Phải gió mùa hè nó đè có chửa
Ông Bùi Giáng làm thơ thế nào? Không phải nói gì thêm, thiên hạ đã bàn "nát nước", tức đã bàn "hết nước hết cái".
Thỉnh thoảng đọc nhiều bài thơ ông viết cà rỡn, như giỡn chơi, tưởng chừng như chẳng đâu vào đâu, thế nhưng đọc một lần ắt nhớ, thí dụ:
Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè
Sở dĩ bài thơ hay vì Bùi Giáng đã sử dụng từ "đè" hết sức bất ngờ. Thông thường khi nói đến động tác đè, ta mường tượng lúc ai đó dùng sức áp lên vật gì đó để dằn xuống; hoặc dùng vật có trọng lượng nặng hơn đặt lên bề mặt của vật khác.

Rồi đang ngủ có lúc cảm thấy khó thở, có cảm giác không thể cựa quậy, cử động tay chân, gọi là "bóng đè" - sở dĩ dùng từ bóng, vì bóng ở đây chính là "bóng vía", chứ không cụ thể. Trong tùy bút "Gió lào", nhà văn Nguyễn Tuân viết câu văn cực kỳ ấn tượng với vai trò của từ "đè": "Bụi cát không tích tắc nào nghỉ bay. Trưng mắt quanh mình, trời đất quấy tro nóng. Áp lực không khí đè mình xuống, cấu nghẹt cuống hô hấp. Khí trời ong óng, khí người ráo kiệt".
Cũng với từ "đè", ta hãy quan sát một khổ thơ của Nguyễn Bính nói về trò chơi đánh bài tam cúc. "Bộ bài lá gồm 32 quân như cờ tướng, có thể thức chơi riêng" - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999): "Người rủ cô tôi đánh tam cúc/ Cười ầm tốt đỏ đè tốt đen". "Tốt đỏ" đè "tốt đen" là đè thế nào? Trong trò chơi tam cúc, tốt đỏ "có giá" hơn tốt đen, vì thế nó "trên cơ" là không gì bàn cãi. Tuy nhiên, trong cuộc đời thật, "con tốt" còn ám chỉ thân phận bọt bèo, hạng thấp kém, đã "tốt" lại còn "tốt đen" thì đúng là quá nhọ, không gì để nói nữa.
Lúc mới gặp nhau, giữa Kim Trọng và Thúy Kiều đã có tình ý. Tâm trạng của họ, không khác gì nhân vật trong ca dao: "Nhớ ai bồi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than". Với Thúy Kiều:
Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang
Từ "đè" xuất hiện ở đây vừa gợi cho ta thấy lúc nàng đi nẻo ấy, trên đường đi ấy ắt có gì dưới chân nên phải đạp, phải đè xuống đặng bước tới? Có thể lắm nhưng với từ "đè" trong ngữ cảnh này còn bày tỏ sự quả quyết, không chần chừ, cứ dấn bước tới. Sự quyết liệt mạnh mẽ này, còn có thể nhìn thấy qua các câu tục ngữ như "Đè đầu cưỡi cổ", "Lấy thịt đè người/ Lấy của đè người", "Lớp sóng sau đè lớp sóng trước" v.v…
Khảo sát thêm từ "đè", ta hãy đọc lại câu ca dao miền Nam:
Gió mùa hè nó đè có chửa
Suốt canh chày thổi lửa cháy râu
Mùa hè, gió thì nóng. Với gió Lào, nhà văn Nguyễn Tuân hóm hỉnh: "Chao ôi còn thứ giống đực giống cái nào dám nghĩ đến nhau lúc gió Lào đang về này. Tiếng thương nhau mà kêu lên bây giờ chỉ là một giọng khàn cố đẩy ra khỏi hầu rất khó mà qua được cổ bóng". Nóng thì nóng. Mặc kệ. Cái sự "có chửa"/ có thai/ có mang/ mang bầu/ "đeo ba lô ngược" vẫn cứ diễn ra. Ngặt thiệt. Thế nhưng không thể do "gió mùa hè", phải từ tác động khác, tỷ dụ:
Hôm qua lên núi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Ít ra cái sự bị đè ấy phải là do "thằng phải gió". Đè này đích thị đè ngửa, đè tênh hênh, đè sỗ sàng trong sự đắc thắng, ta còn có thể nhìn thấy trong tùy bút “Sông Đà” của Nguyễn Tuân: "Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ lai chữ".
Với từ "phải", một trong những đoạn hay nhất trong “Truyện Kiều” khiến người đọc hả hê, hả dạ, hả lòng còn là lúc Thúy Kiều báo ân báo oán như xử Hoạn Thư:
Khen cho thật đã nên rằng:
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời
Lạ nhỉ, với một người đã từng hành hạ mình: "Làm cho, cho mệt, cho mê/ Làm cho đau đớn, ê chề cho coi", sao nàng lại khen? Sở dĩ khen bởi lời bào chữa của Hoạn Thư nói năng "phải lời", là nói "đúng lời", hợp lẽ phải, không sai một lời nào khiến Thúy Kiều không thể bắt bẻ, vì thế đành phải khen là vậy. Thế thì xin hỏi câu thơ của Hồ Xuân Hương:
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá bạc như vôi.
Ta hiểu thế nào về từ "phải/ phải duyên"? Dễ quá, "phải" ở đây chính là "đúng". Hiểu thế, không sai. Nhưng sai ở chỗ, người Việt không nói "đúng duyên" mà nói "hợp duyên", là duyên số hợp nhau. Xét từ "phải" theo nghĩa này, ta còn gặp trong câu ca dao: "Ba gian nhà rạ bà xòa/ Phải duyên xem tựa chín tòa nhà lim". Ta thấy với từ "phải", trong “Truyện Kiều” được sử dụng cả thẩy 57 lần nhưng chỉ 1 lần có từ "phải duyên":
Gặp nàng khi ở Châu Thai
Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên
Ta còn gặp từ "phải" trong nhiều câu cửa miệng nhưng chắc gì được hiểu theo nghĩa là "đúng". Thí dụ, một người bảo: "Không biết X ăn phải đũa ai mà nói năng ba trợn quá" - phải ở đây lại hiểu là nhầm/ nhầm đũa - thành ngữ này ám ai đó chỉ nhiễm thói xấu của người khác.
Với cô gái trong câu ca dao: "Gặp thằng phải gió" thì sao? Hơn 350 năm trước, “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) đã ghi nhận từ "phải gió", thế nhưng không liên quan gì về nghĩa mà hiện nay ta đã hiểu là tiếng rủa. Rủa với mức độ thế nào? Rằng thưa, rủa nhẹ nhàng, có thể chỉ "rủa yêu/ mắng yêu", tùy ngữ cảnh, chứ không phải rủa sa sả, chửi tắt bếp, mắng vuốt mặt không kịp. Trường hợp này, ta có thể nhìn ra thái độ của cô nàng khi kể lại chuyện "gặp thằng phải gió", nếu bực tức, nguyền rủa ắt phải dùng từ khác độc địa hơn. Rõ ràng khi hiểu đúng nghĩa của từ trong tiếng Việt, ta sẽ thấu hiểu sắc thái của câu phê phán.
"Phải/ phải gió" ban đầu được dùng theo nghĩa như từ "phải" trong “Truyện Kiều”: "Nàng rằng phải bước lưu ly/ Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh", "Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rũ bức trướng hồng tẩm hoa ", "Những là nương náu qua thì/ Tiểu thư phải buổi mới về ninh gia"… là được, gặp, bị mắc phải. Với từ "phải gió", “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) giải thích: "trúng gió", là ta hiểu theo nghĩa hiện nay: "Bị luồng gió đột ngột tác động vào, làm cho mắc phải bệnh" - “Đại từ điển tiếng Việt” (1999).
Với từ "đè", một khi phát hiện ra sự vô lý do "gió mùa hè nó đè có chửa" thì ta không thể giải thích "đè" như đã hiểu, mà, "đè" chính là hàm nghĩa nhằm theo hướng, hướng tới… Vậy khi Thúy Kiều: "Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều/ Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang" không thể hiểu là trên đường đi ấy ắt có gì dưới chân nên phải đạp, phải đè xuống đặng bước tới. Phải hiểu là nàng cứ nhắm hướng Lam Kiều để sang nhà Kim Trọng, vì đã biết chắc chắn vị trí đó; hoàn toàn khác với lúc nàng bị hai tên đầu trâu mặt ngựa Khuyển, Ưng bắt cóc: "Buồm cao lèo thẳng cánh thuyền/ Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang". Đè chừng là phỏng chừng, nhắm chừng, áng chừng, phiên phiến chứ không chính xác.
Từ "đè" trong câu ca dao "Gió mùa hè nó đè có chửa" là ngụ ý than phiền, thở than, ai đời, ai dè cô ấy lại "có bầu" trong thời tiết mùa hè. Thế mới ngặt vì sự việc này xảy ra không phù hợp hoàn cảnh, thời điểm hiện tại. "Đè" trong tình huống này, cũng chính là "nhè", tỷ dụ, ai đó nói: "Dù cương quyết bỏ nhậu, thế mấy bồ tèo cứ đè mình rủ rê ít ly y lít. Khổ thiệt". Đè/ nhè là nhắm vào, hướng đến…
Đầu thế kỷ XX, lúc bọn mắt xanh mũi lõ gương ngọn cờ Tam tài trên nước Nam, tại Sài Gòn cụ thể là chỗ Bồn Kèn, có lần hai thi sĩ nổi tiếng Tôn Thọ Tường và Huỳnh Mẫn Đạt tình cờ chạm mặt nhau nhau. Vị trí Bồn Kèn là chỗ giao nhau giữa hai đại lộ lớn Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi, quận 1) - nơi có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn không của một thời. Do không hợp tác với "tân trào" nên lúc bỗng đâu lại gặp ông Tường - bạn khác chí hướng, không thể lánh mặt làm ngơ, ông Đạt thở dài:
Cừu mã năm ba dạo cặp kè,
Duyên sao giải cấu khéo đè ne.
"Giải cấu" là tình cờ gặp nhau, ta cũng gặp trong câu ca dao: "Em nghe anh hỏi câu này/ Cái duyên giải cấu ai bày gặp nhau?". "Đè ne" là chỉ sự việc trớ trêu, cắc cớ, chuyện đâu đâu bỗng ập đến với mình; ngoài ra, "đè ne" còn có nghĩa khác là "nghi ngờ cho", cùng nghĩa với "đè nén"- theo “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895).
Trải theo năm tháng, với từ "đè nén", nay được hiểu là bị chèn ép, ức hiếp, kiềm hãm đến tột cùng, mất tự do, không thể cựa quậy... Với từ này, nhiều người hẳn còn nhớ đến câu văn ấn tượng trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao: "Than thở chẳng ích gì cho ai, cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén sở dĩ bị đè nén suốt đời chỉ vì khi bị đè nén chúng chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác".