Cơn sốt vàng bao giờ hạ nhiệt?

Thứ Ba, 29/04/2025, 12:56

Giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục mới trong thời gian qua, vượt qua mọi dự đoán. Sự tăng giá “điên cuồng” này không chỉ phản ánh vai trò trú ẩn an toàn của vàng mà còn hé lộ những căng thẳng kinh tế, chính trị toàn cầu.

Giá trị vững chắc theo thời gian

Tài liệu cổ nhất cho thấy, người Lydia là những người đầu tiên đúc tiền vàng để sử dụng như một phương tiện trao đổi khoảng 700 năm trước công nguyên (TCN). Tuy nhiên, lịch sử nhân loại ghi nhận vàng như một tài sản có giá trị từ rất lâu trước đó. Trong hàng nghìn năm, vàng đã được sử dụng như một đơn vị lưu trữ giá trị và phương tiện thanh toán trên khắp thế giới.

Thế kỷ 17, với cuộc cách mạng công nghiệp, vàng dần bị thay thế bằng các loại tiền giấy trong giao dịch trực tiếp. Nhưng đến năm 1971, khi nước Mỹ chấm dứt chuyển đổi đồng tiền của mình (USD) sang vàng mới đánh dấu sự kết thúc chế độ “bản vị vàng” để chuyển sang “tiền pháp định” dựa trên niềm tin của chính phủ phát hành. Từ đây, vàng không còn là một loại tiền tệ nữa nhưng nó chưa bao giờ mất đi chỗ đứng của mình.

Cơn sốt vàng bao giờ hạ nhiệt? -0

Với những ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực công nghệ điện tử, hàng không vũ trụ, y học, vật liệu,... đặc biệt là trang sức, vàng luôn hiện diện trong mọi mặt đời sống. Tính quý hiếm của vàng khiến nó giữ được giá trị trường tồn theo thời gian. Vì vậy, mỗi khi khủng hoảng xảy ra, vàng lại thể hiện được giá trị của mình. Trong lĩnh vực tài chính, chúng ta đã không ít lần chứng kiến mỗi khi thị trường chao đảo, vàng lại tỏa sáng như “bến đỗ” an toàn. Đại dịch COVID-19 (2020-2021) là minh chứng rõ rệt. Trong khi chỉ số chứng khoán Mỹ lao dốc 34%, giá vàng tăng 25%. Xu hướng này lặp lại trong khủng hoảng năng lượng 2022, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đẩy vàng lên 2070 USD/ ounce.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng trung ương đã mua ròng 1136 tấn vàng trong năm 2022 (mức cao nhất 55 năm) để dự trữ, phản ánh niềm tin vào tính độc lập của vàng trước rủi ro địa chính trị. Khác với tiền pháp định, vàng không phụ thuộc vào chính sách của bất kỳ quốc gia nào, biến nó thành “đồng tiền chung” đáng tin cậy hơn khi niềm tin vào những đồng tiền khác suy yếu.

Dưới con mắt của các nhà quản lý tài chính, vàng còn là công cụ chống lạm phát hiệu quả. Giai đoạn 1973-1980, khi lạm phát Mỹ tăng vọt từ 6% lên 14%, giá vàng bùng nổ từ 35 USD lên 850 USD/ounce – tăng hơn 2.300%, hút một lượng tiền đáng kể để kiềm chế lạm phát. Cơ chế này bắt nguồn từ nguồn cung hữu hạn của vàng (chỉ tăng 1-2%/năm), trái ngược với lượng tiền in ồ ạt của các ngân hàng trung ương. Khi lãi suất thực âm, vàng trở nên hấp dẫn nhờ “giá trị thực” không đổi. Các chuyên gia tài chính thường nói: “Lạm phát là kẻ thù của các tài sản định danh, nhưng lại là bạn đồng hành của vàng”.

Dựa trên giá trị của vàng, nó cũng biến thành một sản phẩm đầu tư quan trọng giúp cân bằng danh mục. Nghiên cứu của Đại học Cambridge chỉ ra rằng việc phân bổ 10% vào vàng có thể giảm 30% biến động tài sản. Trong khi cổ phiếu hưởng lợi từ tăng trưởng, vàng đóng vai trò “bảo hiểm” khi thị trường sụt giảm, như năm 2008, khi cổ phiếu Mỹ mất 38%, vàng tăng 5%. Dù thế giới chứng kiến sự trỗi dậy của tiền số hay các tài sản mới, vàng vẫn giữ vị thế nhờ tính thanh khoản cao, lịch sử lâu đời và nguồn cung khan hiếm. Không chỉ là “bảo hiểm rủi ro”, vàng còn là công cụ chiến lược để các quốc gia bảo vệ chủ quyền tài chính.

Cơn sốt vàng bao giờ hạ nhiệt? -0

Giải mã cơn sốt

Dẫu giá trị của vàng là không thể phủ nhận thì sự tăng giá “điên cuồng” trong thời gian qua của vàng vẫn khiến cho chúng ta phải ngỡ ngàng. Trong 3 tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới đã tăng 26%, mức tăng nhanh nhất trong lịch sử. Hiện giá vàng thế giới đã vượt 3.300 USD/ounce, còn giá vàng trong nước chạm mốc 120 triệu đồng/lượng (hôm 18/4/2025), mức cao nhất lịch sử. Điều gì đang xảy ra?

Thế giới bước vào năm 2025 với những triển vọng đầu tư không lý tưởng. “Cơn bão” thực sự bắt đầu khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng hôm 20/1/2025. Việc Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng với những chính sách gây sốc của mình như ký hơn 100 lệnh hành pháp mới ngay trong ngày đầu nhậm chức, đặc biệt là cuộc chiến thuế quan mới bùng nổ từ đầu tháng 4 đã đẩy giá vàng lên tới đỉnh điểm. Ngoài mức thuế chung 10% với toàn bộ hàng hóa vào Mỹ thì thuế quan đối kháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt mức 125% được công bố khiến thị trường lo ngại suy thoái kinh tế sẽ đến.

Goldman Sachs (ngân hàng lớn nhất nước Mỹ) mới đây đã đưa ra dự đoán 45% khả năng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong 12 tháng tới nên vàng lập tức quay trở lại với vị thế công cụ phòng ngừa rủi ro của mình. Chỉ trong 2 tuần sau khi ông Trump công bố mức thuế đối ứng hôm 2/4/2025, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 7%.

Những biện pháp “gây sốc” của ông Trump đã làm tụt giá đồng USD khoảng 10% so với mức đỉnh tháng 1/2025, chạm mức thấp nhất trong 3 năm qua so với các đồng tiền chủ yếu khác như bảng Anh, euro hay yên Nhật. Vàng và USD có mối quan hệ nghịch đảo, vàng rẻ hơn với nhà đầu tư quốc tế khiến họ có thể mua vàng nhiều hơn. Mới đây ông Trump còn tuyên bố sẽ sa thải Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) vì giảm lãi suất quá chậm so với mong muốn của ông. Nếu điều này thực sự xảy ra, không chỉ nỗi ám ảnh lạm phát sẽ quay trở lại mà sức hút của trái phiếu Mỹ cũng sẽ giảm. Điều này có nghĩa là đồng USD sẽ tiếp tục mất giá sâu hơn nữa, tạo cơ hội cho vàng tăng.

Không chỉ tại Mỹ, những tín hiệu giảm lãi suất liên tiếp từ châu Âu, Nhật và Trung Quốc thời gian gần đây cho thấy chủ trương nới lỏng tiền tệ đang được thực thi rộng khắp sẽ khiến cho vàng tiếp tục trở thành tài sản hấp dẫn hơn trên khắp thế giới.

Trong khi đó, bối cảnh chung của địa chính trị toàn cầu kể từ khi ông Trump lên nắm quyền chưa có dấu hiệu nào thay đổi. Trái với những tuyên bố mạnh mẽ khi tranh cử như “kết thúc cuộc chiến Ukraine trong 1 ngày” hay “lập lại hòa bình cho Trung Đông”, tình hình xung đột ở các khu vực này vẫn diễn ra phức tạp. Những căng thẳng mới giữa Mỹ với Iran gần đây còn khiến cho giới quan sát quốc tế thêm lo ngại về tình hình bất ổn trong khu vực.

Cơn bão chưa kết thúc?

“Khi vàng tăng có nghĩa là đang có bất ổn”, đây là một mệnh đề được mặc định chấp nhận trong giới tài chính. Giá vàng không thể tăng mãi nhưng trong ngắn hạn thì nó cũng chưa thể giảm tình hình địa chính trị thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, cuộc đối đầu thuế quan chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong một kịch bản mới nhất, Goldman Sachs dự báo giá vàng có thể đạt 3.700 USD/ounce cuối 2025 và 4000 USD vào giữa 2026. Ngân hàng hàng đầu ở khu vực châu Á là ANZ dự báo giá vàng sẽ sớm vượt 3.600 USD/ounce.

Bất ổn khiến cho nhu cầu mua vàng vẫn tăng cao bất chấp giá cả. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng dự trữ vàng trong 5 tháng liên tiếp cho đến tháng 3/2025. Theo thông báo từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), trong 2 tháng đầu năm 2025, ngân hàng trung ương các nước đã mua ròng 42 tấn vàng. Các quỹ mở ETF có lẽ cũng cảm nhận được sự bất an nên tăng cường đầu tư vào vàng để bảo vệ giá trị của mình với mức mua ròng lên tới 21 tỷ USD (tương đương 226 tấn vàng) chỉ riêng trong quý I/2025, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Những yếu tố địa chính trị bất ổn trên thế giới, căng thẳng trong tranh chấp thương mại giữa Mỹ với các nước, chính sách tiền tệ lỏng lẻo và cả như cầu tích trữ phòng ngừa rủi ro là những lý do khiến giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Với vai trò là tấm gương phản chiếu nền kinh tế toàn cầu, giá vàng đã phản ánh rõ những diễn biến bất ổn của thế giới trong thời gian qua và sẽ tiếp tục là thước đo quan trọng của nền kinh tế.

Trong một kịch bản lạc quan, nếu đàm phán thuế quan giữa Mỹ-Trung Quốc thành công trong thời gian tới, giá vàng sẽ giảm 10-15%. Tuy nhiên, khi giá vàng đã bị đẩy lên đến mức cao như hiện nay, nó sẽ neo lại đó và tiếp tục trở thành một thách thức với các nhà đầu tư trong tương lai.

Tiểu Phong
.
.