VNeID sẽ giúp lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, đầy đủ về việc sửa đổi Hiến pháp

Thứ Hai, 05/05/2025, 16:01

Chiều 5/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Dự kiến lấy ý kiến nhân dân lần này sẽ áp dụng phương thức lấy ý kiến rất mới thông qua công nghệ thông tin - ứng dụng VNeID - để giúp lấy ý kiến nhân dân một cách nhanh, đầy đủ, có thể tiếp thu giải trình đáp ứng quy định trong thời gian rất khẩn trương.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ, sửa đổi Hiến pháp lần này là bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế, đặt nền móng pháp lý nhằm tiếp tục đổi mới bộ máy Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập sâu rộng.

Sửa đổi Hiến pháp năm 2013 là yêu cầu tất yếu của thực tiễn. Sau hơn 1 thập kỷ thực hiện, Hiến pháp năm 2013 cũng đang bộc lộ giới hạn, "khoảng trống", nhất là trong bối cảnh sáp nhập tổ chức hành chính, mô hình quản trị hiện đại.

VNeID sẽ giúp lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, đầy đủ về việc sửa đổi Hiến pháp -0
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng.

Về nội dung sửa đổi, ĐBQH đánh giá cao việc sửa đổi lần này với các nội dung trọng yếu, đúng, trúng các "nút thắt" thể chế. Cụ thể, tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, loại bỏ sự cồng kềnh giao thoa 3 cấp, giảm tầng lớp trung gian để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh, linh hoạt, tập trung, trách nhiệm.

Đồng thời, củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Không chỉ là cầu nối giữa đảng, Nhà nước với nhân dân, mà phải là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất và phản biện chính sách – điều đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013. Tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cấp xã, vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang cấp bách, cần được quy định ngay.

Về việc thành Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung số điều của Hiến pháp năm 2013, ông cho rằng, đây là điều hoàn toàn cần thiết. Thành viên của Ủy ban được đề xuất là những đồng chí tiêu biểu từ trung ương Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành - bảo đảm sự có bao quát, đa chiều, gắn kết giữa lý luận, thực tiễn và kỹ thuật lập hiến.

VNeID sẽ giúp lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, đầy đủ về việc sửa đổi Hiến pháp -0
ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Để hiến pháp thực sự là "bản khế ước giữa nhân dân và Nhà nước", vì sự phát triển ổn định của đất nước, đáp ứng kỳ vọng lớn lao của nhân dân, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng đề nghị chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để "dân biết, dân bàn, dân góp ý và đồng thuận cao". Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật lập hiến theo hướng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán, tránh sau này phải giải thích.

"Hiến định mô hình chính quyền địa hương hai cấp phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước để xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Tái định hình tư duy quản trị quốc gia đáp ứng nhu cầu  của quốc gia trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, đây là công việc hệ trọng song thời gian không nhiều. Do đó, rất cần thiết tham vấn ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia. Ông đề nghị bên cạnh việc lấy ý kiến nhân, cần tổ chức các tọa đàm để lắng nghe ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước, có những ý kiến sắc bén để mổ xẻ, tham khảo...

VNeID sẽ giúp lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, đầy đủ về việc sửa đổi Hiến pháp -0
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng.

Giải trình ý kiến của ĐBQH sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường, các ĐBQH tán thành cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (sau khi được thành lập) sẽ họp để có hướng tiếp thu ý kiến ĐBQH, chủ động xây dựng lộ trình cụ thể lấy ý kiến nhân dân; kỹ thuật lập hiến rõ ràng, cụ thể; hiến định rõ ràng mô hình địa phương 2 cấp...

Về ý kiến đề nghị làm rõ vì sao Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có đại diện lãnh đạo Bộ Công an tham gia mà không có đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp lý giải: Theo dự kiến lần lấy ý kiến này sẽ áp dụng phương thức lấy ý kiến rất mới thông qua công nghệ thông tin - ứng dụng VNeID - để giúp lấy ý kiến nhân dân một cách nhanh, đầy đủ, có thể tiếp thu giải trình đáp ứng quy định trong thời gian rất khẩn trương.

VNeID sẽ giúp lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, đầy đủ về việc sửa đổi Hiến pháp -0
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại hội trường.

"Bộ Công an cũng là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc phát triển và quản lý, sử dụng phần mềm này, cho nên, trong thành phần có đại diện lãnh đạo Bộ Công an. Còn nội dung sửa đổi Hiến pháp thì không có các nội dung liên quan lĩnh vực quốc phòng - an ninh nên không có đại diện Bộ Quốc phòng tham gia", ông bổ sung. Theo đó, lãnh đạo Bộ Công an tham gia Uỷ ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 100% ĐBQH có mặt biểu quyết tán thành.

Quỳnh Vinh
.
.