Tổng Bí thư Tô Lâm: Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững, chất lượng cao
Phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 4 diễn ra ngày 16/4, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc đăng cai tổ chức hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam để phát huy vai trò là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của P4G và cộng đồng quốc tế.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn tới các nhà lãnh đạo, các vị khách quý, đại biểu đến đã đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu P4G lần thứ tư Việt Nam 2025 tại thủ đô Hà Nội.
"Sự tham gia đông đảo của các quý vị là một niềm vui lớn, làm tôi nhớ lại cảm xúc sôi động, quyết tâm, tràn đầy niềm tin khi tôi cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu chứng kiến sự ra đời và thông qua Hiệp ước tương lai tại Liên hợp quốc – văn kiện mang tính lịch sử thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9/2024. Tôi thấy ý nghĩa thiết thực của hiệp ước đối với cuộc sống, đó là trên cơ sở tầm nhìn và khát vọng chung về tương lai bền vững cho nhân loại, chúng ta tiếp tục tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, chung tay hành động vì sự thịnh vượng chung của các dân tộc trên hành tinh này", Tổng Bí thư chia sẻ.

Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trước những chuyển biến to lớn, nhanh chóng mang tính thời đại của thế giới ngày nay, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng vươn tới kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, với kinh nghiệm 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã xác định chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu nói trên cần đảm bảo nguyên tắc "bền vững, bao trùm, hài hòa", bao gồm: Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Hợp tác quốc tế trên nguyên tắc các bên cùng thắng. Quá trình phát triển phải lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu động lực của mọi chính sách chiến lược, nhân dân phải là người thụ hưởng các thành quả phát triển.

Đổi mới sáng tạo là "cây gậy thần" để đạt tới thịnh vượng bền vững
Với quan điểm đó, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp chiến lược cho phát triển đất nước. Thứ nhất, thúc đẩy cải cách thể chế là đột phá của đột phá, tập trung cải cách, mở cửa, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, trong đó chú ý đến kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Thứ hai, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Trong đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới. Chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo là "cây gậy thần" để đạt tới thịnh vượng bền vững.
Thứ ba, về chuyển đổi xanh, nhờ cách tiếp cận đúng đắn, kịp thời, gắn chiến lược tăng trưởng xanh với chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm, dù là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả quan trọng: Là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN với công suất điện gió, điện mặt trời chiếm khoảng 2/3 tổng công suất của ASEAN.
Việt Nam là điển hình tốt về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững với dự án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp là mô hình tiên phong được rất nhiều đối tác quốc tế quan tâm tham khảo; là thành viên tích cực trách nhiệm của toàn bộ các cơ chế đa phương, sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng như Thỏa thuận Paris về khí hậu, Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, P4G.
Đặc biệt về thể chế, Việt Nam cơ bản xây dựng các cơ chế, khuôn khổ cần thiết cho tăng trưởng xanh bao gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, danh mục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh.

Chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn
Tuy vậy, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, là một nước đang phát triển trong nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức về nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực, về khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, và biến động địa chính trị trên toàn cầu.
Nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển vừa nhanh, vừa xanh, bao trùm và bền vững. Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt.
"Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và của nền văn minh nhân loại. Việt Nam chủ trương đặt mình vào dòng chảy của thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc mở cửa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả", Tổng Bí thư khẳng định.
Từ đó, Tổng Bí thư nêu rõ, việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 4 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam, để phát huy vai trò làm tốt là đối tác tin cậy là thành viên có trách nhiệm của P4G và cộng đồng quốc tế; tái khẳng định cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, và mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2030; và để góp phần nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế và phát huy vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư tin tưởng hội nghị sẽ tạo những động lực mới thúc đẩy hợp tác giữa P4G với các đối tác, giữa các nước Bắc bán cầu và Nam bán cầu, giữa khu vực nhà nước và tư nhân nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tài chính xanh.