Rất cần thiết ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp

Thứ Tư, 23/04/2025, 10:31

Sáng 23/4, để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV,  Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất, thẩm tra Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp (TTKC).

kk -0
Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ nhất thẩm tra Dự án Luật TTKC.

Tại phiên họp này, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra các dự án luật: Luật TTCK; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về dự án Luật TTCK, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, đây là dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 theo Nghị quyết số 55/2024/UBTVQH15 ngày 28/10/2024, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại phiên họp tháng 3/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án luật này.

kk -0
Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu khai mạc phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nhấn mạnh, việc ban hành Luật TTKC là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố; kiện toàn cơ chế, quy định về phối hợp trong xử lý các tình huống bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng ứng phó hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống; phòng, chống, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTKC.

kk -0
Đồng chí Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại  phát biểu tại phiên họp.

Trước đó, để phục vụ quá trình thẩm tra Dự án Luật TTKC, Thường trực Ủy ban đã ban hành Kế hoạch khảo sát và đã tiến hành khảo sát, làm việc tại tỉnh Tây Ninh, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Binh chủng Công binh, Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng; Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an để các đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin trong quá trình nghiên cứu, cho ý kiến về dự án luật.

Theo Tờ trình Dự án Luật TTKC, việc ban hành dự án luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về TTKC; tạo lập cơ sở pháp lý cho thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước và nhân dân, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

kk -0
Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại phiên họp.

Tham gia đóng góp ý kiến vào dự án luật, các thành viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại và đại diện các bộ có liên quan đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật TTKC như trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định về TTKC trong các luật khác để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Do có nhiều luật chuyên ngành quy định liên quan, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong luật này để tránh sự chồng chéo, xung đột pháp luật, nhất là trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo chủ trương của Trung ương, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để mở rộng không gian phát triển. 

kk -0
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, khả thi. Cũng theo các đại biểu tham gia phiên họp, sau 25 năm thực hiện Pháp lệnh TTKC, thực tiễn có rất nhiều thay đổi. Điển hình là trong bối cảnh dịch COVID-19 xảy ra cho thấy không có cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực hiện các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, rất cần thiết ban hành Luật TTKC, trong đó quy định các nội dung liên quan đến thẩm quyền ban bố, các biện pháp áp dụng trong TTKC; lực lượng thi hành, công tác phối hợp trong TTKC...

kk -0
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật TTKC.

Phát biểu kết luận phiên họp, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đánh giá cao sự tham gia tích cực, với 16 ý kiến phát biểu, góp ý của các đại biểu tại phiên họp thẩm tra đều đồng tình, thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật TTKC. Hồ sơ dự án luật đủ điều kiện để báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đề nghị, Ban soạn thảo dự án luật tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật; làm rõ hơn các quy định về thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ TTKC để quy định cho chặt chẽ, nhằm tạo thuận lợi, kịp thời áp dụng các biện pháp trong TTKC.... Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh báo cáo. Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra Dự án Luật TTKC để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Dự thảo Luật TTKC gồm 6 chương, 42 điều, quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ TTKC; các biện pháp được áp dụng trong TTKC; tổ chức thi hành Nghị quyết ban bố, Lệnh công bố TTKC; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong TTKC.

Dự thảo luật đã cụ thể hóa 2 chính sách được thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng dự án luật, gồm: Chính sách 1: Biện pháp áp dụng trong TTKC, thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo, điều hành và quyết định áp dụng các biện pháp đặc biệt của một số chủ thể trong TTKC. Chính sách 2: Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; cứu trợ, hỗ trợ người dân ứng phó trong và sau TTKC.

Minh Hiền
.
.