"Chủ hụi" cũng khóc…

Thứ Năm, 13/02/2025, 08:25

Khoản nợ "vỡ hụi" gần 10 tỷ đồng chưa trả hết cho người dân, ông Lê Đình Hạnh (SN 1971), ở phường Quảng Cát, TP Thanh Hoá phải đi từng ngõ, gõ từng nhà xin khất… Trò chuyện với phóng viên, nhiều lần ông Hạnh nước mắt chực trào ra, ngôi nhà riêng đã bán trả nợ, giờ ở trọ nhưng nợ vẫn chưa hết!

Theo số liệu báo cáo của Viện KSND TP Thanh Hoá, trong năm 2024, trên địa bàn TP Thanh Hóa đã xảy ra 36 vụ án, 39 đương sự về "Tranh chấp họ, hụi, biêu, phường". Đáng chú ý, tại phường Quảng Cát xảy ra 27 vụ, tại phường Long Anh xảy ra 9 vụ. Điển hình, vụ án giữa nguyên đơn là chị Phạm Thị Thảo (SN 1986, trú tại số nhà 42, đường Đỗ Đại, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa) và bị đơn là ông Lê Đình Hạnh (SN 1971), bà Hoàng Thị Hiền (SN 1976) cùng trú tại tổ dân phố 6, phường Quảng Cát, TP Thanh Hóa với giá trị tranh chấp họ hụi là hơn 342 triệu đồng.

ong hanh.jpg -0
Ông Lê Đình Hạnh (bên phải) đã bán nhà riêng vẫn chưa trả hết nợ.

Được sự giúp đỡ, liên hệ của chính quyền địa phương phường Quảng Cát, chiều 10/2, chúng tôi tìm gặp trực tiếp ông Lê Đình Hạnh (SN 1971, trú tại phường Quảng Cát, TP Thanh Hoá) đang thuê trọ tại khu phố 2, phường Quảng Cát để tìm hiểu rõ hơn vụ "vỡ hụi” hàng chục tỷ đồng do ông này làm chủ.

Qua trao đổi, ông Hạnh cho biết, ông là dân gốc, nhà ở cách trung tâm hành chính phường Quảng Cát không xa, vợ chồng ông kinh doanh gas tư nhân nhiều năm. Tuy nhiên, do "vỡ hụi" nên vợ chồng ông phải bán căn nhà ở gần trung tâm hành chính phường để trả trước 25% số nợ cho những người tham gia.

Theo lời ông Hạnh, việc ông tổ chức hụi ở địa phương đã diễn nhiều năm nhưng không đăng ký với chính quyền địa phương. Ban đầu mỗi người tham gia hụi ông Hạnh đóng 200.000 đồng/ suất, sau đó tăng lên 500.000 đồng, rồi tăng lên 1.000.000 đồng và cuối cùng là mỗi suất 2.000.000 đồng. Hằng tháng, đến lượt ai thì người đó bốc hụi và đóng tiếp số tiền là 2.500.000 đồng, những người còn lại tiếp tục đóng 2.000.000 đồng. Số người trong nhóm từ 25 người, sau đó tăng lên nhiều, đến thời điểm vỡ hụi có hơn 130 người, với số tiền gần 10 tỷ đồng. Trong đó, người đóng hụi cho ông Hạnh ít nhất là 6 triệu đồng, người đóng nhiều nhất là hơn 300 triệu đồng.

Ông Hạnh cho biết, nguyên nhân ông "vỡ hụi" là vì thương người, ông đóng hụi thay cho những người khó khăn chưa có tiền đóng nhưng nhiều người sau đó không trả tiền (hơn 4 tỷ đồng), đẩy ông lao vào cảnh khó khăn chồng chất, không có tiền trả cho những người tham gia. "Những người dân khác tôi không biết nhưng riêng bản thân thì tôi không dám động vào phường, hụi nữa, rất sợ...", ông Lê Đình Hạnh quả quyết!

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Phương, Chủ tịch UBND phường Quảng Cát, TP Thanh Hoá cho biết: Khi người dân phản ánh thông tin vỡ hụi, UBND phường và Công an phường đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa những người tham gia và ông Hạnh (chủ hụi). Tại buổi gặp mặt đó, ông Hạnh cam kết sẽ trả nợ dần cho người tham gia, số nợ được chia thành 3 giai đoạn để trả; giai đoạn 1 ông Hạnh trả 25% số nợ cho người dân… Tuy nhiên, đến giai đoạn 2 thì ông Hạnh không có tiền trả nên người dân đã khởi kiện ra toà, yêu cầu ông Hạnh trả nợ đúng cam kết. Chủ tịch UBND phường Quảng Cát cũng cho biết, hoạt động phường hụi của ông Hạnh không đăng ký với địa phương nên địa phương không nắm được, chỉ khi người dân phản ánh việc vỡ nợ mới biết.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người tham gia nhóm hụi của ông Hạnh nói rằng, số tiền họ đã đóng hụi cho ông Hạnh là trăm triệu đồng, ông Hạnh không bỏ trốn, ông xin khất trả nợ nhưng chưa biết khi nào thì mới trả được! Nhiều người tham gia nhóm hụi của ông Hạnh đang đứng trước nguy cơ trắng tay!

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, đã có không ít vụ việc liên quan đến "vỡ phường", "vỡ hụi" tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, khiến người chơi nhao nhác, đứng ngồi không yên, toàn bộ tài sản đã trao gửi gần như không có cơ hội lấy lại được. Điều đáng nói, sau những vụ vỡ nợ ấy, các dây "phường", "hụi" khác vẫn không lấy đó làm bài học cảnh tỉnh, nhiều người vẫn mặc nhiên tham gia. Kịch bản chung chủ yếu vẫn tạo vỏ bọc hào nhoáng, nhà cửa khang trang, ăn mặc sang trọng, những lần đầu bốc hụi, phường chi trả, thanh toán sòng phẳng, lãi suất cao nhưng về sau thì khất lần này, lượt khác và cuối cùng là tuyên bố vỡ nợ.

Điển hình là vụ việc xảy ra vào cuối năm 2024, hàng chục người dân xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá mất ăn mất ngủ vì "chủ hụi" là bà Cao Thị Dung (SN 1970, ở thôn Nam Hạc, xã Hoằng Phong) bỗng dưng tuyên bố phá sản, nhà cửa luôn trong tình trạng "cửa đóng then cài", gia chủ im lặng rời khỏi địa phương. Hộ gia đình nhiều nhất mất hơn 1 tỷ, còn lại từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Tổng số người tham gia nhóm hụi của bà Dung là gần 100 người và số tiền ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Trước đó, cuối năm 2023, Công an TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá nhận được tin báo tố giác của một số người dân về việc: Vợ chồng bà Trương Thị Dung và ông Vũ Tiến Tại, trú tại khu phố Quang Minh, phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn (Thanh Hoá) đã đứng ra kêu gọi gần 100 người trên địa bàn phường và một số phường, xã lân cận góp "phường", "hụi". Qua xác minh của Công an TP Sầm Sơn cho thấy, sự việc nhiều người dân góp phường, hụi cho chủ hụi là bà Dung, ông Tại ở phường Quảng Vinh là có thật. Số người đến khai báo tham gia góp hụi với bà Dung lên tới gần 100 người, tổng số tiền góp cho chủ hụi khoảng 20 tỷ đồng.

Theo Viện KSND TP Thanh Hóa, nguyên nhân xảy ra các tranh chấp trên là do sự thiếu hiểu biết và chấp hành quy định pháp luật của các chủ hụi và hụi viên còn nhiều hạn chế. Các chủ hụi tổ chức chơi nhiều dây hụi cùng một lúc với số tiền lớn nhưng không thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú để quản lý, theo dõi. Đáng chú ý, phần lớn việc thỏa thuận mở hụi, kêu hụi, giao nhận tiền hụi giữa chủ hụi và các hụi viên thường là thoả thuận miệng dựa trên uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau, không lập hợp đồng, sổ sách, chứng từ, ghi chép, theo dõi rõ ràng. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giao dịch hụi họ hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, quản lý của chính quyền địa phương chưa được thường xuyên, sâu sát.

"Hụi, họ, biêu, phường" là một trong những hình thức huy động vốn khá phổ biến hiện nay trong nhân dân. Về bản chất, hình thức này đã giúp người chơi cùng tham gia góp vốn có được một khoản tiền lớn để phát triển kinh tế mà không phải chịu lãi suất cao, nhiều người được hưởng lợi. Tuy nhiên, lâu nay hình thức chơi hụi, họ đang bị biến tướng, gây nên những cơn "lốc hụi", "bão phường" ở các làng quê. Một số chủ hụi lợi dụng việc huy động vốn, lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để chiếm đoạt tài sản.

Trần Thắng
.
.