Hai phương án tái khởi động dự án bệnh viện ngàn tỷ “phơi sương” ở Cần Thơ
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện ung bướu Cần Thơ không chỉ có ý nghĩa với người dân Cần Thơ mà cả người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Chiều 11/4, đồng chí Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thông tin hai phương án được kỳ vọng sẽ tái khởi động lại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện ung bướu Cần Thơ đã được CAND Online phản ánh trong bài viết “Cận cảnh dự án bệnh viện nghìn tỷ "phơi sương".
Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã thống nhất một số các nội dung và thành phố đã làm văn bản đăng ký làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính để hỗ trợ cho thành phố đối với dự án nói trên.
Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự án đang vướng chủ trương đầu tư. Dự án sử dụng vốn ODA của Hungary nhưng hiện nay đã hết hiệp định vay nên đã cắt nguồn vốn này. Nếu muốn điều chỉnh từ vốn ODA sang sử dụng nguồn vốn trong nước, Bộ Tài chính phải có ý kiến mới thực hiện.

Thành phố đưa ra hai phương án: Phương án thứ nhất, TP Cần Thơ đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khoảng 1.300 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện đối với dự án; Phương án thứ hai, trường hợp không có nguồn ngân sách từ Trung ương, nếu Ban Thường vụ Thành ủy cho chủ trương, điều chỉnh ngân sách TP Cần Thơ, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ bố trí số tiền nói trên để triển khai sớm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện ung bướu Cần Thơ.
Bởi, dự án này không chỉ có ý nghĩa với người dân Cần Thơ mà cả người dân vùng ĐBSCL.

Như CAND Online đã thông tin, dự án nói trên do Sở Y tế làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng (trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary là 56.927.480 Euro, tương đương hơn 1.393 tỷ đồng, chiếm 80,66% và vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ là 13.646.520 Euro, tương đương hơn 334 tỷ đồng, chiếm 19,34%). Dự án được khởi công vào 2017, dự kiến hoàn thành vào năm 2022 nhưng tiến độ thi công bị chậm trễ.
Trong quá trình thực hiện, do ảnh hưởng của dịch bệnh và một số nguyên nhân khách quan, tiến độ triển khai dự án không đáp ứng được yêu cầu đề ra, từ đó chậm tiến độ giải ngân so với Hiệp định vay viện trợ ràng buộc ưu đãi, hết hiệu lực từ tháng 7/2022 và không được gia hạn nên phải ngừng thi công.
Đến nay, tổng giá trị khối lượng liên danh nhà thầu đã thực hiện tương đương khoảng hơn 297 tỷ đồng, đạt 21,3% tổng giá trị khối lượng. Trong đó, phần khối lượng xây dựng đạt 80%, còn phần trang thiết bị hoàn toàn chưa triển khai.
Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là hơn 1.927 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng do tỷ giá quy đổi tiền Euro ra VND chênh lệch tăng. UBND thành phố Cần Thơ cũng đề nghị được điều chỉnh thời gian thực hiện để đảm bảo sớm hoàn thành dự án.