Phục hồi bền vững và kiến tạo một thế giới công bằng hậu COVID-19

Thứ Ba, 19/10/2021, 08:55

Thúc đẩy sự phục hồi mang tính chuyển đổi, toàn diện và bền vững sau đại dịch COVID-19, đồng thời kiến tạo một thế giới công bằng để mở ra cơ hội cho tất cả mọi người là thông điệp được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra nhân Ngày Quốc tế xoá nghèo (17/10). Để từng bước hiện thực hoá mục tiêu này, ông Antonio Guterres đã đưa ra ba hướng tiếp cận mũi nhọn.

Trong bối cảnh tình trạng nghèo cùng cực trên thế giới lần đầu tiên gia tăng sau hơn hai thập kỷ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát đi một thông điệp, kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng cam kết "xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Theo ông Guterres, năm 2020, gần 120 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói khi đại dịch COVID-19 tàn phá các nền kinh tế và xã hội. Hiện tại, sự phục hồi không đồng đều đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia ở Bắc bán cầu và các quốc gia Nam bán cầu.

8-1.jpg -0
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Nguồn: UN.

Sự bất bình đẳng thể hiện rõ nhất trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 khiến các biến thể virus SARS-CoV-2 phát triển và lây lan mạnh. Điều này dẫn tới sự ra đi của hàng triệu người và kéo dài thời kỳ suy thoái kinh tế vốn có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, các nước trên thế giới phải chấm dứt tình trạng này, giải quyết các nguy cơ vỡ nợ và đảm bảo các khoản đầu tư cho phục hồi được đưa đến những quốc gia cần nhất, qua đó tạo cơ hội cho người nghèo xây dựng lại cuộc sống tốt hơn trong một xã hội tiến lên phía trước.

Cụ thể, ông Antonio Guterres nêu rõ trong thông điệp rằng, việc xây dựng xã hội tiến lên đòi hỏi ba cách tiếp cận mũi nhọn trong quá trình phục hồi toàn cầu. Thứ nhất, quá trình phục hồi phải có sự chuyển đổi rõ ràng vì thế giới không thể trở lại cấu trúc như khi đại dịch COVID-19 chưa xảy ra, cấu trúc đã chứng kiến những bất lợi và bất bình đẳng vốn làm tình trạng nghèo đói kéo dài. Do đó, thế giới cần huy động tối đa ý chí chính trị và các mối quan hệ đối tác để đạt được các mục tiêu chung. Thứ hai, thế giới cần một sự phục hồi toàn diện, bao gồm mọi nhóm đối tượng trong xã hội, bởi phục hồi không đồng đều sẽ khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau, dễ bị tổn thương và khiến các mục tiêu phát triển bền vững càng trở nên khó thực hiện hơn.

Theo ông Guterres, số lượng phụ nữ trong tình trạng nghèo cùng cực vượt xa nam giới. Ông Guterres viện dẫn một thực tế rất rõ ràng như sau: “Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, tổng tài sản của 22 người đàn ông giàu nhất thế giới nhiều hơn tài sản của tất cả phụ nữ ở châu Phi cộng lại và hiện tại, khoảng cách đó ngày càng tăng lên”.

Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cho rằng, việc đầu tư kinh tế phải hướng đến cả các doanh nhân nữ, chính thức hóa các khu vực phi chính thức, tập trung cho giáo dục, bảo trợ xã hội, phổ cập giáo dục trẻ em, chăm sóc sức khỏe và thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, bao gồm cả khía cạnh giới tính. Thứ ba, việc phục hồi và phát triển phải bền vững. Cụ thể, thế giới cần thúc đẩy chuyển dịch phi carbon và đạt các mục tiêu đưa phát thải ròng về 0. Ngoài ra, các chính phủ cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến từ những người nghèo, nhóm chịu tác động trực tiếp từ những quyết định của chính phủ.

Giới chuyên gia đánh giá, với tình hình hiện nay, ba cách tiếp cận mà Liên hợp quốc đưa ra có tính bao trùm và tạo động lực mạnh mẽ cho các quốc gia dần thúc đẩy phục hồi. Các nỗ lực dựa trên những cách tiếp cận này dù có thể bị gián đoạn nhưng sẽ không dễ dàng đứt gãy, bởi những chương trình phát triển của Liên hợp quốc sẽ luôn đồng hành để các quốc gia có thể tham vấn và triển khai kế hoạch đúng với thực trạng.

Đánh giá về những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo vài thập kỷ vừa qua. Bà Caitlin Wiesen đồng thời đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong việc sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói và giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện hơn và ở nhiều khía cạnh hơn không chỉ đơn thuần là cải thiện thu nhập.

Báo cáo cập nhật Phát triển con người và Nghèo đa chiều của UNDP năm 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 29 trong số 102 quốc gia về chỉ số nghèo đa chiều và nằm trong số các quốc gia có thành tích cao nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương về chỉ số này. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, động lực thoát nghèo của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”, với tổng vốn là 75 nghìn tỷ đồng.

Được biết, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn tới có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng của chương trình này còn bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, trong đó có những người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, người nghèo ở nông thôn và thành thị.

Linh Đan
.
.