Việt Nam-Hoa Kỳ có lợi ích chung khi cùng giải quyết các thách thức trên thế giới
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (12/7/1995-12/7/2025), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo CAND về thành tựu trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước cũng như các bước hợp tác và phát triển mới, đặc biệt là từ khi Việt Nam-Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023.
PV: Thưa Đại sứ, trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, ngài đánh giá thế nào về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ?

Đại sứ Marc Knapper: Trong 30 năm qua, chúng ta đã thấy quan hệ giữa hai nước được mở rộng đáng kể, đồng thời là sự gia tăng của lòng tin và sự thấu hiểu lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi cho rằng, cả hai nước hiện nay đều nhận thức rõ việc chúng ta có nhiều sự quan tâm và mục tiêu chung.
Đúng là hiện thế giới đang đối mặt với rất nhiều thách thức nhưng tôi nghĩ, Hoa Kỳ và Việt Nam đều mong muốn cùng hợp tác để giải quyết những thách thức này, từ y tế (như đại dịch COVID-19 mà hai nước đã phối hợp ứng phó hiệu quả) đến nhiều vấn đề khác.
Nếu là 30 năm về trước, những điều này là không thể tưởng tượng nổi. Nhưng nay, Hoa Kỳ và Việt Nam đã chia sẻ nhiều quan điểm chung. Các nỗ lực của hai bên nhằm ứng phó với tội phạm mạng đang rất quan trọng. Đây là một vấn đề chung của cả thế giới, tội phạm lợi dụng Internet để gây hại cho người khác, đánh cắp các nguồn lực. Vì vậy, Hoa Kỳ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực an ninh mạng, từ cấp chính phủ đến hợp tác giữa các công ty trong cả việc phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia khác như: mua bán người, buôn bán ma túy. Những loại tội phạm này vượt ra ngoài biên giới quốc gia và Hoa Kỳ - Việt Nam cần phải hợp tác với nhau để đối phó với những mối đe dọa mới này của thế kỷ 21.
20 năm trước tôi đã từng ở Việt Nam, tôi nghĩ bạn cũng biết rằng, điều khác biệt lớn nhất mà tôi nhận thấy là giờ đây, lợi ích và mục tiêu của hai quốc gia chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng theo rất nhiều cách khác nhau. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục thấy điều này trong tương lai.

PV: Vậy theo Đại sứ, đâu là những trụ cột nổi bật trong hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua và những lĩnh vực hợp tác mới trong xu hướng phát triển quan hệ giữa hai nước là gì?
Đại sứ Marc Knapper: Phải thừa nhận rằng, có nhiều trụ cột hợp tác khi mối quan hệ giữa hai quốc gia được mở rộng trong suốt 30 năm qua. Đầu tiên phải nói đến quan hệ hợp tác về kinh tế. Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, còn Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Có nhiều dự án đầu tư lớn của Hoa Kỳ tại Việt Nam và càng ngày chúng ta càng thấy có nhiều nhà đầu tư Việt Nam sang Hoa Kỳ. Tháng 5 vừa rồi, Hoa Kỳ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Select USA và đón hơn 100 đại diện Việt Nam là những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Hoa Kỳ. Đây là đoàn đại biểu lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh đầu tư. Điều này thể hiện việc Việt Nam coi trọng đầu tư tại Hoa Kỳ.
Trụ cột quan trọng thứ hai tôi muốn nhắc đến là hợp tác giáo dục. Việt Nam là quốc gia có số lượng du học sinh lớn thứ 6 tại Hoa Kỳ, với khoảng 30.000 sinh viên đang theo học. Nếu tính cả những chương trình ngắn hạn, như trại hè, trao đổi học kỳ hoặc chương trình lưu trú tại gia đình bản xứ, tổng số người Việt Nam từng tiếp xúc với hệ thống giáo dục Hoa Kỳ lên tới 300.000 – một con số thực sự ấn tượng. Dĩ nhiên, tôi cũng rất mong ngày càng có nhiều sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đến Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy mục tiêu này.
Tháng 4 vừa qua, một đoàn gồm 21 trường đại học Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam. Đến nay, 20 trường trong số đó đang tích cực thảo luận hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi có chương trình Fulbright rất năng động. Vừa có một nhóm học viên chương trình Fulbright trở về Việt Nam, mang theo những kiến thức họ đã học được để đóng góp cho Việt Nam và những hoài bão của Việt Nam. Trường Đại học Fulbright cũng là một cơ sở giáo dục nổi bật, đã nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ trong nhiều năm. Chúng tôi rất cảm kích sự ủng hộ nhiệt tình mà Chính phủ Việt Nam và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã dành cho trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Hợp tác y tế cũng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, bắt đầu với việc hợp tác phòng, chống HIV/AIDS thông qua PEPFAR (Kế hoạch cấp bách phòng, chống AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ) ở Việt Nam từ năm 2005. Trong những thập kỷ qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước đã mở rộng cả về phòng chống lao, đại dịch COVID-19…
Giờ chúng ta không còn nói nhiều về đại dịch COVID-19, nhưng khi Hoa Kỳ ở thời điểm khó khăn nhất, Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ khẩu trang, trang phục bảo hộ. Hoa Kỳ cũng giúp đỡ Việt Nam khi Việt Nam cần với 44 triệu liều vaccine Pfizer. Và vì tiêm phòng COVID-19 cần tiêm hai liều, như vậy, với số lượng liều vaccine này. chúng tôi đã giúp tiêm phòng COVID-19 cho 22 triệu người dân, tương đương với 1/5 dân số Việt Nam. Đó là số liệu đáng kể.
Thật may mắn là đại dịch COVID-19 đã lùi xa, nhưng những nỗ lực của chúng ta trong việc thúc đẩy hợp tác và giám sát y tế là một khía cạnh quan trọng trong việc trang bị kỹ năng đối phó với những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Giờ đây, Hoa Kỳ và Việt Nam là những đối tác vững bền trong lĩnh vực y tế.
Tôi có thể kể rất nhiều ví dụ nữa, nhưng từng ấy cũng đã cho thấy chiều sâu và sự đa dạng trong quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi mong muốn tiếp tục là đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao, từ đầu tư, thương mại, hợp tác nghiên cứu, sản xuất đến chuyển giao công nghệ. Những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ như Intel, Nvidia, Marvell, Synopsys... đều đang hoạt động tích cực tại Việt Nam khi các bạn xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao của riêng mình.

PV: Nói về công nghệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác ra sao trong lĩnh vực bán dẫn và làm thế nào để Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ trong tương lai, thưa Đại sứ?
Đại sứ Marc Knapper: Tôi muốn nhắc lại Tuyên bố chung hồi tháng 9/2023 một dấu mốc lịch sử, mang ý nghĩa “nâng cấp kép” trong quan hệ song phương. Trong Tuyên bố chung, hợp tác công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn là một nội dung trọng tâm.
Cả hai bên đều nhận thức rõ tiềm năng của Việt Nam trong việc vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là ở lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Ở cấp độ chính phủ, chúng tôi đang phối hợp để hỗ trợ các trường đại học Hoa Kỳ như Đại học Bang Arizona xây dựng chương trình giảng dạy công nghệ cao bao gồm ngành bán dẫn với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. Ngoài ra còn có Đại học Purdue, Đại học Bang Portland (liên kết với Intel) cũng đang triển khai các sáng kiến giáo dục tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng đang tích cực tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nhà máy bán dẫn hay cơ sở thiết kế vi mạch. Nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ lớn đã đến thăm Việt Nam, như CEO Apple Tim Cook, CEO Nvidia Jensen Huang. Tập đoàn bán dẫn hàng đầu Qualcomm của chúng tôi gần đây cũng công bố hợp tác với VinAI – một bước phát triển mạnh mẽ trong kết nối giữa cộng đồng AI Việt Nam và Hoa Kỳ. Những chuyển động này phản ánh mong muốn chân thành của Hoa Kỳ trong việc đồng hành cùng Việt Nam trên con đường trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực và thế giới.
Một ví dụ nữa là hợp tác giữa hai nước trong việc thúc đẩy giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Chúng tôi rất ủng hộ mục tiêu quan trọng và đầy táo bạo của Chính phủ Việt Nam trong việc đặt mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức thứ hai của hệ thống giáo dục. Đây là một ý tưởng tuyệt vời và chúng tôi cũng đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy giáo dục tiếng Anh theo nhiều phương thức khác nhau, từ các hoạt động được tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ, đưa những người trẻ tuổi tham gia các chương trình khác nhau như YSEALI, Global UGRAD. Chúng tôi muốn ủng hộ các mục tiêu thúc đẩy giáo dục tiếng Anh của Việt Nam, bởi tiếng Anh mở ra rất nhiều cánh cửa cho các cơ hội về công nghệ cao và giáo dục khác.

PV: Hiện nay, Việt Nam cũng đang thúc đẩy nhiều cải cách về hành chính nhằm thúc đẩy đầu tư. Theo Đại sứ, điều này tác động như thế nào tới xu hướng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam?
Đại sứ Marc Knapper: Tôi cho rằng, một vài bước đi gần đây của Chính phủ Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư, đặc biệt là cải thiện việc ra quyết định. Một trong những trăn trở của doanh nghiệp liên quan đến việc cấp phép, phê duyệt đôi khi mất quá nhiều thời gian. Chúng tôi tin rằng, việc Việt Nam tổ chức chính quyền 2 cấp và cơ cấu lại bản đồ các địa phương với 34 tỉnh, thành sẽ thúc đẩy hiệu quả hơn trong việc đưa ra các quyết sách. Và những bước đi của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, đẩy mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng công nghệ cao và hạ tầng số sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn nữa.
Về phía đầu tư của Việt Nam vào Hoa Kỳ, chúng tôi luôn mong muốn chứng kiến làn sóng đầu tư sôi động hơn. Như tôi đã đề cập, tại Hội nghị SelectUSA vừa qua, Việt Nam có đoàn đại biểu đông đảo nhất từ trước tới nay, trong đó có số lượng nữ doanh nhân và nhà đầu tư đông đảo. Đây là một tín hiệu rất tích cực. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư hai chiều.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!