Hợp nhất Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng
Chính phủ đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 47 của UBTVQH khóa XV, sáng 10/7, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình bày tóm tắt nội dung các Tờ trình của Chính phủ về đề xuất xây dựng 4 dự án luật, trong đó có Dự án Luật An ninh mạng và Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Dự án Luật An ninh mạng có phạm vi điều chỉnh về hoạt động bảo đảm an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng. Đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến các hoạt động trên không gian mạng tại Việt Nam.

Dự án Luật An ninh mạng dự kiến hợp nhất quy định của Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và quy định các nội dung quy định về các hoạt động bảo vệ thông tin mạng; bảo vệ hệ thống thông tin; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng. Quy định về hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Quy định về hoạt động quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực an ninh mạng; hoạt động kinh doanh, xuất nhập, khẩu sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước về an ninh mạng.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, nếu dự án luật này thay thế cả Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng thì cần chỉnh lý tên gọi để bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh; đồng thời, hợp nhất phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng hiện hành, loại bỏ các nội dung trùng lặp.

Về Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đề xuất giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp hiện hành. Đối tượng áp dụng của Luật Giám định tư pháp (thay thế) là tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.
Nội dung chính của dự án luật mở rộng phạm vi xã hội hoá đối với một số lĩnh vực giám định tư pháp mà tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu lớn, thường xuyên. Đối với một số lĩnh vực thuộc chuyên ngành kỹ thuật hình sự như tài liệu, dấu vết và đường vân thì chưa xem xét xã hội hóa.

Phân cấp việc trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp theo hướng tổ chức, cá nhân ở địa phương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở địa phương; tổ chức, cá nhân ở Trung ương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp trung ương hoặc địa phương trong trường hợp vụ việc phức tạp.
Bổ sung quyền của người thực hiện giám định tư pháp được miễn trừ trách nhiệm công vụ, trách nhiệm pháp lý khi đưa ra kết luận giám định, trừ trường hợp thực hiện hành vi bị cấm; được hưởng tiền bồi dưỡng giám định theo quy định, phù hợp với tính chất đặc thù công việc.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định bảo đảm chặt chẽ, thời hạn giám định hợp lý, quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong việc trưng cầu, thực hiện giám định.

Bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan Toà án, Viện kiểm sát cấp tỉnh trong việc thống kê, đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng; chế tài xử lý đối với cơ quan trưng cầu giám định, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, lấy tên gọi là Luật Giám định tư pháp (sửa đổi), vì theo thông lệ các dự án luật được sửa đổi toàn diện thì trong tên gọi của dự án sẽ dùng từ “sửa đổi” để xác định.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị trong quá trình soạn thảo luật, cần rà soát kỹ các điều luật bảo đảm tuân thủ nguyên tắc phân cấp, phân quyền; tiếp tục rà soát quy định của luật hiện hành để khắc phục triệt để vướng mắc, mâu thuẫn, chồng chéo do quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nhất là bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, người tiến hành tố tụng được quy định trong các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, thủ tục tố tụng hình sự vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có nguyên nhân từ hoạt động giám định tư pháp kéo dài, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện giám định tư pháp. Tăng cường cơ chế kiểm soát nhằm phòng ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong giám định tư pháp.