Huy động vốn đầu tư hàng hiệu nhằm chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng

Thứ Năm, 03/07/2025, 11:00

Sau một thời gian, hoạt động kinh doanh các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng như: Hermes, Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Versace... bị thua lỗ, Lê Thị Hồng Phương lập các đơn hàng giả với lãi suất cao để lôi kéo các nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng...

Ngày 3/7, HĐXX phiên sơ thẩm TAND TP Huế đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” gồm Lê Thị Hồng Phương (SN 1992), Phạm Thanh Long (SN 1992) và Nguyễn Thu Trinh (SN 1992, cùng trú tại phường Xuân Phú, TP Huế). 

Cụ thể, HĐXX tuyên phạt Lê Thị Hồng Phương 14 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Phạm Thanh Long 5 năm tù và Nguyễn Thu Trinh 3 năm 6 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Huy động vốn đầu tư hàng hiệu để chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng -0
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Trong quá trình xét xử, bị cáo Lê Thị Hồng Phương khai nhận, đầu năm 2021, bị cáo kinh doanh online các mặt hàng như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, túi xách, nước hoa, đồng hồ... từ các thương hiệu nổi tiếng như Hermes, Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Versace... Để có vốn mở rộng quy mô kinh doanh, Phương kêu gọi vợ chồng Phạm Thanh Long và Nguyễn Thu Trinh cùng góp vốn đầu tư.

Sau đó, cả ba lập nhóm chat “Kim Monology Group” trên ứng dụng Viber để giao dịch. Phương tự lập các đơn hàng, ghi rõ ngày đi và ngày về, mức lãi suất (từ 10% đến 100%) để kêu gọi vốn từ Long, Trinh và những người thân quen của họ. Mỗi đơn hàng có giá trị từ 10 triệu đồng đến hơn 4 tỷ đồng.

Huy động vốn đầu tư hàng hiệu để chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng -0
Lê Thị Hồng Phương thời điểm bị Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam.

Tuy nhiên, sau một thời gian, hoạt động kinh doanh thua lỗ khiến Phương mất khả năng chi trả. Để tiếp tục duy trì dòng tiền và trả lãi cho các đơn cũ, Phương lập các đơn hàng giả với lãi suất cao để lôi kéo nhà đầu tư mới, thực chất là chiếm đoạt tiền.

Từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2022, Phương đã huy động vốn thông qua 1.158 đơn hàng, nhận tổng cộng hơn 505 tỷ đồng, đã tất toán 990 đơn hàng với lãi suất hơn 91 tỷ đồng. Còn lại 168 đơn hàng với trị giá hơn 112 tỷ đồng chưa tất toán. Sau khi trừ phần lãi đã trả, số tiền Phương chiếm đoạt thực tế là 20,3 tỷ đồng. Số tiền này Phương sử dụng vào các mục đích như: thuê nhà, thuê kho bãi, vận chuyển hàng hóa, xoay vòng dòng tiền và tiêu xài. Sau đó, Phương tuyên bố mất khả năng thanh toán.

Đối với Phạm Thanh Long và Nguyễn Thu Trinh đã sử dụng tiền cá nhân, tiền của người thân và tiền của nhà đầu tư để góp vốn đầu tư cho Phương. Trước thời điểm, Phương tuyên bố vỡ nợ, Phương vẫn gửi 12 đơn hàng với lãi suất từ 6% đến 25% để Long và Trinh tiếp tục huy động vốn. Tuy nhiên vợ chồng Long chỉ hoàn trả lại số tiền đã góp cho anh Trần Hùng, nhưng không trả lại số tiền 1,35 tỷ đồng cho 2 nhà đầu tư góp vốn khác mà chiếm đoạt để sử dụng cá nhân.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, thành thật khai báo, xin được hưởng mức án nhẹ nhất. 

Hải Lan
.
.