Dự thảo quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy
Bộ Công an đã dự thảo Thông tư quy định quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát đường thủy để lấy ý kiến của nhân dân.
Dự thảo Thông tư quy định về yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn; quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường thủy nội địa, vùng nước ngoài phạm vi luồng, vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải thuộc nội thủy, vùng nước cảng biển và luồng hàng hải nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động (sau đây viết gọn là đường thuỷ) và huy động lực lượng khác trong CAND tham gia phối hợp với Cảnh sát đường thủy thực hiện tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường thủy trong trường hợp cần thiết.
Về quyền hạn của cán bộ tuần tra, kiểm soát trên đường thủy, dự thảo Thông tư như sau:
1. Được dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát theo quy định.
2. Kiểm soát việc thực hiện các quy định xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng và tổ chức các hoạt động trên đường thủy; điều kiện hoạt động của phương tiện; điều kiện hoạt động của thuyền viên và người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu phương tiện; quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; vận tải đường thủy và các hoạt động khác có liên quan đến an ninh, trật tự trên đường thủy theo quy định.
3. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trên đường thủy và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật.

4. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên đường thủy.
5. Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác theo quy định của pháp luật.
6. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát có quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
7. Tạm dừng hoạt động của người và phương tiện đi lại ở một số tuyến đường thủy nhất định; kiến nghị tạm dừng hoạt động của người và phương tiện ở vùng nước cảng biển và luồng hàng hải ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động; điều tiết giao thông, phân luồng, bố trí nơi tạm dừng hoặc neo đậu phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
8. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, hình ảnh có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy.
9. Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Trong công tác tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Thông tư quy định cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:
1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận các dấu hiệu vi phạm pháp luật.
2. Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, phương án công tác củacấp có thẩm quyền.
3. Có văn bản đề nghị dừng phương tiện của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
4. Tin báo, tố giác về vi phạm pháp luật liên quan đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư cũng quy định về việc xử lý vi phạm trong khi tuần tra, kiểm soát đối với trường hợp không lập biên bản và có lập biên bản. Cụ thể, trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản: Khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị xử phạt theo thủ tục không lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ; trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thực hiện ngay quyết định xử phạt thì có quyền tạm giữ giấy tờ có liên quan theo thứ tự quy định để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt.
Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản: Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, cán bộ thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.Biên bản vi phạm hành chính được lập bằng mẫu in sẵn hoặc trên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính. Khi lập xong biên bản vi phạm hành chính, cán bộ lập biên bản đọc lại cho những người có tên trong biên bản cùng nghe; hướng dẫn quyền, thời hạn giải trình về vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình theo quy định tại Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)....
Dự thảo Thông tư được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 8/4/2025.