Bộ Công an đề xuất hợp nhất 2 luật lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng
Ngày 11/4, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức Hội thảo “An ninh mạng trong giai đoạn mới- Hợp lực bảo vệ không gian số”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình gặp mặt hội viên Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết: Năm 2024, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã ghi dấu một chặng đường phát triển tích cực. Trong thời gian ngắn kể từ khi thành lập, hiệp hội đã từng bước khẳng định vị thế là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp nòng cốt trong công cuộc bảo vệ an ninh mạng quốc gia; hỗ trợ chuyển đổi số, đồng hành cùng các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực này.

Các mục tiêu quan trọng đặt ra đều đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao vị thế của hiệp hội trong công tác bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Trong năm 2024, hiệp hội đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, kiện toàn nhân sự và ban chấp hành, tạo nền tảng vận hành hiệu quả; tổ chức thành công nhiều hội thảo, diễn đàn chuyên sâu về an ninh mạng, góp phần nâng cao nhận thức, kết nối tri thức và lan tỏa các sáng kiến bảo vệ không gian mạng; ra mắt phần mềm nTrust - công cụ cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng, phục vụ hàng trăm nghìn người dùng; phối hợp ứng cứu các sự cố an ninh mạng nghiêm trọng cho các đơn vị trong lĩnh vực bưu chính, chứng khoán…
Trên cơ sở kế hoạch hoạt động đã được thông qua, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chỉ rõ một số trọng tâm hoạt động trong năm 2025. Đồng chí nhấn mạnh, hiệp hội cần chủ động tham gia vào quá trình triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là trong công tác tham mưu, tư vấn công nghệ và phản biện chính sách pháp luật về an ninh mạng; phối hợp chặt chẽ với Cục và các cơ quan chức năng trong ứng phó với tội phạm sử dụng công nghệ cao; có các chương trình, hoạt động cụ thể để triển khai hiệu quả nhiệm vụ "Bình dân học vụ số" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng số cơ bản cho người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
“Trong năm 2025, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phối hợp tổ chức Lễ ký Công ước Liên Hợp Quốc về tội phạm mạng. Đây là cơ hội lịch sử để thể hiện vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu chống tội phạm mạng. Hiệp hội cần chuẩn bị nguồn lực đầy đủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để tổ chức sự kiện một cách bài bản, hiệu quả”- Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh…
Đồng thời đề nghị các đơn vị cần tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ, sản phẩm nội địa trong lĩnh vực an ninh mạng. Các đơn vị trực thuộc Hiệp hội cần chủ động đề xuất, thực hiện các sáng kiến, dự án có tính ứng dụng cao; triển khai chương trình giáo dục, trải nghiệm an ninh mạng cho trẻ em nhằm xây dựng thế hệ công dân số có trách nhiệm và năng lực tự bảo vệ mình trong môi trường mạng; mở rộng hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mạng xuyên quốc gia, tiếp cận công nghệ tiên tiến và xây dựng tiếng nói có trách nhiệm của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế về an ninh mạng…
Tại hội thảo, Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã cập nhật thông tin về công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực an ninh mạng, sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thông tin mạng từ Bộ Thông tin & Truyền thông (nay là Bộ Khoa học & Công nghệ).

Chỉ trong thời gian rất ngắn, đơn vị đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn thông tin mạng và các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Mục tiêu là đảm bảo sự thông suốt, liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiến hành rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin để đề xuất sửa đổi, hợp nhất, tạo hành lang thông thoáng, không gian phát triển cho các tổ chức, doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Cục thống kê, dự kiến có 54 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin cần điều chỉnh, bổ sung, hợp nhất, bao gồm: 10 luật, 16 nghị định của Chính phủ; 1 quyết định của Thủ tướng và 27 thông tư của Bộ trưởng trong lĩnh vực an ninh mạng và an toàn thông tin cần diều chỉnh, bổ sung, hợp nhất.
Đáng chú ý, đề xuất hợp nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về an ninh mạng trên cơ sở hợp nhất Luật An ninh mạng 2018 và Luật An toàn thông tin mạng 2015 thành Luật An ninh mạng năm 2025.

Đề xuất đó để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới của Bộ Công an về an ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025). Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025).
Đối với các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị định, thông tư liên quan, theo Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng 2025 theo trình tự rút gọn sau khi ban hành luật và hợp nhất.


Cùng với đó, sẽ hợp nhất các nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính thành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo trình tự rút gọn.
Cục An minh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đồng thời sẽ hoàn thiện hệ thống quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an ninh mạng theo hướng hợp nhất, công nhận các tiêu chuẩn đã có về an toàn thông tin mạng, đổi tên các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Tổng giám đốc MobiFone đã tham luận với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp viễn thông trong đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu người dùng”; ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng Ban nghiên cứu, tư vấn phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế giới thiệu nền tảng đào tạo trực tuyến về An ninh mạng nCademy; Thượng tá Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng quốc gia, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã chia sẻ tham luận với chủ đề “ Cách thức, định hướng hoạt động của Liên minh ứng phó, khắc phục sự cố an ninh quốc gia trong thời gian tới”…