Trào lưu gặp ngoài đời thực với... bạn trai ảo

Thứ Năm, 03/07/2025, 10:34

Trong thời kỳ đại dịch, các cô gái trẻ trên khắp Trung Quốc đã mê mẩn những nhân vật nam đẹp trai trong một loạt trò chơi điện tử lan truyền. Giờ đây, nhiều người đang thuê chuyên gia hóa trang để đưa người yêu ảo của họ vào cuộc sống.

Dịch vụ mới cho sự lãng mạn

Buổi hẹn hò đầu tiên của Rynee Ren ở thành phố Ninh Ba (Chiết Giang) với Zuo Ran chính là tất cả những gì cô từng mơ ước. Họ đã chơi đu quay trong công viên, ghé thăm một cửa hàng nước hoa, nơi họ cùng nhau tạo ra mùi hương độc đáo của riêng mình… Trước khi chia tay, họ thậm chí còn trao nhau một nụ hôn nồng cháy. Tất cả đều thật sự hoàn hảo, trừ một vấn đề duy nhất là Zuo Ran không phải là người yêu thật sự của Ren. Người mà Ren hôn thực chất là một nữ diễn viên hóa trang, được cô thuê để vào vai Zuo Ran - một nhân vật trong trò chơi điện tử yêu thích của cô.

Đây chỉ là một phần trong thế giới đầy thú vị của “nhiệm vụ hóa trang” - một dịch vụ mới cực kỳ phổ biến đang giúp các cô gái trẻ trên khắp Trung Quốc đưa bạn trai ảo của họ vào cuộc sống. Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều cô gái trẻ Trung Quốc thay vì có các mối quan hệ ngoài đời thực, lại tìm kiếm sự lãng mạn trong các trò chơi điện tử. Các thành viên của làn sóng văn hóa mới này tự nhận là “những cô gái trong mơ” với niềm say mê phát triển tình yêu mãnh liệt cùng các nhân vật nam trong trò chơi và sẵn sàng chi hàng ngàn USD để mở khóa các cấp độ mới.

 “Những cô gái trong mơ” như Ren chấp nhận thuê những người hóa trang chuyên nghiệp để đóng giả các nhân vật, sau đó tổ chức các buổi hẹn hò công phu cho hai người hoặc có cả sự góp mặt của những người thân yêu của họ. “Tôi thực sự cảm thấy sự hiện diện của Zuo Ran du hành từ hai chiều không gian đến thế giới thực. Người hóa trang đã mang lại trải nghiệm vừa thực tế, vừa hữu hình”, Ren tâm sự.

Trào lưu gặp ngoài đời thực với... bạn trai ảo -0
Poster cho trò chơi “Love and the Producer” phủ kín tường của một quán cà phê ở Thượng Hải năm 2020. Ảnh: VCG.

Tình yêu kỹ thuật số

“Nhiệm vụ hóa trang” bắt nguồn từ thế giới trò chơi otome lần đầu tiên được phát triển tại Nhật Bản vào những năm 1990. Đây là những trò chơi điện tử theo cốt truyện khuyến khích người chơi nữ phát triển mối quan hệ lãng mạn với các nhân vật nam đẹp trai trong trò chơi. Trò chơi otome lan sang Trung Quốc vào những năm 2010 và nhanh chóng thu hút được lượng đông đảo khán giả nữ. Năm 2017, "Love and the Producer" - một trò chơi về một giám đốc truyền thông cố gắng xây dựng sự nghiệp trong khi hẹn hò với bốn người bạn tâm giao tiềm năng, đã nhận được hơn 7 triệu lượt tải xuống. Từ đó, câu chuyện về “những cô gái trong mơ” chi hàng chục nghìn nhân dân tệ (NDT) vào trò chơi khi họ cố gắng làm sâu sắc thêm mối quan hệ của mình với các nhân vật ngày càng nhiều.

“Điều này không phải vì trò chơi có công nghệ cao. Đồ họa trung bình và các tương tác trong trò chơi được lập trình sẵn. Nhưng các nhân vật nam có sức hấp dẫn mạnh mẽ về mặt cảm xúc, đặc biệt là đối với những người chơi nữ", Sun Yuannan, một giảng viên tại Đại học Sư phạm Sơn Đông, người nghiên cứu tác động của trò chơi otome đối với nữ giới cho biết. "Càng chơi, họ càng thấy cần thiết hơn. Khi lượng thời gian và tiền bạc dành cho trò chơi đạt đến một mức độ nhất định, cảm xúc của một người đối với các nhân vật ảo sẽ thay đổi... và cảm giác giống như một mối quan hệ lãng mạn ngoài đời thực", Yuannan phân tích thêm.

Sự phổ biến của trò chơi thậm chí còn tăng cao hơn nữa trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bởi nhiều người trẻ đã chuyển sang chơi game otome để giải khuây. Ren kể rằng, trước đại dịch, cô giành được suất học tại một trường đại học ở Australia, nhưng lệnh cấm đi lại năm 2020 khiến cô bị kẹt ở Trung Quốc. Trong hai năm tiếp theo, cô tham gia các lớp học trực tuyến tại nhà và gặp khó khăn trong việc gặp gỡ những người mới. Sau đó, Ren tìm thấy Zuo Ran. Anh là một trong những nhân vật chính trong trò chơi otome “Tears of Themis” kể về một luật sư ngôi sao tại một công ty quyền lực.

Ở nơi làm việc, anh có vẻ lạnh lùng và xa cách, nhưng bên ngoài văn phòng, anh trở nên ngọt ngào và chu đáo. Ren đã phải lòng Zuo Ran và dành hàng giờ trò chuyện với anh qua các cuộc gọi thoại cùng tin nhắn văn bản theo kịch bản của trò chơi, tiêu tốn khoảng 15.000 NDT (tương đương 2.200 USD). Và khi Ren nhận ra rằng họ có thể gặp nhau ngoài đời, cô quyết định lên lịch cho cuộc hẹn đầu tiên.

Thực tế, từ cuối năm 2022, các bài đăng của những cô gái trẻ về các buổi hẹn hò với người hóa trang bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Dần dần “những cô gái trong mơ” khác cũng đăng quảng cáo tìm kiếm người hóa trang trên trang thương mại điện tử Xianyu hoặc các nền tảng xã hội như Douyin và Xiaohongshu. Mỗi quảng cáo nêu rõ nhân vật mà người hóa trang sẽ phải nhập vai, mức phí và liệu người hóa trang có cần phải sẵn sàng hôn hay không. Sau đó, những người hóa trang liên hệ và sắp xếp một cuộc hẹn hò.

Các buổi gặp gỡ thường bao gồm các hoạt động hẹn hò thông thường như: ăn uống, đi mua sắm hoặc tham quan công viên giải trí. Những người hóa trang thường tính phí 100-200 NDT (14,50-29 USD) cho một giờ. Đương nhiên tiền cho các hoạt động này cũng như các bữa ăn là do “những cô gái trong mơ” chi trả. 

Trào lưu gặp ngoài đời thực với... bạn trai ảo -0
Jony Lin tham gia lớp học làm bánh với người hóa trang bạn trai ảo ở Thượng Hải. Một ngày trước ngày đó là sinh nhật của Lin. Ảnh: Sixth Tone.

Giấc mơ và giá trị cảm xúc

Khi bị chế giễu là những kẻ cô đơn, không thể đối phó với các mối quan hệ thực sự, “những cô gái trong mơ” đã phản bác rằng họ chỉ thích bạn trai ảo hơn là đàn ông ngoài đời thực. Nhiều cô gái trẻ ở Trung Quốc cảm thấy rằng các mối quan hệ ngoài đời thực có thể gây thất vọng và đôi khi nguy hiểm. Một số “cô gái trong mơ” thì bị mất lòng tin vào đàn ông. Đó cũng là lý do mà những người hóa trang được thuê hầu như luôn là phụ nữ; tức là khách hàng có xu hướng thích một môi trường toàn nữ cho các buổi hẹn hò của họ, ngay cả khi những người hóa trang đó đóng vai nam.

“Những người đàn ông có thể là giấy, acrylic, sắt hoặc ảo, nhưng họ không thể là người thật. Một môi trường an toàn và được kiểm soát là tất cả những gì chúng tôi muốn”, Jony Lin, một “cô gái trong mơ” 26 tuổi đến từ Thượng Hải cho biết.

Và những người hóa trang đã nỗ lực hết sức để mang đến cho khách hàng của họ trải nghiệm hẹn hò chân thực nhất có thể. Nhiều người đi giày đế xuồng, mặc bộ đồ bó sát hoặc mang áo với miếng đệm vai to bản để phù hợp với ngoại hình của bạn trai ảo. Họ cũng nỗ lực rất nhiều để nhập vai. “Cô ấy đã nghiên cứu trước vai trò bạn trai ảo của tôi và học cách nói chuyện của anh ấy. Một chi tiết dễ thương khác mà tôi thấy đáng nhớ là khi chúng tôi đang đợi đèn xanh, gió thổi tung váy tôi và cô ấy ngay lập tức đứng sau để giúp tôi che chắn”, Lin nhớ lại.

Nhưng những trải nghiệm hẹn hò thật đôi khi lại khiến “cô gái trong mơ” cảm thấy mình quá đắm chìm trong thế giới ảo. Ren cho biết, cô thấy khó để tiếp tục và trở lại cuộc sống bình thường sau buổi hẹn hò đầu tiên. “Tôi gần như đã trở thành kẻ theo dõi người hóa trang mà tôi thuê. Tôi liên tục kiểm tra các trang mạng xã hội khác nhau của cô ấy, cố gắng tuyệt vọng để tìm xem cô ấy đang làm gì vào lúc đó”. Có lúc, Ren thậm chí còn cân nhắc đến việc đưa cho người hóa trang một khoản tiền lớn để cô này ngừng hẹn hò với “những cô gái trong mơ” khác với tư cách là Zuo Ran bởi cô biết từ mạng xã hội rằng, nhiều “cô gái trong mơ” khác đã làm điều này.

“May mắn thay, một người bạn đã ngăn tôi. Cô ấy nhắc tôi rằng tình yêu của tôi dành cho người hóa trang chỉ là ảo tưởng và phù du và tôi nên tiêu tiền trong trò chơi để ủng hộ Zuo Ran thực sự, người sẽ không bao giờ thay đổi suy nghĩ về tôi”, Ren cho hay.

Một số chuyên gia lo ngại rằng những người hóa trang sẽ dễ dàng lợi dụng sự say mê của khách hàng để làm điều xấu. PGS Wu Yue thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: “Ngay cả khi cả hai đều là phụ nữ, mô hình kinh doanh này chắc chắn sẽ bị biến tướng nếu chỉ dựa vào các thỏa thuận bằng lời nói và thanh toán riêng tư, không có sự đảm bảo của bên thứ ba”. Một mối lo khác là các trò chơi otome mang đến cho các cô gái trẻ những kỳ vọng không thực tế về mối quan hệ yêu đương trong tương lai của họ. Một người đàn ông thực sự có bao giờ sống theo lý tưởng mà các nhân vật như Zuo Ran thể hiện?

PGS Yue và Yuannan đã khảo sát hơn 600 người chơi otome và nhận định: “Các nhân vật ảo trong trò chơi, những người thay thế do các nữ hóa trang thủ vai... họ quá trong sáng, quá lý tưởng và không liên quan đến thực tế hay có nam tính thực sự. Điều này tác động rất nhiều đến tư duy của các cô gái trẻ cũng như ảnh hưởng đến tương lai của mối quan hệ nam-nữ trong xã hội”.

Chu Nguyễn
.
.