó xảy ra.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Vịnh Tiền cũng nêu rõ: “Lập trường của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán. Nếu Mỹ muốn đàm phán, cánh cửa của chúng tôi vẫn mở, nhưng đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng. Nếu Mỹ muốn chiến đấu, phản ứng của chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng. Áp lực, đe dọa và cưỡng ép không phải là cách đúng đắn để đối phó với Trung Quốc”.