Khởi tố nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm Bộ Y tế
Thông tin với báo chí tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức vào chiều nay 7/7, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết đã khởi tố 5 bị can có liên quan đến sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Theo đó, ngày 2/6/2025, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây thất thoát, lãng phí”, khởi tố 5 bị can: Đào Xuân Sinh, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn, đầu tư và xây dựng SHT; Trần Văn Sinh, Trưởng Phòng kỹ thuật dự toán, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế; Nguyễn Hữu Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế; Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế; Nguyễn Kim Trung, nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Sai phạm ban đầu được xác định là trong quá trình triển khai dự án, có việc điều chỉnh tổng mức đầu tư không đúng quy định, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực, làm tăng chi phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, gây lãng phí lớn nguồn vốn đầu tư công.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra để làm rõ toàn bộ sai phạm, xử lý triệt để theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trước đó, dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức được Bộ Y tế phê duyệt năm 2014 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 9.000 tỉ đồng, quy mô mỗi dự án 1.000 giường bệnh. Trải qua hơn một thập kỷ xây dựng, đến nay Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 chưa thể đi vào hoạt động. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, sai phạm của hai dự án đã gây thiệt hại và lãng phí lên đến hơn 1.200 tỉ đồng.
Tháng 4/2025, Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiếp nhận hồ sơ, phân công giải quyết theo quy định liên quan đến dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức.
Hiện nay, hai dự án đã bắt đầu được thi công trở lại. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đưa vào hoạt động trong năm 2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2025. Đáng chú ý, trong tài liệu đính kèm kết luận được công bố của Thanh tra Chính phủ đã chỉ đích danh trách nhiệm của các lãnh đạo Bộ Y tế qua từng thời kỳ.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 2011 - 2019, là người trực tiếp ký các quyết định liên quan cả hai dự án trong năm 2013 - 2017. Sự lãng phí của cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức không chỉ là thất thoát về ngân sách, tài chính mà còn là sự lãng phí trên sức khỏe của người dân. Những công trình đáng ra người dân được hưởng lợi, được khám chữa bệnh ở cơ sở y tế "ngang tầm quốc tế" thì bấy lâu nay bị bỏ hoang lãng phí.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hai gói thầu XDBM-01 và XDVĐ-01 của hai dự án Bệnh viện Bạch Mai - Việt Đức cơ sở 2, với giá trị lên tới 4.389,9 tỷ đồng (chiếm 76,6% giá trị tổng hợp đồng xây lắp), là trung tâm của hàng loạt sai phạm.
Cụ thể, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt khi chưa có thiết kế kỹ thuật, dự toán, bản vẽ thi công. Giá gói thầu được xác định không chính xác, dựa trên tổng mức đầu tư sơ sài, chưa tính đủ các chi phí cần thiết. Hồ sơ mời thầu không đầy đủ, thiếu bảng khối lượng, đơn giá chi tiết, không có căn cứ lập giá mời thầu – vi phạm khoản 1 Điều 7, Luật Đấu thầu 2013.
Sau khi đấu thầu, liên danh Tổng Công ty 36 – 319 – Thành An trúng thầu gói XDBM-01, còn liên danh Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – Hồng Hà Việt Nam trúng thầu gói XDVĐ-01. Nhưng hợp đồng ký kết thiếu hàng loạt nội dung bắt buộc như thời điểm giao mặt bằng, ngày khởi công – hoàn thành, điều khoản điều chỉnh giá…
8 ngày sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu đã đề xuất điều chỉnh thiết kế cơ sở dù công trình chưa khởi công, chưa có thiết kế kỹ thuật, vi phạm nghiêm trọng Luật Xây dựng năm 2014.
Cả hai dự án khởi công khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, vi phạm nghiêm trọng quy định cấm trong Luật Xây dựng. Việc điều chỉnh phương án móng (từ khoan nhồi sang ép cọc) đã tăng thời gian thi công lên hàng trăm ngày, gây đội chi phí và làm lãng phí nguồn lực. Tổng thiệt hại tạm tính hơn 20,7 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án, liên danh nhà thầu, cùng các đơn vị, cá nhân liên quan đến quá trình phê duyệt, điều chỉnh và thi công.