Trung-Mỹ hạ nhiệt căng thẳng thương mại
Trung Quốc và Mỹ nhất trí giảm phần lớn thuế quan áp lên hàng hóa nhập khẩu từ nước kia trong thời hạn 90 ngày để mở đường tiến hành các cuộc đàm phán thuế quan toàn diện hơn, động thái giúp hạ nhiệt đáng kể căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong tuyên bố chung được Trung Quốc và Mỹ công bố ngày 12/5, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt thỏa thuận tạm thời giảm mức thuế quan nhắm vào hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày để mở đường cho các cuộc đàm phán toàn diện. Trong đó, Mỹ đồng ý hạ thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%. Theo tuyên bố chung được Tân Hoa xã đăng tải, hai bên cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật để giảm thuế trước ngày 14/5.
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc cũng “sẽ thiết lập một cơ chế nhằm tiếp tục thảo luận về quan hệ kinh tế-thương mại. Các cuộc thảo luận đó có thể được tiến hành luân phiên tại Trung Quốc và Mỹ, hoặc tại một quốc gia thứ ba”. Đại diện phái đoàn Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán sắp tới tiếp tục là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong; trong khi đại diện phái đoàn Mỹ gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Besent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer.
Thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng thương mại được Trung Quốc và Mỹ loan báo sau hai ngày đàm phán mà cả hai bên mô tả là đạt tiến triển tốt ở Geneva (Thụy Sĩ). Tại cuộc họp báo sáng 12/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Bessent đánh giá, Mỹ - Trung Quốc đã nhận thấy “lợi ích chung” trong hợp tác thương mại và hai bên nhất trí rằng, “không bên nào muốn tách rời” khỏi mối quan hệ đó. Theo ông Bessent, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu đạt cân bằng thương mại trong các cuộc đàm phán sắp tới với Trung Quốc. Ông hi vọng Bắc Kinh “cởi mở hơn” với hàng hóa Mỹ.

Về phần mình, Đại diện Thương mại Mỹ Greer đánh giá, việc Washington và Bắc Kinh có thể nhanh chóng đi đến thống nhất về việc hạ nhiệt căng thẳng là chỉ dấu chứng minh “khác biệt giữa các bên không quá lớn”. Quan chức Mỹ cũng tin rằng, việc hai bên đạt thỏa thuận sẽ giúp “giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia” của Mỹ, tức tình trạng thâm hụt thương mại. Số liệu chính thức của Hải quan Trung Quốc cho thấy, năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào khoảng 361 tỷ USD.
Trong khi đó, rời phòng đàm phán ở Geneva, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong khẳng định các cuộc đối thoại với Mỹ diễn ra “thẳng thắn, cụ thể và mang tính xây dựng”, đồng thời “đạt đồng thuận quan trọng”. Người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cùng ngày gọi tuyên bố chung Mỹ-Trung là “một bước đi quan trọng của cả hai bên nhằm giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng, đặt nền tảng và tạo điều kiện để thu hẹp khoảng cách và tăng cường hợp tác”.
Theo CNN, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc những tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Từ khi xuất hiện thông tin Tổng thống Trump có thể áp thuế đối ứng cao với hàng hóa Trung Quốc và các nước khác, các nhà nhập khẩu Mỹ đã chạy đua để đưa hàng hóa vào Mỹ càng nhiều càng tốt trước khi thuế quan có hiệu lực. Từ tháng 4/2025, lượng hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh, ảnh hưởng đến ngành sản xuất khổng lồ của Bắc Kinh. Chỉ số chứng khoán toàn cầu theo đó cũng có hàng chục phiên giao dịch đầy biến động.
Ngay trong ngày 12/5, tin tích cực từ cuộc đàm phán Mỹ-Trung ở Geneva đã nhanh chóng lan tỏa sang thị trường tài chính. Tại Mỹ, hợp đồng tương lai của chỉ số chứng khoán Nasdaq tăng 3,6%, hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 2,8% và chỉ số Dow tăng gần 1.000 điểm, tương đương 2,3%. Các chỉ số giao dịch tương lai châu Á cũng tăng mạnh. Ngoài ra, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế hạn giao tháng 7/2025 tăng hơn 2,3% lên 65,4 USD một thùng, còn dầu WTI Mỹ cũng leo lên gần 62,5 USD.
Chuyên gia Tai Hui tại tổ chức JP Morgan Asset Management, đánh giá, quy mô cắt giảm thuế quan mà Trung-Mỹ vừa công bố lớn hơn những gì giới quan sát kì vọng. “Điều đó phản ánh cả hai bên đều thừa nhận thực tế rằng, thuế quan sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và đàm phán là lựa chọn tốt hơn trong tương lai. Ông tin rằng, 90 ngày là rất khó để Trung-Mỹ đạt thỏa thuận chi tiết, nhưng mốc thời gian đó sẽ khiến các bên có áp lực để đàm phán khẩn trương hơn, hướng tới một thỏa thuận khung.
Trên CNN, Dan Ives, Giám đốc điều hành của Wedbush Securities tại New York, thì tin tưởng việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hoãn thuế là “kịch bản tốt nhất”. “Đây sẽ là khởi đầu của một cuộc đàm phán rộng hơn và toàn diện hơn, và chúng tôi kỳ vọng cả hai mức thuế quan này sẽ giảm đáng kể trong những tháng tới khi các cuộc đàm phán thỏa thuận tiến triển”, ông Ives nêu quan điểm.