"Người bắc cầu" Hữu Ngọc lãng du trong văn hóa Việt
Nhà văn hóa Hữu Ngọc - "người bắc cầu giữa các nền văn hóa" vừa qua đời ở tuổi 107. Hơn một thế kỷ sống và làm việc, ông đã để lại một di sản lớn về văn hóa Việt Nam, về tinh thần làm việc cống hiến và tận tụy cho đến hơi thở cuối cùng. Và giờ đây, ông đã tự do "lang thang như một áng mây trời", như tâm thế ông lựa chọn sống hơn 100 năm qua…
1. Nhà văn hóa Hữu Ngọc tự ví mình, nói theo ngôn ngữ dân dã là "người lang thang". Nhà báo Nguyễn Như Mai cho rằng: "Ít ai như ông, ngày ngày "lang thang" và cả cuộc đời vẫn lang thang, cho dù đã trải cuộc đời hơn một thế kỷ. Cuộc "lang thang" của ông đem về cả một gia tài văn hóa vô giá cho mình và cho đời".

Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc, quê gốc Thuận Thành, Bắc Ninh, sinh ngày 22/12/1918 tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Tốt nghiệp Tú tài, Hữu Ngọc vào học trường Luật. Ngày ấy người ta học Luật để ra làm quan, nhưng Hữu Ngọc lại rẽ ngang làm nhà giáo. Khi dạy ngoại ngữ tại các trường tư ở Vinh, Huế, Hữu Ngọc hào hứng tham gia vào những hoạt động hướng đạo do các giáo sư Tạ Quang Bửu, Ngu Lân khởi xướng. Rồi sau đó, bước chân "lãng du" của ông đã lặn lội trên các nẻo đường kháng chiến chống Pháp để làm công tác vận động hàng binh, giáo dục tù binh.
Khả năng ngoại ngữ phong phú và chuẩn mực đã góp phần "thu phục nhân tâm" đối với lính viễn chinh Âu-Phi. "Hữu Ngọc thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, đọc và nói được tiếng Đức và sử dụng được tiếng Hán làm công cụ tra cứu. Đây chính là thứ hành trang duy nhất để ông lên đường "lang thang" trên các nẻo văn hoá thế giới cả trên trang sách và trên những chuyến đi tới khắp các chân trời châu Á châu Âu, châu Mỹ".
Năm 27 tuổi, ông được giao làm Tổng biên tập tạp chí Tia sáng - tờ báo tiếng Pháp. Sau đó ông còn làm hai tờ tạp chí tiếng Pháp, Anh là tờ Le Vietnam Marches (Việt Nam tiến bước) và tờ Études Vietnamminnes (Nghiên cứu Việt Nam). Đặc biệt tạp chí thứ hai này do bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở Pháp về làm chủ nhiệm nên tờ tạp chí rất có uy tín quốc tế suốt trong thời kỳ chống Mỹ. Và cũng từ đó, ông bắt đầu công việc nghiên cứu, viết về văn hóa Việt. Ông viết cho rất nhiều tờ báo trong và ngoài nước. Cũng từ những bài báo ông tập hợp theo chủ đề thành những cuốn sách đồ sộ. Ông đã xuất bản 34 cuốn sách trong cuộc đời mình, có những cuốn trên nghìn trang.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể lại: "Tôi không ngờ một ông cụ ngót 90 tuổi mà vẫn leo núi thoăn thoắt như một con sóc rừng. Hữu Ngọc dường như không có tuổi già. Ông như một bộ cốt đã hóa thạch. Thời gian dường như không thể đánh được vào con người trần gian này. Không biết bí quyết nào đã cho ông cụ một sức lực dẻo dai đến thế. Có lẽ, một phần là chất lượng sống. Mà sống, với Hữu Ngọc là lao động. Lao động không ngừng".
Ông đọc nhiều, đi nhiều. Gần như bước chân ông có mặt ở mọi vùng miền của đất Việt. Ông hiểu sâu về văn hóa, lịch sử, dân tộc và dùng hai quỹ văn hóa mà ông từng là chủ tịch (Quỹ Thụy Điển - Việt Nam và Quỹ Đan Mạch- Việt Nam) để đóng góp, bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa địa phương. Ông để lại gia tài 34 cuốn sách, trong đó 2 cuốn mà ông tâm đắc nhất là: "Tuyển tập văn hóa Việt Nam" (4 tập, song ngữ Anh - Pháp với tổng cộng 2.000 trang) viết cùng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và cuốn "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" (viết bằng 3 ngôn ngữ Việt - Pháp - Anh, mỗi cuốn khoảng 1.000 trang)… Bất cứ ai từng đọc "Lãng du trong văn hóa Việt Nam" đều cảm thấy như được khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tự cảm thấy trách nhiệm cá nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại.
Tác phẩm "Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội" là một công trình lớn của ông, phản ánh bức tranh sinh động, giàu cảm xúc về cuộc sống, con người và chiều sâu văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Với những cống hiến đặc biệt ấy, năm 2017, ông được trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Một năm sau, ông được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú nhằm ghi nhận những đóng góp của ông cho sự phát triển của văn hóa Thủ đô. Ở tuổi 100, ông vẫn tiếp tục cho ra mắt bộ sách "Cảo thơm lần giở", dày 1.000 trang giới thiệu cuộc đời và tư tưởng của 180 danh nhân thế giới, trải rộng trên nhiều lĩnh vực tôn giáo, triết học, văn hóa, khoa học, văn học, nghệ thuật, chính trị.
2. Sinh thời, mọi người vẫn gọi ông bằng cái tên "nhà xuất nhập khẩu văn hóa". Không chỉ nghiên cứu về kho tàng văn hóa Việt, ông còn giới thiệu văn hóa Việt ra cộng đồng thế giới và mang văn hóa thế giới đến với độc giả Việt Nam. Ngoài những cuốn sách, ông còn nổi tiếng qua những buổi nói chuyện với khách nước ngoài. Ở đó, ông trình bày về lịch sử nghìn năm của văn hóa Việt, sự hình thành và những đặc điểm truyền thống Việt Nam, sự tiếp biến văn hóa với phương Tây… Ông muốn khẳng định cho người nước ngoài hiểu rằng, Việt Nam có nền văn hóa độc lập, có bản sắc riêng.

Ông có khả năng "thôi miên" người nghe bằng khối lượng kiến thức uyên bác của mình. Đại sứ Thụy Điển Borje Lunggren - trong diễn văn tại buổi lễ gắn Huân chương Bắc Đẩu tại Đại sứ quán Thụy Điển, ngày 6/6/1997 đã viết: "Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp người bắc cầu giữa các nền văn hóa như ông Hữu Ngọc - cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, rất tế nhị khi thâu nhận những nền văn hóa khác". Đại sứ Pháp Claude Blanchemaison thì khẳng định: "Nếu có một nhà trí thức nào, một nhà văn nào xứng đáng nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm, thì đó là ông Hữu Ngọc - nhà văn hóa, nhân văn lớn".
Còn học giả Charles Foumiau - tiến sĩ sử học Pháp đánh giá: "Đối với nhà trí thức Việt Nam ưu tú này- ông Hữu Ngọc- ngôn ngữ của chúng ta, di sản nghệ thuật của chúng ta, toàn thể nền văn hóa của chúng ta là bộ phận của nền văn hóa riêng của ông, bên cạnh nền văn hóa dân tộc, gắn chặt nhau và cùng tỏa sáng".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lý giải cái tinh thần Việt Nam trong xu hướng toàn cầu của nhà văn hóa Hữu Ngọc rằng: "Ông là người Việt Nam, nhưng ông cũng là công dân của cả một thế giới rộng lớn hơn. Ông kết hợp và tận dụng được cùng một lúc cả 2 nguồn lực đó. Đây chính là bí kíp giúp Hữu Ngọc hơn người. Bằng con mắt của một người thuần Việt, ông nắm bắt được những vẻ đẹp của những nền văn minh nhân loại. Và bằng con mắt nhân loại, ông phát hiện ra được những tinh chất đặc sắc của Việt Nam mà nhiều khi người Việt ta ở trong nước không phát hiện ra".
Quả vậy, ông không chỉ tường tận văn hóa truyền thống Việt Nam mà ông còn am hiểu sâu sắc các nền văn hóa trên thế giới. Và ông chính là người dày công giới thiệu với chúng ta các nền văn hóa đó như "Phác thảo chân dung văn hóa Pháp"; "Thơ Đường 4 ngữ", "Mảnh trời Bắc Âu: Văn hóa Thụy Điển", "Hồ sơ văn hóa Mỹ", những cuốn sách mở ra những cánh cửa cho Việt Nam hiểu về thế giới.
Tôi đã may mắn có vài lần đến nhà ông, ngôi nhà bình yên ở phố Trung Yên xanh mát. Ở đó, luôn xuất hiện những vị khách đặc biệt, từ nước ngoài, từ trong nước, muốn hỏi và tìm hiểu về văn hóa… Ngôi nhà ấy giờ đã vắng bóng ông. Nhưng tinh thần sống và di sản mà ông để lại sẽ còn mãi với thời gian…
Tôi muốn mượn lời nhà báo Trần Như Mai để kết cho bài viết nhỏ về nhà văn hóa Hữu Ngọc, "người lang thang trên các nẻo đường văn hóa". Ông viết : "Nhà thơ Trần Đăng Khoa ví Hữu Ngọc như một cây dó có trầm, càng già trầm càng tỏa hương thơm. Người ta thường hỏi ông bí quyết làm thế nào để sống lâu. Ông nói đùa, tại vì ông không “làm quan”, tại vì ông thích "lang thang như một áng mây trời".
Những cống hiến không mệt mỏi của nhà văn hóa Hữu Ngọc đã được ghi nhận và tôn vinh qua nhiều giải thưởng của Việt Nam và nước ngoài, như: Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Pháp), Huân chương Bắc Đẩu (Thụy Điển), Giải Mot d'or (Pháp), Giải vàng Sách Việt Nam 2006, Giải đồng Sách Việt Nam 2015, Giải thưởng quốc gia Sách Việt Nam 2017, Giải GADIF 2008 của Nhóm các Đại sứ quán, Phái đoàn và các Tổ chức Pháp ngữ tại Việt Nam, Giải nhất toàn quốc 2015 về Thông tin Đối ngoại, Giải thưởng Lớn Bùi Xuân Phái về "Tình yêu Hà Nội" 2017.