Hé lộ bí mật kết cấu thành cổ Hoa Lư

Thứ Bảy, 05/07/2025, 10:03

Trải qua bao biến cố lịch sử, sự xâm hại của thiên nhiên và cả con người, hệ thống tòa thành cổ Hoa Lư bao gồm 13 đoạn thành đắp dựng nối liền với dãy đá vôi sừng sững, đã và đang tan vụn trong lòng đất. Đợt khai quật khảo cổ thành cổ Hoa Lư (đoạn thành Dền) kết thúc hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên cho phép chúng ta hiểu biết cụ thể hơn về cấu trúc, kết cấu và kỹ thuật đắp thành của người Việt xưa, qua đó cung cấp những dữ liệu cần thiết để có thể phục hồi các đoạn thành trong tương lai. Nhưng cũng từ đây đang hé lộ không ít lo ngại về phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

1. Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, thành cổ Hoa Lư (đoạn thành Dền thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên, TP Hoa Lư) đã được khai quật "chữa cháy" nhưng cũng chỉ nhận diện bước đầu, chưa có thông tin gì nhiều. Mãi đến gần đây đoạn thành Dền vẫn được sử dụng với chức năng là đê bao sông Hoàng Long và chỉ mới bị loại bỏ đầu năm 2025 để trả lời cơ quan quản lý di tích. Người dân địa phương cho biết, những năm 60 đã có lần dân công thủy lợi đắp đê ở khu vực này. Năm 1982 lũ vẫn tràn qua đê và đến 1984 được đắp thêm lần nữa cao thêm gần 1m bằng đất đào ở ruộng phía trong.

Năm 2004, một doanh nghiệp san đổ cốt đường bằng đất núi, đổ thêm lu chặt dày trên 1m. Như vậy, từ mặt bằng thành phải đào thêm gần 2,5m mới hết lớp đất bồi đắp đê từ những năm 60 đến nay. Có lẽ cũng vì những yếu tố này nên du khách tham quan cố đô Hoa Lư không thể nhận biết đoạn thành cổ mang tên dân gian thành Dền.

Hé lộ bí mật kết cấu thành cổ Hoa Lư -0
Hiện trường khai quật khảo cổ thành cổ Hoa Lư, đoạn thành Dền.

Theo thực địa, thành Dền được đắp đất nối các núi để bao bọc phía Bắc thành Nội của kinh đô Hoa Lư. Thành Dền gồm hai đoạn, đoạn thứ nhất nối từ núi Sau Cái (hay còn gọi là núi Hàm Xà hoặc Cổ Dải) sang núi Cánh Hàn. Đây là đoạn tường thành dài nhất trong số các đoạn thành của kinh đô Hoa Lư với chiều dài 500m. Đoạn thứ hai từ núi Cánh Hàn sang núi Hang To (còn gọi là núi Nghẽn), là một đoạn tường thành phụ cùng một tuyến, dài 150m. Cuộc khai quật nghiên cứu thành Dền nhằm nghiên cứu làm sáng tỏ như kỹ thuật, cách thức và niên đại xây dựng, cũng như chức năng và đóng góp của nó trong tổng thể Kinh đô Hoa Lư.

Thành Dền là một di tích nằm ở phía Bắc của thành Nội là một bức tường thành phía ngoài cùng của thành Nội giáp với sông Hoàng Long, chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài trên 500m nối giữa hai dãy núi chắn bên tả ngạn sông Hoàng Long tạo thành một vị trí phòng thủ vô cùng vững chắc cho Kinh đô Hoa Lư. Tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã mở hố khai quật ở hai vị trí: Hố thứ nhất được mở ở phía Tây của thành Dền, diện tích 150m2, sau đó được mở rộng khai quật thành 450m2 hướng Đông Bắc - Tây Nam (450) cắt ngang thân tường thành. Bề mặt mở hố là bề mặt của đê hiện tại. Hố đào cách núi Hang Sáo 115m. Hố thứ hai được mở ở đầu phía Đông của thành Dền với diện tích 150m2 (10 x 15m).

2. Sau hơn ba tháng khai quật, nhóm khảo cổ (Viện Khảo cổ) bước đầu có thể nhận thấy dấu tích thành Dền ở thế kỷ X đã bị bao phủ toàn bộ bởi các lớp đê bao sông Hoàng Long được đắp từ giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX và mới hết chức năng sử dụng vào đầu năm 2025. Đối với tường thành thế kỷ X, qua các dấu tích của đợt khai quật ghi nhận thành Dền rộng 16,5m với cấu trúc: Móng tường gồm có hai phần, gia cố móng và bo móng tường. Phần gia cố móng tường có độ dày khoảng 2m, xuất lộ ở độ sâu 5,1m so với code 0. Lớp đắp bằng đất và những lớp thân cây thực vật xen kẽ nhau, có lớp dày khoảng 5cm, có những lớp dày khoảng 10cm đến 15cm, các lớp lá đều chạy dọc theo suốt chiều rộng của nền móng tường thành.

Trong mỗi lớp thân cây thực vật được dải theo thứ tự chiều dọc và chiều ngang của móng tường thành. Do sức nén của các lớp đất đắp bên trên, nên các lớp lá hơi trũng xuống phần giữa lòng của móng tường. So sánh cao độ ghi nhận lớp gia cố móng tường có cao độ cao hơn mặt ruộng hiện tại 60cm. Như vậy, với phần móng có độ sâu khoảng 2m thì phần móng tường thành đào sâu qua nền mặt ruộng hiện tại khoảng 1,4m. Dưới cùng là lớp đất bùn đen dẻo, mịn.

Lớp tường gạch bo móng nằm ngay trên bề mặt móng thành. Bức tường bo này xuất hiện ở hai rìa ngoài của tường thành. Móng gia cố chân tường thành phía Bắc (phía ngoài), đoạn xuất lộ trong hố khai quật dài 3m rộng 1,6m được xây xếp bằng gạch bìa hình chữ nhật chủ yếu đều là gạch vỡ, sát mép của thân móng của tường (phía trong) được xếp bằng gạch, phía ngoài được kè bằng đá, phần ở giữa của tường được gia cố bằng đất sét màu xám trắng và gạch vỡ vụn. Móng gia cố chân tường thành phía Nam (phía trong) đoạn xuất lộ trong hố khai quật dài 3m, rộng 60cm, cao 30cm, gồm có 7 hàng gạch hình chữ nhật được xếp chồng lên nhau.

Phần thành gạch phía ngoài được xếp khá cẩn thận tạo mặt phẳng, bên trong được xếp bằng gạch vỡ vụn và đất sét tạo kết cấu vững chắc cho phần tường. Móng của tường bo được kè một lớp đá hộc. Bên trên móng là phần thân tường thành, với kỹ thuật đắp đất lên thành lũy. Qua kết quả khai quật có thể nhận thấy phần thân tường thành được đắp rất cẩn thận với những lớp đất từ dưới lên.

Theo TS Nguyễn Ngọc Quý (Viện Khảo cổ), người chủ trì khai quật, qua các cuộc khai quật cắt các tường thành phía Đông và Đông Bắc đều ghi nhận kết cấu của tường thành cổ Hoa Lư có sự đồng nhất cao, cấu tạo toàn bộ tường thành cơ bản: Phần móng tường nằm dưới cùng dày khoảng 2m sâu hơn so với mặt ruộng hiện tại khoảng 1,4m gồm các lớp cây thực vật và những lớp đất xen kẽ nhau. Độ dày của các lớp cây thực vật và đất không đồng đều nhau. Phần mép phía ngoài hai bên móng tường được gia cố bằng bằng gạch và đá dạng như một bức tường bo móng thành. Phần thân thành dày khoảng 3m gồm có nhiều lớp đắp chồng lên nhau theo quy chuẩn tạo sự vững chắc cho thành. Chân thành qua mặt cắt hiện tại rộng 16,5m bao gồm cả hai bên sườn của tường được gia cố bằng gạch vụn. Căn cứ vào các dấu tích được xuất lộ có thể thấy thành Dền rộng khoảng 16,5m, cao 5m, bề mặt rộng khoảng 6m. Hai bên sườn của thành có độ dốc khác nhau…

"Đối với hào thành, việc mở rộng hố khai quật của thành có kích thước 10 x 30m đã gặp rất nhiều khó khăn do lớp đất đổ thải hiện đại đã phủ lên mặt ruộng dày trên 6m. Cuộc khai quật có phần bị gián đoạn do sự sụp đổ của lớp đất san lấp trên bề mặt tường thành. Hiện nay qua nhận diện bước đầu có thể xác định đây là một vùng trũng bị ngập nước thấp hơn phần kè chân thành 1,2m. Trên địa tầng có thể nhìn thấy gồm các lớp đất lắng đọng của tự nhiên chứa nhiều hiện vật như gỗ, gạch và những cọc gỗ được đóng rải rác trong lòng hào. Lớp dưới cùng là lớp đất sét màu xám dẻo, mịn. Với tính chất khu vực thành Dền là khu vực có nhiều đầm lầy và ngập nước, sự hiện diện hào nước ngoài chức năng là công sự phòng thủ, có lẽ cũng là nơi cung cấp đất để đắp thành Dền phía trên; từ đó tạo thành một khu vực phòng thủ hoàn chỉnh gồm tường và hào bảo vệ kinh thành Hoa Lư", TS Quý cho biết.

3. Tại cuộc hội thảo ngay hiện trường khai quật, TS Nguyễn Ngọc Quý nhận định, đến nay đã có thể làm rõ các tường thành nhân tạo ở Hoa Lư đều được đắp trên nền đất có kết cấu khá yếu, lầy thụt, và do vậy đều sử dụng kỹ thuật đắp rải thân cây thực vật và gia cố bằng các thanh gỗ kết hợp đóng cọc chống sạt lở. Tường thành được đắp cong hình bán nguyệt hoặc gần hình thang, trong đó sườn ngoài thường được tạo dốc hơn bên trong.

"Về kỹ thuật, sau khi đắp móng tường bằng một lớp đất sét lẫn lá cây chống sụt lún, trên bề mặt móng được người xưa xếp hai hàng tường gạch có tác dụng bo móng tường thành cho thẳng hàng lối, chân tường gạch được lót đá hộc để tạo độ chắc đồng thời cũng là cách để gia cố thêm chống sạt lở tường. Cuối cùng là lớp đắp tường con trạch bằng đất sét nối giữa hai đoạn núi đá. Lớp đất sét đắp tường thành khả năng được vượt thổ từ ngay việc đào hào thành phía ngoài di tích. Việc vượt thổ đắp thành, đào hào là kỹ thuật truyền thống của các ngôi thành truyền thống của Việt Nam đã từng hiện diện ở Cổ Loa, Luy Lâu, La thành Thăng Long, La thành Thành Nhà Hồ…", TS Quý cho biết thêm.

Cho đến thời điểm này, đây là cuộc khai quật khảo cổ thành cổ Hoa Lư với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và thu được những kết quả rất khả quan. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện không ít vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, ví dụ nhân lực đắp dựng thành là bao nhiêu, có yếu tố tù binh tham gia hay không và đất đắp thành được lấy ở đâu? Thành cổ Hoa Lư được xác định đắp dựng từ thế X, nhưng triều đình nào cho đắp dựng như quy mô hiện nay với 13 đoạn thành cũng là câu chuyện cần tiếp tục "định vị", vì đến nay vẫn xuất hiện hai luồng ý kiến, một cho rằng nhà Đinh đắp, thứ nữa lại nghiêng về nhà Tiền Lê tổ chức đắp dựng thành vì ở trong hố khai quật xuất hiện dấu tích kiến trúc Chăm.

Phương án bảo tồn, phát huy giá trị thành cổ Hoa Lư đoạn thành Dền chỉ đang ở giai đoạn khảo sát, nghiên cứu và đề xuất, chưa có biện pháp cụ thể. Nhưng có nguồn tin cho biết, một doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí để hỗ trợ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc phục hồi các đoạn thành cổ Hoa Lư bằng cách cho dựng thành đá trên nền di tích cổ là thành đất. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ trở thành "thảm họa".

Một nhà khảo cổ chia sẻ, trong nhiều lần làm việc, doanh nghiệp kia liên tục đề nghị lập phương án phục dựng thành cổ Hoa Lư bằng thành đá, thay vì những đoạn thành đất như hiện nay, "nhưng tôi nói lại rằng, làm như vậy là sai với di tích gốc. Di tích gốc không phải là thành xây dựng bằng đá mà người xưa chỉ đắp đất với kỹ thuật truyền thống".

Nguyễn Thanh Sương
.
.