Những câu chuyện đằng sau một giải cầu lông quốc tế
Mỗi năm, Việt Nam hiện là điểm đến của 4 giải cầu lông quốc tế. Cứ sau mỗi giải đấu khép lại, những người sống trong giới cầu lông Việt Nam lại có thêm nhiều bài học thú vị, qua đó trau dồi bản thân để cùng tiến xa hơn trong môn thể thao Olympic này.
Bước đệm đến đỉnh cao
Sau 25 năm kể từ lần đầu tổ chức, Vietnam Challenge tiếp tục là giải đấu quy tụ nhiều VĐV đẳng cấp thế giới đến Việt Nam tranh tài. Trong quá khứ, giải đấu này từng ghi nhận không ít tay vợt xuất chúng đến tranh tài. Họ thường xem giải đấu diễn ra đầu năm ở Hà Nội là bước đệm trước khi hướng đến những sân chơi lớn hơn.
Năm 2016, nhà vô địch đôi nữ của Vietnam Challenge 2016 là bộ đôi VĐV Nhật Bản, Fukushima Yuki và Shida Chiharu. Họ sau này trở thành những VĐV rất nổi tiếng. Một năm sau thành công ở Vietnam Challenge, Fukushima giành Huy chương đồng giải vô địch thế giới bên cạnh Hirota Sayaka. Cô bước lên vị trí số 1 thế giới vào năm 2018.
Cũng trong năm 2016, Matsumoto Mayu và Nagahara Wakana dừng bước ở tứ kết nội dung đôi nữ. Nhưng chỉ 2 năm sau, họ bất ngờ vụt lên với 2 danh hiệu vô địch thế giới liên tiếp. Đến thời điểm hiện tại, Matsumoto đã chuyển sang thi đấu bên cạnh Fukushima. Một đôi VĐV nổi tiếng khác đến Việt Nam năm đó là Watanabe Yuta và Higashino Arisa.
Nhà vô địch Olympic Paris An Se Young cũng nằm trong số những tay vợt từng tranh tài ở Vietnam Challenge. Năm 2019, cô bé An Se Young "gầy và nhỏ xíu", như nhận xét của một trọng tài làm nhiệm vụ cách đây 6 năm, gây bất ngờ khi lọt vào trận chung kết đơn nữ. Khi ấy An Se Young không thể vô địch, nhưng cũng trong năm đó, cô lên ngôi ở 5 giải đấu lớn hơn và bước vào nhóm những VĐV hàng đầu thế giới.
Những VĐV Việt Nam từng lên ngôi ở Vietnam Challenge có Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh, đôi nam nữ Đỗ Tuấn Đức và Phạm Như Thảo. Tay vợt Lê Đức Phát từng có một lần giành ngôi Á quân giải đấu này. Có một điểm chung giữa những VĐV Việt Nam và quốc tế lên ngôi ở sân chơi Vietnam Challenge. Họ đều là thành viên đội tuyển quốc gia, hoặc là VĐV chủ chốt ở câu lạc bộ họ đang đầu quân.
Những câu chuyện quá khứ như trên sẽ giải thích cho tầm quan trọng của danh hiệu nội dung đôi nam năm nay, nơi Nguyễn Đình Hoàng và Trần Đình Mạnh đăng quang trên sân nhà. Trên hành trình đến trận chung kết giải, bên cạnh nhiều lời khen ngợi, có không ít ý kiến cho rằng Vietnam Challenge chỉ là giải cấp thấp "ao làng".
Trong bối cảnh một số khán giả Việt Nam cho rằng giải đấu tại Hà Nội có chất lượng chuyên môn không cao, tuyển thủ Malaysia Lai Pei Jing lại đưa ra nhận định khác. Tay vợt này đến Việt Nam sau khi tham dự All England, giải cầu lông danh giá bậc nhất. Cô đang xếp hạng 15 thế giới, và khẳng định mình luôn trân trọng hành trình tại Việt Nam.
"Các giải đấu ở Việt Nam có thể không có cấp độ cao, nhưng mặt bằng trình độ VĐV rất mạnh. VĐV quốc tế đến đây thi đấu nhiều vì Việt Nam gần như nằm ở trung tâm của các cường quốc cầu lông thế giới. Chi phí di chuyển, lưu trú hợp lý, đồ ăn phù hợp cũng là nguyên nhân VĐV quốc tế đến nhiều hơn", một HLV Nhật Bản chia sẻ bên lề giải đấu.
Vấn đề của Việt Nam
Sau 2 năm kể từ thời điểm Thùy Linh lên ngôi vô địch đơn nữ, các đại diện chủ nhà mới đăng quang ở Vietnam Challenge. Đình Hoàng và Đình Mạnh thậm chí là đại diện đầu tiên của đôi nam Việt Nam làm được điều này. Trên hành trình đến ngôi vô địch, họ thậm chí đã đánh bại một đôi VĐV tuyển thủ khá mạnh của Nhật Bản.
Bên cạnh ngôi vô địch đôi nam của Nguyễn Đình Hoàng và Trần Đình Mạnh, nhiều hiện tượng từ Vietnam Challenge cũng cho thấy, cầu lông Việt Nam có thể làm được tốt hơn trong nhiều khâu để phát triển môn thể thao quốc dân này. Một trong số đó là những VĐV mới trở về từ hai giải đấu ở Sri Lanka: Bùi Bích Phương, Nguyễn Văn Mai, Nguyễn Văn Trường.
Những VĐV kể trên là thành viên của đơn vị Hà Nội, thuộc biên chế đội tuyển quốc gia. Trong chuyến đi Sri Lanka vừa qua, họ được hỗ trợ kinh phí từ phía Hà Nội. Nhóm VĐV này đã đạt thành tích tương đối tốt, đồng thời có thêm nhiều bài học quý từ những chuyến du đấu xa nhà.
Thành công của những chuyến đi cho thấy: Kinh phí thi đấu quốc tế của VĐV không nên là gánh nặng cho đội tuyển, Liên đoàn hay bản thân VĐV đó. Ngược lại, chính CLB địa phương cần tạo điều kiện để VĐV du đấu nhiều hơn. Đó chính là mô hình được thực hiện ở những cường quốc cầu lông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Vietnam Challenge 2025 ghi nhận một hiện tượng tưởng như vô lý: Số lượng VĐV Việt Nam tham gia tranh tài chỉ chiếm một lượng nhỏ. Ở một số nội dung như đơn nữ, Việt Nam chỉ có đúng một đại diện là tay vợt Vũ Thị Trang. Những người còn lại có thể tham gia đăng ký, nhưng không được thi đấu vì thứ hạng quốc tế hiện tại quá thấp.
Ngược lại với hiện tượng của VĐV Việt Nam, số VĐV Đài Bắc Trung Hoa thậm chí còn chiếm áp đảo, lớn hơn nhiều so với VĐV chủ nhà. Họ được tạo điều kiện thi đấu quốc tế nhiều hơn, nên xếp trên VĐV Việt Nam về mặt thứ hạng và được thi đấu. Thay vào đó, nhiều VĐV Việt Nam, dù có khả năng và tố chất tốt, lại phải ngồi ngoài nhìn người khác tranh tài.
Đâu là nguyên nhân đằng sau hiện tượng VĐV Việt Nam nhưng lại không thể dự giải đấu ở Việt Nam? Trên thực tế, số CLB Việt Nam cấp kinh phí cho VĐV du đấu quốc tế không nhiều. Những đơn vị hiếm hoi làm điều này là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, phần nào đó là Bắc Giang, Quân đội, Lâm Đồng.
Từ những chuyến đi, VĐV sẽ có thêm bài học kinh nghiệm, cũng như học hỏi từ đối thủ để hoàn thiện bản thân. Điều đó giúp họ cải thiện thành tích ở sân chơi quốc gia, đồng nghĩa với thành tích của địa phương được nâng cao. Trước khi nghĩ đến câu chuyện vươn ra thế giới, họ phải là "số 1", chí ít là "top 4" ở sân chơi quốc nội.
Bức tường thế giới
Nhiều VĐV quốc tế đến Việt Nam thi đấu có thể mang thứ hạng rất cao, nhưng họ luôn mang tinh thần học hỏi và cầu tiến, không khác gì những người mới vào nghề. Trái với suy nghĩ của nhiều người khi cho rằng Vietnam Challenge là giải đấu nhỏ, hay thậm chí chỉ "dành cho dân phong trào và đội dự bị", ngay cả những VĐV hàng đầu, họ luôn trân trọng thành tích và cơ hội thi đấu từng trận ở sân chơi này.
Cuối ngày thi đấu thứ 2 của Vietnam Challenge, có hai tay vợt nữ Nhật Bản đứng ngơ ngác trên đường bước ra khỏi nhà thi đấu. Một người qua đường tốt bụng đã vui vẻ giúp đỡ, chỉ đường cho cả hai tìm ra cổng sau nhà thi đấu để bắt taxi về, trong khi cổng trước bị khóa kín. Một trong hai tay vợt đó là Konegawa Mio, hiện nằm trong top 40 thế giới.
Việc một tay vợt thuộc nhóm đầu thế giới "lang thang", "bơ vơ" tại nhà thi đấu là điều hoàn toàn có thể xảy ra tại các giải cầu lông quốc tế. Bỏ qua một bên câu chuyện về chuyên môn, họ cũng giống như những người bình thường khác. Đi cùng họ đến Việt Nam có những HLV từng là tuyển thủ quốc gia, giành nhiều danh hiệu quốc tế.
Trong số các HLV đến Vietnam Challenge 2025, có những người được ví như huyền thoại. Họ từng đào tạo những VĐV đẳng cấp thế giới như Ratchanok Intanon, tay vợt Thái Lan vô địch thế giới khi mới 18 tuổi. Giờ đây, những nhà sư phạm tài ba này lại bắt tay vào guồng quay mới, cùng những VĐV mới giàu tiềm năng không kém.
Có một điểm đáng chú ý là không ít HLV kể trên có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với những đồng nghiệp Việt Nam. Theo thời gian và nhiều giải quốc tế, họ đã xây dựng được mối quan hệ gần gũi, thân thiết. Đó là nền tảng để cầu lông Việt Nam từng bước phát triển, với những gương mặt mới nổi bật trong tương lai.
Cầu lông Việt Nam học hỏi từ CLB hàng đầu Trung Quốc
Tại Vietnam Challenge 2025, có một đội cầu lông hàng đầu Trung Quốc đã cử nhiều VĐV đến tham gia tranh tài. Đó là CLB Thượng Hải, một trong những đội mạnh với nhiều tuyển thủ quốc gia. Jiang Zhen Bang, tay vợt nam đứng hạng 1 thế giới nội dung đôi nam nữ là thành viên của CLB này.
CLB Thượng Hải là đội cầu lông Trung Quốc thường xuyên đến Việt Nam thi đấu những năm gần đây. Không ít thành viên trụ cột trong đội từng là tuyển thủ quốc gia như Liu Hai Chao, Shang Yi Chen, Chen Si Hang. Đôi nữ từng vô địch giải trẻ thế giới Lin Fang Ling và Zhou Xin Ru cũng là thành viên cốt cán của CLB này.
Sau khi Vietnam Challenge 2025 khép lại, các thành viên của CLB Thượng Hải đã không về nước lập tức. Thay vào đó, họ đã dành thêm thời gian để giao lưu, tập luyện với các tay vợt đội tuyển cầu lông Việt Nam. Đây là cơ hội quý để các VĐV Việt Nam học hỏi từ đồng nghiệp, vốn là những tay vợt từng vươn đến đẳng cấp quốc tế.
Một trong những điểm mạnh của nhiều tay vợt Trung Quốc từng thi đấu quốc tế là khả năng di chuyển. Nhiều HLV và trọng tài cho rằng, các VĐV Việt Nam cần cải thiện bộ chân trong khi thi đấu. Việc này giúp họ giảm bớt việc hao tốn thể lực, cũng như hạn chế động tác thừa trên sân.