Khi sổ tâm thần và "sổ kế toán" không còn là bùa hộ mệnh
Từ Tuấn "Thần đèn", một trùm đất lậu đội lốt doanh nhân, Vi "Ngộ" - kẻ buôn “giấy điên” chuyên cấp "giấy trắng án" cho giới giang hồ, đến Bùi Thị Thanh Thủy - bà trùm ma túy điều hành đường dây hàng chục kg ma túy ngay trong... viện tâm thần, tất cả đều có một điểm chung: dùng luật để lách luật, dùng giấy tờ để che tội và dùng bộ mặt hợp pháp để trốn sau một thế giới ngầm đầy toan tính.
Nhưng rồi bánh xe công lý vẫn chuyển động. Những gã "đại ca thời 4.0" tưởng có thể hợp pháp hóa mọi thứ bằng mác doanh nhân, dấu đỏ giám định hay bệnh án tâm thần, cuối cùng vẫn không thoát khỏi chiếc còng số 8.
Giang hồ đội lốt doanh nhân
Gọi là "Thần đèn" nhưng Tuấn chẳng hề có cây đèn thần nào trong tay ngoài cái đầu nóng và đôi tay sẵn sàng "bốc" bất cứ thứ gì hắn thích: từ tiền, đất, cho tới cả... người. Sinh năm 1974, lớn lên ở TP Thanh Hóa, Tuấn chọn cho mình con đường ngắn nhất để thành "đại ca": đấm, đá và đè người ta sống dưới bóng mình.

Thời còn "bốc đầu" ở đất Lê Lợi - Vườn Hoa, cứ vụ hỗn chiến nào có dao, có máu, có tiếng súng giữa ban ngày, y như rằng thấp thoáng cái tên Tuấn hoặc đàn em của gã. Người dân quen mặt, nhưng cũng quen... im miệng.
Bị dính án năm 2014 vì tội cưỡng đoạt và cho vay nặng lãi, Tuấn vào tù, ngồi 5 năm. Ai mà tưởng ra trại gã sẽ "cải tà quy chính" thì nhầm to. Tuấn khôn hơn xưa, đổi bài nhanh: từ đầu gấu thành doanh nhân. Một màn hóa thân với vest, cà vạt, ảnh làm từ thiện và loạt công ty khoáng sản dựng lên như... nấm mọc trên đất lậu.
Gã "thâu tóm" cả chục doanh nghiệp khai thác đất, đá, cát khắp Thanh Hóa, từ thành phố đến Hoằng Hóa, Hà Trung, Yên Định (các huyện cũ). Ngoài mặt là làm ăn đàng hoàng, nhưng bên trong là hệ thống mỏ “ma”, sổ kép, thuế trốn, đất vượt mốc, vận hành như một cỗ máy hút máu tài nguyên quốc gia.
Mỗi đêm, xe tải chở đất lậu rầm rập chạy qua quốc lộ như diễu binh. Không trạm nào dừng. Không cán bộ nào thấy. Dân thì kêu khản cổ vì bụi, vì rung lắc, vì ô nhiễm. Nhưng, đơn thư gửi đi rồi... trôi tuột vào cõi im lặng. Có người gọi Tuấn là "ông trùm", nhưng dân trong vùng quen mồm hơn với cái tên "vua đất bóng đêm" - cai trị bằng tiền, quan hệ và nắm đấm đã được... hợp pháp hóa. Nhiều cán bộ cấp xã, huyện "có vẻ như" không nhìn thấy các mỏ khai thác trái phép ngay trước mũi mình. Không phải vì mù, mà vì đôi khi nhìn thấy rồi... lại giả vờ không thấy.
Tháng 6/2025, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam Tuấn "Thần đèn". Cuộc khám xét được mở ra tại hàng loạt điểm: nhà riêng, công ty, xưởng khai thác. Hàng trăm sổ sách kế toán bị niêm phong. Điều tra ban đầu cho thấy, Tuấn chỉ đạo làm sổ kép, kê khai gian lận, che giấu doanh thu từ việc khai thác vượt phép. Riêng trong năm 2023, số tiền trốn thuế đã cả chục tỷ đồng. Và, đám đàn em năm xưa, từng đi "đòi nợ" cùng Tuấn, giờ cũng lần lượt lên... trụ sở công an, để khai rõ từng đường dây hợp thức hóa mỏ lậu, tẩy sổ sách, chạy lệnh, thao túng công quyền.
Tuấn từng tưởng rằng mình đã rũ được quá khứ, khoác được chiếc áo doanh nhân để làm lại cuộc đời. Nhưng, hóa ra, đổi áo không đổi bản chất. Từ kẻ đập đầu đòi tiền đến kẻ rút ruột tài nguyên, hắn vẫn là một tên tội phạm, chỉ khác ở cấp độ và quy mô.
Chiếc mặt nạ vest chỉnh tề giờ đây đã rơi xuống. Và, dưới ánh đèn công lý, "Thần đèn" không còn phép, không còn khói mù, chỉ còn là một kẻ từng gieo rắc nỗi sợ, giờ đối mặt với công lý, cùng đống sổ sách gian lận mà hắn từng tin sẽ chôn vùi được tất cả.
"Sổ tâm thần" không còn là kim bài miễn tử
Ẩn sau tấm màn bệnh án tâm thần bắt buộc, Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1979, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) và chồng là Lê Văn Đông (SN 1978), còn gọi là Đông “Timo”, một giang hồ cộm cán, không chỉ là những kẻ tái phạm nguy hiểm, mà còn từng bước dựng nên cả một "đế chế ngầm" ngay trong Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Cặp đôi từng dính hàng loạt tiền án, từ lừa đảo, làm giả con dấu, gây rối trật tự công cộng nhưng lần nào cũng trượt khỏi vòng tố tụng một cách ngoạn mục nhờ những tờ giấy "giám định tâm thần bất thường".
Không cam chịu phận "bệnh nhân", Mai Anh từng bước chuyển vai, từ đối tượng điều trị thành trung gian môi giới những phi vụ "chạy điên" cho bị can. Nắm trong tay mạng lưới cấu kết với giám định viên, cán bộ, thậm chí cả lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Mai Anh thao túng cả hệ thống: thêm triệu chứng giả, bịa biểu hiện, bóp méo hồ sơ, biến kẻ tội phạm thành... người mất năng lực hành vi. Mỗi phi vụ như vậy có thể đem về cho thị hàng tỷ đồng, trong đó hàng trăm triệu được chuyển tay cho nguyên Viện trưởng Trần Văn Trường để chia chác cho hội đồng giám định.
Không chỉ giở trò trong bóng tối, vợ chồng Mai Anh - Lê Văn Đông còn công khai lộng hành. Thay vì điều trị, họ được bố trí phòng riêng tiện nghi, dùng ma túy trong viện, thậm chí đi du lịch, nghỉ mát cùng một số cán bộ Viện. Đêm 7/6/2025, Công an TP Hà Nội phối hợp Công an tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang cả nhóm gồm vợ chồng Mai Anh và một số cán bộ, bệnh nhân Viện Pháp y tâm thần Trung ương đang phê ma túy tại bãi biển Sầm Sơn. Vụ bắt giữ không chỉ triệt hạ một mắt xích quan trọng, mà còn vạch trần toàn bộ sự tha hóa đã âm ỉ nhiều năm trong một đơn vị lẽ ra phải là nơi cao nhất bảo vệ chuẩn mực y đức.
Từ một cặp vợ chồng có tiền án, Mai Anh - Đông “Timo” trở thành đầu mối trung tâm của một đường dây mua bán pháp lý tinh vi, lợi dụng chính kết luận giám định tâm thần để biến kẻ phạm tội thành bệnh nhân. Sau cú đánh lớn này, 40 bị can đã bị khởi tố, trong đó có không ít lãnh đạo, cán bộ Viện Pháp y tâm thần Trung ương là những người từng khoác áo blouse trắng, giờ bị lột trần vì đã biến nơi chữa bệnh thành mảnh đất dung dưỡng tội ác.
Nhưng, Mai Anh và Đông không phải là trường hợp cá biệt. "Sổ tâm thần" - thứ bùa hộ mệnh từng được coi như kim bài miễn tử đã trở thành món hàng dễ mua với những kẻ có tiền và đủ thủ đoạn. Nguyễn Văn Vi tức Vi "Ngộ" là một ví dụ điển hình. Từ tay trùm cho vay nặng lãi khét tiếng xứ Thanh, từng khiến bao con nợ phải bỏ nhà trốn chạy, gã bỗng chốc hóa thân thành người "mất năng lực nhận thức" nhờ vài tờ giấy chứng nhận tâm thần.
Khi bị dọa khởi tố, Vi lại phát bệnh, khi thì tự nói nhảm, khi lại cho đàn em "phát bệnh tập thể" để kéo dài thời gian, né tránh điều tra. Nhưng, lần này, Vi "Ngộ" diễn hỏng vai. Khi bị bắt, gã vẫn lảm nhảm, mắt ngơ ngác, vờ như kẻ mộng du giữa đời thực. Tuy nhiên, kết luận giám định pháp y do cơ quan điều tra yêu cầu độc lập đã bóc trần tất cả: Vi hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh, thậm chí còn rất minh mẫn khi chỉ đạo đàn em hành hung, đòi nợ, bắt giữ người trái pháp luật. Lá bùa "tâm thần" từng giúp gã lách qua mọi khe cửa pháp lý giờ chính thức vô hiệu. "Sổ tâm thần" giờ chỉ là tờ giấy lót đường vào trại giam.

Cùng một công thức "bệnh án là tấm khiên", nhưng Bùi Thị Thanh Thủy, bà trùm ma túy ở Hà Nội còn đẩy trò chơi này lên một cấp độ khác. Không chỉ lợi dụng giấy tờ để thoát tội, Thủy biến hẳn Viện Pháp y tâm thần Trung ương thành trung tâm điều hành đường dây buôn ma túy quy mô lớn. Từ giường bệnh, ả chỉ đạo đàn em vận chuyển hàng chục kg ma túy khắp nội thành. Điện thoại hoạt động cả ngày lẫn đêm, nhân lực chia hàng, vận chuyển, thu tiền vận hành như một hệ thống logistics ngầm chuyên nghiệp. Các trợ thủ thân tín như Lê Anh Ngọc, Phùng Nguyệt Anh... lần lượt nhận lệnh từ Thủy ngay trong viện và biến nơi đây thành... hang ổ tội phạm kiểu mafia.
Khi bị bắt, Thủy cũng diễn bài cũ: mắt vô hồn, miệng không nói, thân bất động. Nhưng, dữ liệu điện thoại, camera giám sát, sổ sách ghi chép đã nói lên tất cả: Thủy không điên, chỉ quá khôn để trốn tội. Và, lần này, không ai đứng giữa để hợp thức hóa tội lỗi cho bà trùm. Tấm khiên "sổ tâm thần" bị đập nát bởi bằng chứng, bởi chính sự tỉnh táo tàn độc của ả.
Tuấn "Thần đèn", Vi "Ngộ", Bùi Thị Thanh Thủy... tất cả đều là những "ông trùm thời mới", không cần đâm chém máu me, không cần chiếm bến xe, chiếm đất công khai. Chúng mặc áo sơ mi, ký hợp đồng, gắn mác doanh nhân hoặc chui vào bệnh viện, lén lút vờ bệnh để phạm tội. Tuấn cần hồ sơ kế toán, công văn san lấp. Vi cần kết luận tâm thần. Thủy cần bệnh viện làm bình phong. Bọn chúng biết rõ: muốn phạm tội thời nay, phải hợp pháp hóa hành vi phạm tội. Và, để làm điều đó, cần tới sự tiếp tay của những cán bộ biến chất, những giám định viên, những người khoác áo y đức nhưng tâm đã mục ruỗng.
Chính vì thế, các chiến dịch truy quét gần đây không dừng lại ở tội phạm hình sự, mà còn chĩa thẳng vào mắt xích tiếp tay: những ổ nhóm "hợp pháp hóa” tội phạm, từ cán bộ xã cấp giấy trái phép, giám định viên bán "sổ tâm thần", đến cả bác sĩ cấp khống hồ sơ bệnh án.
Công lý có thể đến chậm, nhưng không quên. Và, lần này, những kẻ từng rao giảng luật rừng bằng giấy tờ giả mạo, đang phải trả giá thật. Bởi, khi bánh xe pháp luật chuyển động thì dù có "sổ tâm thần", giấy phép hay cả tập hồ sơ "hợp thức hóa” tội ác, cũng không ngăn nổi chiếc còng số 8 lặng lẽ khép lại dứt khoát, lạnh lùng và công bằng.