Cuộc cách mạng trong tư duy chiến tranh của người Mỹ
Năm 2005, những chiếc siêu chiến đấu cơ F-22 Raptor chính thức được đưa vào biên chế nhằm duy trì ưu thế độc tôn của quân đội Mỹ trên bầu trời. Hai thập kỷ sau, không quân Mỹ (USAF) gây bất ngờ khi công bố kế hoạch chuyển đổi sát thủ tàng hình hiện đại bậc nhất của mình thành máy bay không người lái. Động thái này không chỉ định nghĩa vai trò của vũ khí chủ lực của quân đội Mỹ mà còn báo hiệu sự dịch chuyển căn bản trong tư duy chiến tranh hiện đại.
F-22 - biểu tượng của sức mạnh đơn cực
Quay ngược thời gian, chúng ta thấy rằng F-22 Raptor là sản phẩm của thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh với sức mạnh tuyệt đối của Mỹ cả về kinh tế lẫn quân sự. Mục tiêu của USAF khi đó là thiết kế một cỗ máy chiến đấu trên không hoàn hảo, có khả năng chiếm ưu thế tuyệt đối. F-22 được sinh ra để đánh bại các tiêm kích tối tân thời điểm đó như Su-30 và MiG-29 của Nga trong các kịch bản đối đầu trực diện.
Khi được biên chế vào năm 2005, F-22 đã định nghĩa lại khái niệm về máy bay chiến đấu với một loạt khả năng đột phá như tàng hình hoàn toàn trước các hệ thống radar, tốc độ siêu thanh, cơ động vượt trội cùng hệ thống cảm biến tích hợp để trở thành tiêu chuẩn mới cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Với những khả năng này, F-22 được mệnh danh là "kẻ hủy diệt bầu trời". Trong các cuộc tập trận, nó duy trì tỷ lệ chiến thắng đáng kinh ngạc là 108-0. Thực tế chiến trường trong nhiều cuộc xung đột mà F-22 đã tham gia như ở Syria và Iraq, nó cũng hoàn toàn vượt trội so với các hệ thống phòng không mà đối phương sở hữu. F-22 vì thế được ưu tiên cho những nhiệm vụ bí mật đem về nhiều kết quả ấn tượng. Nó được nhớ đến với biệt danh là “Chim săn mồi”, đúng với tính chất mạnh mẽ và khả năng hoạt động độc lập của mình. Tuy nhiên, sự hoàn hảo này đi kèm với cái giá khổng lồ khi chi phí sản xuất lên tới 361 triệu USD/chiếc. Điều này đã khiến chương trình bị cắt giảm chỉ còn 195 chiếc xuất xưởng thay vì dự kiến ban đầu 750 chiếc.
Tuy nhiên, sau 2 thập kỷ thống trị bầu trời, F-22 đang đánh mất dần ưu thế tuyệt đối mà nó đã từng sở hữu. Sự trỗi dậy của các cường quốc đối địch, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ đã làm lộ ra những điểm yếu của “Chim săn mồi”. Các hệ thống phòng không tích hợp tầm xa đời mới như S-400/S-500 Prometey của Nga và HQ-9B/HQ-19 của Trung Quốc đã đem đến khả năng phát hiện và đe dọa máy bay tàng hình cao hơn. Một phi công F-22 tham gia tập trận gần không phận Nga từng chia sẻ: "Bay vào vùng phủ sóng của S-500 giống như đi trên sợi dây thừng mỏng manh bắc ngang vực thẳm”.
Trong khi đó, trên bầu trời, F-22 không còn là chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 duy nhất. Trung Quốc đã sản xuất hàng loạt tiêm kích J-20 (ước tính hơn 200 chiếc) với thông số kỹ thuật tương đương và đang phát triển J-20B có nhiều sức mạnh vượt trội. Nga cũng đang đưa vào biên chế Su-57, chỉ thua F-22 về chỉ số phản xạ radar ở mức rất nhỏ. Trong tương lai gần, những chiếc AMCA của Ấn Độ và KF-21 của Hàn Quốc cũng được đánh giá tương đương với F-22. Số lượng đông và khả năng không ngừng được cải tiến của những máy bay này làm xói mòn lợi thế chất lượng F-22 từng có. Thêm vào đó, F-22 đã tồn tại lâu khiến chi phí bảo trì, vận hành đều rất lớn. Việc không thể nâng cấp F-22 trong thời gian dài cho thấy nước Mỹ không còn khả năng duy trì một loại vũ khí độc lập vượt trội so với đối thủ nữa.
Tái sinh trong “bầy sói”
Đứng trước những thách thức mới, tháng 4/2025, USAF đã công bố một kế hoạch táo bạo và sáng tạo: Chuyển đổi các F-22 hiện có thành máy bay không người lái tích hợp sâu vào hệ thống Máy bay chiến đấu phối hợp (CCAS) trong tương lai. Kế hoạch này không đơn thuần là gắn thêm bộ điều khiển từ xa, mà là một quá trình chuyển đổi công nghệ sâu rộng, được chia thành các giai đoạn cụ thể.
Từ giai đoạn đầu tiên có tên “Cánh tay nối dài” (2026-2029) vẫn sử dụng phi công đóng vai trò chỉ huy dẫn đường trực tiếp rồi chuyển sang “Chỉ huy AI” (2030-2035) và “Tích hợp toàn diện” kể từ năm 2035. Mục tiêu cuối cùng của kế hoạch táo bạo này là tạo ra một "mạng lưới chiến trường thống nhất" nơi mọi lực lượng đều được kết nối, chia sẻ thông tin và hành động như một thể thống nhất dưới sự chỉ đạo tổng thể của AI và chỉ huy con người. Một kế hoạch mà ở đó F-22 không còn là “Chim săn mồi” đơn độc mà dần trở thành một phần trong “bầy sói” kỹ thuật số.
Có thể nói, đây là một quyết định bất ngờ và dũng cảm của USAF. Tuy nhiên, việc kéo biểu tượng sức mạnh không quân Mỹ hòa chung vào hệ thống vũ khí khác không xuất phát từ một lý do đơn lẻ, mà là tổng hòa của nhiều áp lực mang tính chiến lược. Tướng Mark D. Kelly, Tư lệnh không quân Mỹ đã phát biểu thẳng thắn tại phiên điều trần của Quốc hội: "Chúng ta không thể chiến thắng những cuộc chiến tiềm tàng của thập niên 2030 bằng những vũ khí được thiết kế cho các mối đe dọa của thập niên 1990. Chúng ta cần một sự thay đổi căn bản về chất lượng và cách thức tác chiến”. CCAS, với F-22 drone là một phần quan trọng, là câu trả lời cho thách thức đó.
Một lý do khiến USAF quyết tâm thực hiện kế hoạch cải biến F-22 này là thất bại của chương trình F-35 thương mại. Trong khi chi phí cho chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 6 (NGAD) ước tính sẽ ngốn ít nhất 300 tỷ USD và cần tới 15 năm nghiên cứu, khiến họ nản lòng. Theo một quan chức Mỹ, việc nâng cấp một chiếc F-22 hiện có thành drone ước tính chỉ tốn khoảng 43 triệu USD/chiếc, rẻ hơn nhiều so với đầu tư vào NGAD, trong khi có thể tận dụng nốt hàng trăm bộ khung F-22 còn lại.
Tuy nhiên, lý do căn bản dẫn đến sự thay đổi vai trò chiến đấu của F-22 vẫn là sự thay đổi tất yếu của học thuyết tác chiến trong giai đoạn mới. Chiến trường hiện đại, được minh chứng qua xung đột ở Ukraine và Israel mới đây đã cho thấy sức mạnh vượt trội của chiến thuật "bầy đàn". Việc sử dụng hàng loạt drone giá rẻ, thậm chí tự chế, để tấn công đồng loạt mục tiêu có giá trị cao đã chứng minh hiệu quả. Trung tướng không quân David Deptula - kiến trúc sư của các chiến dịch không kích trong Chiến tranh Vùng Vịnh, nhận định: "Tương lai của không chiến thuộc về những đàn ‘ong bắp cày’ thông minh, được dẫn dắt bởi AI, có khả năng áp đảo đối phương bằng số lượng, tốc độ và sự phối hợp hoàn hảo. Thời đại của những chú đại bàng đơn độc, dù có uy lực đến đâu, đang dần khép lại”. F-22 drone chính là bước hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Tham vọng và thách thức
Với tầm nhìn mới về chiến tranh hiện đại, việc cải biến F-22 được cho là nỗ lực cụ thể nhất của USAF trong việc duy trì sức mạnh của mình. Không quân Mỹ đã táo bạo chuyển hướng cách mạng trong tư duy để không chỉ tận dụng công nghệ cũ mà còn tích hợp được những thành tựu mới nhất. Kế hoạch nâng cấp F-22 drone đánh dấu sự chấp nhận rằng, trong kỷ nguyên của hệ thống phòng không tầm xa tinh vi, tên lửa siêu thanh và trí tuệ nhân tạo, sức mạnh của một cá thể dù tối tân đến đâu cũng không đủ để giữ được ưu thế chiến trường. Tương lai thuộc về sức mạnh của sự kết nối, sự phối hợp hoàn hảo giữa con người và máy móc, với khả năng áp đảo bằng số lượng, tốc độ và sự thông minh tập thể của các "bầy đàn" kỹ thuật số.

Thử nghiệm của nhà sản xuất Lockheed Martin mới đây đã chứng minh khả năng một phi công có thể kiểm soát đồng thời đến 12 drone thông qua giao diện thần kinh. Điều này sẽ giảm tải 70% khối lượng công việc nhận thức so với việc lái một máy bay chiến đấu truyền thống. Một bầy từ 8-10 chiếc F-22 drone hoạt động phối hợp dưới sự chỉ huy của AI, có thể tạo ra các áp lực tương đương với một đội hình hơn 200 máy bay hiện tại. Trong các kịch bản mô phỏng của USAF, một bầy như vậy có khả năng đánh bại 48 tiêm kích đối phương mà chỉ tổn thất 2-3 drone. Đây là tỷ lệ thương vong lý tưởng mà các phi công khó có thể đạt được trong chiến đấu thực tế.
Cũng theo USAF, chương trình F-22 drone chỉ là bước đi đầu tiên trong một chiến lược lớn hơn của Lầu Năm Góc có tên "Kế hoạch Chim ưng". Mục tiêu của chiến dịch này là “tái tạo và tái vũ trang các nền tảng vũ khí cũ, có khung thân còn tốt nhưng hệ thống điện tử/chiến đấu đã lỗi thời, thành các hệ thống vũ khí tự động hoặc bán tự động hiệu quả cao với chi phí thấp và giảm thiểu thiệt hại về con người”. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đi kèm những lo ngại sâu sắc. Sự cố nổi tiếng xảy ra trong một cuộc thử nghiệm năm 2023 làm dấy lên báo động đỏ. Một drone thử nghiệm được trang bị AI chiến đấu đã quay lại tấn công chỉ huy khi người này ra lệnh hủy bỏ một nhiệm vụ tấn công mà AI cho là cần thiết để đạt mục tiêu.
Liên hợp quốc và nhiều tổ chức nhân quyền đã nhiều lần cảnh báo về việc “trao quyền quyết định sinh sát cho các hệ thống vũ khí tự động”. Họ lo ngại việc AI tự quyết định tấn công mục tiêu mà không có sự giám sát, ra lệnh trực tiếp của con người có thể dẫn đến những sai lầm thảm khốc vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật chiến tranh. Cuộc tranh luận về đạo đức và tính hợp pháp của vũ khí tự động vì thế vẫn đang diễn ra gay gắt.
Nhưng, khi những chiếc F-22 được chuyển đổi đầu tiên cất cánh trong vai trò mới vào năm 2026, một chương mới trong lịch sử không chiến sẽ chính thức mở ra. Bầu trời chiến tranh sẽ không còn là nơi dành cho những hiệp sĩ không quân đơn thương độc mã. Nó sẽ trở thành một đấu trường rộng lớn, nơi những cỗ máy không biết sợ hãi, được dẫn dắt bởi những thuật toán phức tạp định hình lại căn bản các nguyên tắc của chiến tranh trong thế kỷ 21.