Lễ ôm gối thỉnh an

Thứ Bảy, 12/07/2025, 09:13

Vua Minh Mạng qua đời cuối năm 1841, Vua Thiệu Trị lên nối ngôi. Sau khi hoàn thành lăng mộ cho vua cha (Hiếu lăng), Vua Thiệu Trị cho dựng bia "Thánh đức, thần công" ca ngợi công đức, trong đó, khen ngợi Vua Minh Mạng: "Lựa dùng người tài, thì ai nấy đều được thích hợp.

Kẻ làm thiện, dù việc nhỏ đến đâu cũng ghi khen, kẻ có công, dù ở xa đến đâu cũng được biết đến. Ôm gối thân mật, coi bề tôi như con; chia đất thưởng phong, với nước cùng hưởng phúc".

Vậy, "ôm gối thân mật" là gì? Đó là nghi lễ đặc biệt mà Vua Minh Mạng đặt ra vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), dành cho bề tôi có công trạng.

b.jpg -0
Bia "Thánh đức, thần công" ở Hiếu lăng, ghi về nghi lễ bão tất mà Vua Minh Mạng đặt ra.

Bộ chính sử triều Nguyễn "Đại Nam thực lục" (Chính biên, đệ nhị kỷ), chép rằng vào năm ấy: "Bắt đầu cho bầy tôi có công được làm lễ ôm đầu gối vua (lễ bão tất). Trước đây, đại viên thống lĩnh 3 đạo Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên về Kinh, chiêm cận (gặp mặt vua). Vua dụ Nội các rằng: "Đề đốc Phạm Văn Điển, Tổng đốc Tạ Quang Cự và Lê Văn Đức, 2 lần đi đánh giặc, 3 năm được có thành tích, trải bao gian nan hiểm trở nên công lớn. Đó tuy là đạo bề tôi làm theo bổn phận nên làm, nhưng hết sức khó nhọc vì nước, để ta được thư lòng lo về miền Bắc, thì há có lẽ nào nỡ không hậu đãi họ sao?

Vậy, ra lệnh cho Bộ Lễ soạn nghi tiết, chọn ngày tốt, ta sẽ ngự cửa đại cung, chuẩn cho các đại thần đã rút quân về đó tiến vào chầu. Ban cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự và Lê Văn Đức làm lễ ôm đầu gối, để tỏ cho biết là ta coi họ như lũ hoàng tử mua vui ở dưới gối. Đó là lễ do ta bắt đầu đặt ra, kể về tình, rất là thân ái. Tình và lễ giữa vua và tôi không gì hơn được nữa. Vậy nên đem ý này truyền dụ trước cho họ biết".

Nghi lễ này, có lẽ Vua Minh Mạng học hỏi từ lễ của triều Thanh. Nghi lễ này được ghi trong sự kiện Vua Quang Trung (giả) cùng phái đoàn sang nhà Thanh dự lễ "bát tuần khánh thọ" (mừng thọ 80 tuổi) của Vua Gia Long năm Canh Tuất (1790). Sự việc này được các sử quan trong Quốc sử quán triều Nguyễn chép trong bộ "Đại Nam liệt truyện" (sơ tập, quyển 30: Ngụy Tây (Tây Sơn) Nguyễn Văn Huệ):  "Vua nước Thanh muốn nêu khen khác mọi người thưởng cho rất hậu. Đến hành cung Nhiệt Hà, vào chầu ra mắt, làm lễ bảo tất. Vua cầm bút viết 4 đại tự: "Củng cực quy thành", nghĩa là "chầu vào ngôi sao bắc cực đem lòng thành thực quy phục" và một câu đối".

Trong tiểu thuyết lịch sử "Hoàng Lê nhất thống chí" của Ngô Gia văn phái, cũng viết: "Khi "quốc vương" tới Yên Kinh, vua Thanh mừng lắm, không hề biết đó là Quang Trung giả. Lúc "quốc vương" vào yết kiến, vua Thanh cho cùng ăn yến với các vị thân vương, lại ban ơn đặc biệt cho làm lễ ôm gối hệt như tình cha con trong nhà...".

Danh sĩ đương thời Ngô Thì Nhậm, trong một bức thư thay mặt Vua Quang Trung gửi sang nhà Thanh cũng từng viết: "Nay ôm gối mà vấn an là lễ đối với thân vương, thế là đại hoàng đế đặc cách dùng lễ ấy đãi ngộ quốc vương nước tôi, và không lấy thế làm hiềm...".

Theo sử sách nhà Thanh, trong suốt 60 năm Vua Càn Long trị vì, nghi lễ "ôm gối thỉnh an" này chỉ được tổ chức có vài lần, như những khi chào đón các tướng A Quế và Triệu Huệ thắng trận từ Tây Vực trở về, cho nên với các sử gia nước ta thời Tây Sơn thì việc Vua Quang Trung (giả) được Vua Càn Long cho thực hiện nghi lễ ấy là vinh dự to lớn.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, trong các sách của mình như cuốn "Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông" lại cho rằng nghi lễ đó gọi là "Lễ bảo kiến", khi bề tôi được vào gặp hoàng đế thì ngay từ xa đã phải quỳ lạy, rồi khi đến gần lại lạy một lần nữa, sau đó mới thi hành lễ bảo kiến. Khi hành lễ thì hoàng đế ngồi nhận lễ, người hành lễ tới gần ôm lấy đầu gối nhà vua. Nhà vua vòng tay ôm dưới nách người dưới. Nếu như người dưới có địa vị cao hay tuổi tác lớn thì nhà vua đứng lên nhận lễ hoặc hướng về bên kia hoàn lễ" (trích từ “Thanh cung tương kiến lễ nghi”, trong bộ “Thanh đại cung sử thám vi”).

Còn ở triều đình nhà Nguyễn, lễ bão tất đầu tiên mà Vua Minh Mạng sai triển khai được tiến hành như sau: "Vua ngự cửa đại cung, cho Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự và Lê Văn Đức lần lượt được làm lễ ôm đầu gối. Làm lễ xong, lại tuyên chỉ cho bọn Tham tán Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Thụy, Nguyễn Tiến Lâm và Hồ Hựu được tiến vào, vua đều chính tay rót rượu ban cho".

Trình tự buổi lễ thực hiện theo nghi tiết Bộ Lễ quy định: Trước lễ 1 ngày, các quan chuẩn bị việc bày ngai, treo màn trướng ở gian chính giữa cửa đại cung, đến sáng sớm chính nhật, rước vua lên ngự bảo tọa. Hoàng tử, các tước công, văn võ phẩm quan đều mặc áo thường triều, theo ban thứ đứng hầu. Các quan Thống soái, Tham tán đều mặc áo đại triều, từ ban bên tả, rảo bước đến sân rồng, làm lễ chiêm cận. Dâng ấn quan phòng về việc quân của Đề đốc, Tổng thống, Tổng đốc, Thống đốc và Tham tán đi đánh dẹp xong rồi, Bộ Binh trước hết dẫn Đề đốc Phạm Văn Điển do bên tả đường ống (lối đi hai bên có tường cao), lên bên Đông thềm giữa, đến phía trước bảo tọa, quỳ, phủ phục xuống đất, đợi tuyên chỉ tiến lên. Điển giắt hốt vào đai, đi bằng đầu gối, tiến lên. Vua duỗi một chân ra, Điển chìa hai tay ôm lấy, ngẩng lên, khấu đầu một cái. Được đặc chỉ ban khen và thưởng, Điển liền giơ lên trán, nhận lĩnh, rồi lại khấu đầu một cái, đi bằng đầu gối lui ra đến chỗ phủ phục trước, cầm hốt, lại khấu đầu một lần nữa, rồi rảo bước đi ra. Thứ đến dẫn Tổng đốc Tạ Quang Cự; lại thứ nữa, dẫn Tổng đốc Lê Văn Đức, đều như nghi tiết trước.

Sau đó, Bộ Binh vâng mệnh dẫn Tham tán Nguyễn Công Trứ từ gian tả nhị, lên thềm, đến bên chỗ vua ngồi, hơi lệch về phía Bắc, quỳ xuống giắt hốt vào đai, được phụng chỉ khen ngợi. Chính tay vua ban rượu, Trứ kính cẩn lĩnh lấy, uống rồi giao lại chén cho thị vệ đón lấy. Trứ làm lễ khấu đầu một cái, cầm hốt rảo bước đi ra.

Thứ đến, dẫn Lê Văn Thụy, Nguyễn Tiến Lâm và Hồ Hựu vào nghi tiết cũng như trước. Rồi các Thống soái, Tham tán đều làm lễ tạ ơn mà lui.

Sau khi tiến hành lễ, Vua Minh Mạng ban thưởng cho Phạm Văn Điển một con ngựa bằng vàng, để khen công lao "hãn mã" (nghĩa đen là đổ mồ hôi ngựa, tức khó nhọc đánh trận); Tạ Quang Cự: một con hươu bằng vàng, để mong được hưởng tước lộc lâu dài; Lê Văn Đức, một con lạc đà bằng vàng, để khuyến khích mang nặng đi xa. Bọn Nguyễn Công Trứ được thưởng cho đồ chơi bằng ngọc trắng và mã não mỗi thứ một cái. Lại cho bọn Thống soái, Tham tán ăn yến ở công đường Bộ Lễ, quân lính ăn yến ở cửa Chấn Hanh, ăn yến xong, xem hát một ngày.

Sau đó, năm Minh Mạng thứ 18 (1837), vào tháng 9, khi Tướng quân Trấn Tây là Trương Minh Giảng về đến kinh bệ kiến, cũng được hưởng nghi lễ "bão tất" và được nhà vua ban cho một cái nhẫn bằng hoàng kim. Nhà vua dụ Nội các rằng: "Triều đình ưu đãi đại thần có công, đặt ra lễ ôm gối, là ý kiến tỏ ra thân ái tin dùng, lẽ ấy rất long trọng khác thường. Khi trước các quan to đem thống quân đi đánh dẹp, như bọn Phạm Văn Điển, Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức, Phạm Hữu Tâm đều đến ngày khải hoàn, cho làm lễ ôm gối, để tỏ lễ số khác thường. Nay, Trương Minh Giảng, trước đây phụng mệnh đi đánh giặc Khôi, sau lại dẹp yên giặc Xiêm, nhân nghĩ biên giới Trấn Tây là nơi quan trọng, vẫn ở lại trị yên, tính đốt tay đến nay đã 5 năm, tuy không ví như các thống binh, sau khi xong việc liền khải hoàn ngay, nhưng nghĩ khi ấy đi đánh, chính là lúc khi giặc đương thịnh, thế mà một trận đánh ở Biên Hòa, Vĩnh Long, đầu tiên nén được sức mạnh của giặc, nghịch tặc từ đó sợ hãi mất vía, giữ cô thành khốn đốn, dễ cho ta đánh giữ. Việc ấy thực là quân công thứ nhất. Sau giặc Xiêm đem cả nước đến xâm chiếm, đã vượt qua Hà Tiên, Châu Đốc, đi xa vào sâu, Giảng lại phải đem số quân mấy nghìn, dùng cách lấy ít chống nhiều, ứng biến nghĩ ra mưu lạ, nhiều lần được đại thắng trận, bọn giặc sợ trốn, biên giới vỗ yên, thì so với công của các quan ta đem quân khi trước, thực có phần hơn, không phải là không kịp. Nay, nhân vào chầu, nên nêu rõ ân vinh đặc biệt, cho đến ngày 19 tháng này làm lễ ôm gối".

Hôm đó, nhà vua ngự điện Cần Chính, cho Trương Minh Giảng làm lễ ôm gối, tự tay rót rượu ban cho, lại cho một hình con hổ bằng vàng và bảo rằng: "Tướng quân dẹp yên giặc cướp, trị yên biên cương, để trẫm không phải lo ở phía Tây, nên đặc cách cho con hổ vàng này, là lấy nghĩa hổ thần mạnh mẽ. Ngươi phải cố gắng để cùng nước hưởng phúc". Chiều hôm ấy vua ngự điện Đông Các, thân làm bài thơ ban cho, nhân bảo thị thần rằng: "Đế vương đời xưa, làm thơ ban cho bề tôi có công, hoặc giả làm các chữ lão ngưu (trâu già), không phải là ý lấy lễ đãi bầy tôi, nên trẫm không dùng chữ ấy".

Vua triệu Trương Minh Giảng hỏi chỗ ở xa hay gần và bảo nên tránh nắng gió. Giảng thưa rằng: "Thần ngày thường quen với chăm chỉ khó nhọc, không từng kiêng tránh". Vua bảo rằng: "Ngươi nay, thân đảm đương trách nhiệm nặng, không thế, sao làm nổi việc, trẫm ở trong cung, cũng thường thủng thỉnh đi chơi xem để tập chăm chỉ khó nhọc, không những khỏi phải nhàn rỗi bỏ việc, mà cũng là một phép thêm thọ".

Sau đó, nhà vua sai chế bài ngà khắc chữ "Trấn Tây tướng quân" cho Trương Minh Giảng đeo.

Với hai lần tổ chức lễ "bão tất" cho bề tôi có công, nên Vua Triệu Trị mới khen ngợi Vua Minh Mạng "Ôm gối thân mật, coi bề tôi như con". 

Lê Tiên Long
.
.