Phản ứng của lãnh đạo quốc tế sau cái chết của thủ lĩnh Hezbollah

Chủ Nhật, 29/09/2024, 05:43

Hezbollah đã xác nhận cái chết của Hassan Nasrallah, thủ lĩnh lâu năm của lực lượng này, trong một cuộc không kích của Israel vào trụ sở ngầm gần thủ đô Beirut của Lebanon.

Phản ứng của lãnh đạo quốc tế sau cái chết của thủ lĩnh Hezbollah -0
Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah bị Israel tiêu diệt trong các trận không kích Beirut hôm 27/9. Ảnh minh họa Getty Images. 

Vài giờ sau khi Israel tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah, 64 tuổi, lực lượng này cũng chính thức xác nhận thông tin này, đồng thời, cam kết sẽ “tiếp tục cuộc thánh chiến chống lại kẻ thù và ủng hộ Palestine”.

Ông Nasrallah hiếm khi xuất hiện trước công chúng kể từ năm 2006. Ông được bầu làm thủ lĩnh Hezbollah vào năm 1992, khi mới 32 tuổi, sau khi một trực thăng chiến đấu của Israel giết chết người tiền nhiệm Abbas al-Musawi.

Israel đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào vùng ngoại ô phía Nam của Beirut vào tối 27/9, mà họ cho biết là nhằm vào thủ lĩnh Hezbollah, san phẳng ít nhất 6 tòa nhà dân cư.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết Israel đã “giải quyết xong” nhiệm vụ tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah.

“Chúng tôi đã giải quyết xong với kẻ chịu trách nhiệm cho vụ giết hại vô số người Israel và nhiều công dân của các quốc gia khác, bao gồm hàng trăm người Mỹ và hàng chục người Pháp”, ông Netanyahu cho biết ngày 28/9.

Thủ tướng Israel nói thêm, miễn là “tên khủng bố” Nasrallah còn sống, ông ta có thể “nhanh chóng khôi phục lại năng lực mà chúng tôi (Israel) đã làm xói mòn từ Hezbollah” trong một loạt các hoạt động gần đây.

Nhóm Hamas tại Gaza cũng đã lên án vụ giết hại nhà lãnh đạo Hezbollah là “hành động hèn nhát, khủng bố” của Israel.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ nhất hành động xâm lược man rợ này và nhắm mục tiêu vào các tòa nhà dân cư”, Hamas tuyên bố, cáo buộc Israel coi thường “mọi giá trị, phong tục và điều lệ quốc tế và trắng trợn đe dọa an ninh và hòa bình quốc tế, trong bối cảnh im lặng, bất lực và sự thờ ơ của quốc tế”.

“Trước tội ác và vụ thảm sát này, chúng tôi tái khẳng định sự đoàn kết tuyệt đối và đoàn kết với những người anh em trong Hezbollah và lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Lebanon”, Hamas khẳng định.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi vụ việc sát hại ông Nasrallah là “một biện pháp công lý cho nhiều nạn nhân của ông ta, bao gồm hàng nghìn người Mỹ, người Israel và thường dân Lebanon”.

Ông Biden tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với “quyền của Israel trong việc tự vệ trước Hezbollah, Hamas, Houthis và bất kỳ nhóm khủng bố nào khác do Iran hỗ trợ”. Bên cạnh đó, ông đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng “tăng cường hơn nữa thế trận phòng thủ của lực lượng quân sự Mỹ” trong khu vực.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án “hành động xâm lược tàn bạo của Israel”. Phong trào Fatah của Palestine đã gửi lời chia buồn và nhấn mạnh “mối quan hệ lịch sử giữa người dân Lebanon và lực lượng kháng chiến của họ với Palestine”.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhấn mạnh rằng vụ ám sát ông Nasrallah “sẽ chỉ củng cố thêm lực lượng kháng chiến”.

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố để tang 5 ngày để tưởng niệm thủ lĩnh Hezbollah. Ông kêu gọi tất cả người Hồi giáo nổi dậy chống lại Israel và nói rằng sự đổ máu của ông Nasrallah “sẽ không bị lãng quên”. “Số phận của khu vực này sẽ được quyết định bởi lực lượng kháng chiến với Hezbollah đứng đầu”, lãnh tụ tối cao Iran nói.

Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani lên án vụ tấn công là “đáng xấu hổ” và “một tội ác cho thấy Israel đã vượt qua mọi ranh giới đỏ”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng lên án các cuộc tấn công gần đây của Israel vào Lebanon như một phần trong cái mà ông gọi là chính sách “diệt chủng, chiếm đóng và xâm lược” của Israel, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các cơ quan khác ngăn chặn Israel.

Trong một bài đăng trên X, ông Erdogan, không nêu tên thủ lĩnh Hezbollah, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía người dân Lebanon và chính phủ nước này, gửi lời chia buồn đến những người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel, đồng thời nói rằng thế giới Hồi giáo nên thể hiện lập trường quyết tâm hơn.

Phiến quân Houthi của Yemen khẳng định vụ giết hại ông Nasrallah sẽ củng cố quyết tâm của họ trong việc đối đầu với Israel.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại về “sự leo thang đáng kể” diễn ra ở Lebanon trong những ngày qua khi Israel nhắm mục tiêu vào Hezbollah ở thủ đô Beirut.

Bộ Ngoại giao và châu Âu của Pháp cho biết trong một tuyên bố rằng họ đang liên lạc với chính quyền Lebanon và các đối tác của Pháp trong khu vực để ngăn chặn tình trạng bất ổn và xung đột.

Bộ Ngoại giao Nga lại đưa ra tuyên bố trong đó lên án mạnh mẽ việc Israel giết hại ông Nasrallah và kêu gọi Israel chấm dứt các hành động thù địch ở Lebanon.

“Hành động này tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng hơn nữa đối với Lebanon và toàn bộ Trung Đông”, theo Bộ Ngoại giao Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng ông lo ngại “về tình trạng giết người vì mục đích chính trị hiện nay gần như đã trở nên phổ biến”.

Duy Tiến
.
.