Tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên phát triển

Chủ Nhật, 23/06/2024, 17:03

Đó là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu thảo luận tại Hội nghị Hội Đồng điều phối vùng Tây Nguyên diễn ra vào chiều 23/6 ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Tham dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên.

Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối ngoại của cả nước và khu vực Đông Dương, là khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào – Campuchia. Mặc dù luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm nhưng trong quá trình phát triển, Tây Nguyên vẫn chưa đạt tương xứng với tiềm năng thế mạnh vốn có. Điển hình là tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp nhất trong các vùng; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp...

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên phát triển -0
Hội nghị Hội Đồng điều phối vùng Tây Nguyên diễn ra vào chiều 23/6 tại TP Đà Lạt.

Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị Quyết đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Tây Nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến.

Để thực hiện hiệu quả Nghị Quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022, các bộ, ngành và địa phương đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên. Gồm, nhóm 2 chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối; nhóm 8 chính sách về tài chính – ngân sách; nhóm 6 chính sách về phát triển văn hoá; nhóm 12 chính sách về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp; nhóm 16 chính sách về quản lý, phát triển tài nguyên rừng, nguồn nước, chống biến đổi khí hậu và nhóm 14 chính sách về y tế, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội…

Cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm tại Tây Nguyên là nâng hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương. Cho phép các tỉnh Tây Nguyên được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường vốn trong nước, vay trực tiếp từ tổ chức tài chính trong nước, tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên phát triển -0
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu dự hội nghị.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng chung khu chức năng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND các tỉnh Tây Nguyên thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án giao thông đường bộ của vùng Tây Nguyên theo phương thức đối tác công tư từ mức 50% theo quy định hiện lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, gồm cơ chế, chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; chính sách về cơ quan chủ quản đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc; quản lý quy hoạch; chính sách thu hút đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên phát triển -0
Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề về cơ chế đặc thù cho vùng Tây Nguyên.

Đề xuất cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS nghèo chưa có nhà ở; thí điểm thị trường các bon; giao đủ biên chế ngành giáo dục và y tế theo định mức của cấp thẩm quyền; phân bổ sung biên chế, tính toán định mức giáo viên/lớp theo từng vùng, miền, nhất là vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn;  cơ chế riêng về điều chỉnh mức học bổng học sinh, chế độ nhân viên cấp dưỡng cho Trường phổ thông dân tộc nội trú, đầu tư cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn vùng Tây Nguyên và điều chỉnh định mức bảo vệ, phát triển rừng.

Cũng tại hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, với tư cách là thành viên của Hội Đồng điều phối vùng Tây Nguyên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp đảm bảo ANTT, củng cố và làm chuyển hóa nhiều địa bàn phức tạp về ANTT. Lực lượng Công an đã đấu tranh, vô hiệu hóa ý đồ chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bóc gỡ hàng trăm đối tượng, các điểm nhóm phục hồi hoạt động FULRO, tin lành Đề Ga, không để hình thành lực lượng chính trị đối lập. Công an cũng đã sớm xử lý, ổn định tình hình vụ khủng bố xảy ra ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk…

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên phát triển -0
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, khu vực Tây Nguyên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiềm lực củng cố quốc phòng, an ninh. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn chưa vững chắc, ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo giải quyết các vụ việc liên quan tới ANTT. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập, vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá…

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề xuất Hội Đồng điều phối vùng Tây Nguyên tăng cường chỉ đạo năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, văn hóa, truyền thông… ngăn chặn có hiệu quả tình trạng các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những vấn trên để gây mất ANTT; bảo vệ an ninh chính trị nội bộ; đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên quan tâm kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình mới…

Khắc Lịch
.
.