Kịch bản nào có thể xảy ra ở Afghanistan?

Thứ Bảy, 14/08/2021, 08:46

Với việc giành quyền kiểm soát Kandahar - thành phố lớn thứ hai của Afghanistan và thủ phủ tỉnh Helmand là thành phố Lashkar Gah, tính tới nay, phong trào Taliban đã chiếm được khoảng 14 trong tổng số 34 thủ phủ của các tỉnh trên toàn Afghanistan. Trong bối cảnh đó, giới phân tích đang đề cập tới những kịch bản có thể xảy ra tại quốc gia này.

Afghanistan đang đứng ở bước ngoặt nguy hiểm khi Taliban liên tục giành chiến thắng. Giới chuyên gia phân tích đề cập 3 kịch bản có thể tại quốc gia này. Trước hết, đó là chiến lược phòng thủ của chính phủ thành công.

Theo đó, Chính phủ Afghanistan thực hiện những gì Mỹ đang thúc giục, tập trung lực lượng chính phủ để bảo vệ các thành trì vững chắc như Kabul, Kandahar, Jalalabad và một vài thành phố trọng yếu khác. Nếu Kabul áp dụng chiến lược này và giảm các cuộc đấu đá chính trị nội bộ sẽ là cơ hội hợp lý để nắm giữ địa hình đô thị trọng yếu trong một thời gian. Taliban càng bị giữ khỏi các thành phố quan trọng của Afghanistan thì vị thế của lực lượng này trên bàn đàm phán càng yếu.

Cũng có nhiều nhận định cho rằng, Taliban hiện đang “dần hụt hơi” do lực lượng này thiếu nguồn lực để tiếp quản các khu vực lớn đã kiểm soát. Kịch bản thứ hai là, Chính phủ Afghanistan đồng ý một thỏa thuận hòa bình với Taliban. Điều này có thể đảo ngược nhiều quá trình tự do hóa và hiện đại hóa đã diễn ra ở Afghanistan nhiều năm qua, với sự quay trở lại của một số yếu tố luật Sharia. Tuy nhiên, một thỏa thuận hòa bình đạt được vào thời điểm này sẽ giúp tránh nguy cơ của một cuộc nội chiến toàn diện.

Và kịch bản cuối cùng không ai mong muốn đó là, nội chiến toàn diện khi không có thỏa thuận nào giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Taliban tiếp tục giành được lợi thế quân sự và thành công quân sự ngày càng tăng sẽ khiến cho Taliban ít có khả năng thỏa hiệp hơn. Chính phủ Afghanistan sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ dưới áp lực ngày càng tăng về chính trị, quân sự và sắc tộc.

Kịch bản nào có thể xảy ra ở Afghanistan? -0
 Lực lượng an ninh Afghanistan gác tại hiện trường một vụ tấn công của Taliban tại Kunduz.

Bất ổn tại Afghanistan đặc biệt ảnh hưởng tới các nước láng giềng Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan, cùng với Nga. Giới chuyên gia có chung nhận định rằng, Chính phủ Kabul hiện được quốc tế công nhận có thể bị lật đổ, tổ chức Taliban có thể sớm trở lại nắm quyền ở nước này, tạo ra dòng người tị nạn lớn qua biên giới, trong khi các nhóm cực đoan xuyên biên giới như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hiện không còn bị kiềm chế, có thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để phá hoại sự ổn định ở Trung Á.

Có thể nói, đối với các nước Trung Á và Nga, Afghanistan đang trở thành lò lửa gây bất ổn trong khu vực. Các nước Trung Á và Nga đều lo ngại dòng người tị nạn và hoạt động lật đổ xuyên biên giới của các tổ chức như IS. Ngoài ra, nhiều năm qua, Afghanistan vẫn bị coi như “nguồn cung cấp” ma túy hàng đầu vận chuyển qua Trung Á đến Nga. Đặc biệt, mối lo ngại lớn nhất là nguy cơ chủ nghĩa khủng bố lan sang các quốc gia Trung Á, khu vực được coi là nằm trong tầm ảnh hưởng của Moscow và tiếp cận biên giới Nga.

Hiện tại, các nước Trung Á và Nga có nguồn lực đáng kể trong khu vực để vô hiệu hóa các nguy cơ quân sự và các mối đe dọa khủng bố có thể bắt nguồn từ Afghanistan. Đó là các lực lượng vũ trang của Uzbekistan và Tajikistan, hai nước láng giềng của Afghanistan; các căn cứ quân sự của Nga ở Tajikistan và Kyrgyzstan; Quân khu Trung tâm của Nga ở Yekaterinburg chịu trách nhiệm khu vực biên giới miền Nam; lực lượng vũ trang và cơ sở hạ tầng của Kazakhstan. Sự phối hợp giữa các lực lượng này được đảm bảo thông qua các cơ chế của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan là các nước thành viên và ở cấp độ song phương là với Uzbekistan. Một mức độ phối hợp cũng cần được thiết lập với Turkmenistan, quốc gia có đường biên giới dài với Afghanistan.

Phát biểu hôm 12/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ sử dụng các căn cứ quân sự của nước này ở Tajikistan và Kyrgyzstan để đối phó với hành vi gây hấn trực tiếp từ phía Afghanistan.

Tuy nhiên, chuyên gia Dimitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Moscow cho rằng, Nga và các nước Trung Á không có đủ nguồn lực, lý do hoặc quyết tâm để can thiệp vũ trang vào Afghanistan. Thực tế, Nga không có lợi ích trực tiếp ở Afghanistan mà chủ yếu là lợi ích về an ninh. Trong khi đó, các nước Trung Á như Uzbekistan và Tajikistan có mối quan hệ mật thiết với những người anh em cùng dân tộc đang sinh sống ở Afghanistan, nên không thể đóng vai trò quân sự trong cuộc xung đột nội bộ Afghanistan và cũng tránh xa điều này.

Nói cách khác, can thiệp quân sự vào Afghanistan lúc này được xem là hành động thiếu sáng suốt. Tuy nhiên, cả các nước Trung Á và Nga vẫn cần chuẩn bị để ngăn lò lửa chiến tranh từ Afghanistan tràn sang, ngăn không cho những kẻ khủng bố, cực đoan hoành hành trong lãnh thổ của minh.

Thế giới vẫn đang theo dõi sát tình hình tại Afghanistan và dù có diễn biến theo kịch bản nào thì quốc gia Tây Nam Á này sẽ đối mặt với không ít thách thức cũng như những căng thẳng phía trước. Và bất kể lợi ích ra sao, mục tiêu chiến lược trước hết của Nga và các nước Trung Á vẫn là kiềm chế những mối đe dọa khủng bố trong khu vực vốn có thể bắt nguồn từ "lò lửa" Afghanistan, thúc đẩy sự ổn định lâu dài cho nước này bởi đây là yếu tố quan trọng bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.