Băn khoăn về việc kiểm soát quyền lực, bảo đảm minh bạch khi phân cấp đầu tư công

Thứ Tư, 09/10/2024, 17:58

Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019)

Chiều 9/10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phân quyền cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn.

Dự luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền.

ncd.jpeg -0
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỉ đồng. Dự án nhóm A từ 10.000 - 30.000 tỉ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng; phân cấp cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc phân cấp như dự thảo luật là thay đổi lớn, cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đặt trong tổng thể các chính sách khác liên quan đến vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.

9.10 lê q m.png -0
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra.

“Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, do vậy Luật Đầu tư công hiện hành quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Nếu quy định chủ tịch UBND các cấp vừa là người quyết định chủ trương đầu tư dự án, vừa là người quyết định đầu tư dự án là chưa bảo đảm tính khách quan” -  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nói.

Cần đánh giá kỹ việc chuyển từ quyết định của tập thể sang cho một cá nhân quyết định

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

ht.jpeg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất”; đồng thời cho rằng, liên quan đến việc quyết định dự toán ngân sách Nhà nước đã được thực hiện ổn định nhiều năm (đối với cả chi thường xuyên và chi đầu tư), không có vướng mắc phát sinh, do vậy đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm quy định của Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định phân cấp, phân quyền cần rõ trách nhiệm thực thi của cơ quan cấp dưới và trách nhiệm kiểm tra giám sát của cơ quan cấp trên. Quy định phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án là “chuyển từ quyết định của tập thể, cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương sang cho một cá nhân quyết định”, do đó, đây là vấn đề lớn cần đánh giá kỹ và cần có ý kiến của địa phương.

“Dồn hết thẩm quyền quyết định cho chủ tịch UBND các cấp thì đầu tư công sẽ nhanh nhưng chúng tôi rất băn khoăn về việc kiểm soát quyền lực, bảo đảm minh bạch, khách quan trong triển khai thực hiện” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nói và nhấn mạnh, luật hiện hành đã có quy định cho phép HĐND trong trường hợp cần thiết giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư, do đó cần báo cáo việc thực hiện chính sách này thời gian qua.

Phương Thuỷ
.
.