Những chuyển động tích cực trên trường quốc tế: Tín hiệu lạc quan với hòa bình và hợp tác

Thứ Tư, 14/05/2025, 07:49

Trong bối cảnh thế giới vẫn bị bao phủ bởi những gam màu xám của xung đột, khủng hoảng và cạnh tranh chiến lược, một loạt chuyển động ngoại giao tích cực đã xuất hiện trong hai tuần qua, mang lại những tia hy vọng mới.

Từ việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận tạm thời giảm thuế quan, Nga và Ukraine đồng ý nối lại đàm phán, cho đến Ấn Độ và Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn - những tín hiệu này không chỉ làm dịu đi các điểm nóng mà còn hé mở cơ hội cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong một thế giới vốn đang cần những tiếng nói chung.

Trong tuyên bố chung ngày 12/5, Mỹ và Trung Quốc cho biết hai bên đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm giảm thuế quan đối với hàng hóa của nhau trong vòng 90 ngày. Theo đó, Mỹ sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10% . Thỏa thuận này được đưa ra sau các cuộc đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) và được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết: “Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về việc tạm dừng trong 90 ngày và giảm đáng kể mức thuế quan. Cả hai bên sẽ cùng giảm thuế đối ứng 115%”. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương mô tả cuộc đàm phán là “chuyên nghiệp, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Thỏa thuận này không chỉ giúp giảm áp lực lạm phát toàn cầu mà còn mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán sâu rộng hơn về các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai nước.

13_5_2025_quocte.jpg -0
Đàm phán Nga - Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3/2022. Ảnh: Reuters.

Trước đó, ngày 11/5, giới quan sát quốc tế đồng loạt ghi nhận một bước ngoặt tiềm năng khi cả Moscow và Kiev cùng phát đi thông điệp sẵn sàng đối thoại. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẵn sàng quay lại bàn đàm phán với Ukraine “không điều kiện tiên quyết”, đồng thời gợi ý Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian tổ chức vòng đối thoại mới tại Istanbul vào ngày 15/5. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh đề xuất này nhưng yêu cầu Nga phải đồng ý ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 12/5.

Đề xuất đàm phán của Nga và phản hồi tích cực từ Ukraine cho thấy cả hai bên đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao thay vì tiếp tục đối đầu quân sự. Việc quay lại bàn đàm phán, dù còn nhiều điều kiện ràng buộc, là tín hiệu tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực. Nó thể hiện cơ hội mới nhằm giảm thiểu thương vong và hướng đến giải pháp chính trị thay cho chiến tranh. Tín hiệu ngoại giao này không thể tách rời khỏi bối cảnh rộng lớn hơn, khi các cường quốc châu Âu như Pháp, Đức và Anh đều đã đồng loạt kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn “vì mục tiêu nhân đạo và ngoại giao”.

Mỹ, dù vẫn giữ giọng điệu cứng rắn đối với Nga, cũng đã để ngỏ khả năng ủng hộ các sáng kiến hòa bình nếu phù hợp với “lợi ích dài hạn của người dân Ukraine”. Giới phân tích nhận định rằng dù còn rất sớm để nói về hòa bình toàn diện nhưng việc hai bên ít nhất đồng thuận ngồi lại cho thấy cánh cửa đối thoại chưa khép lại hoàn toàn - điều đặc biệt có ý nghĩa sau hơn ba năm xung đột khốc liệt.

Chuyển động tích cực không chỉ đến từ Đông Âu. Tại tiểu lục địa Nam Á, hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Ấn Độ và Pakistan cũng vừa ghi nhận một bước tiến đáng khích lệ khi nhất trí thiết lập một lệnh ngừng bắn tại đường ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực Kashmir. Lệnh ngừng bắn, đạt được vào trưa 10/5 sau nhiều ngày xung đột dữ dội tại vùng biên, là kết quả của một chuỗi nỗ lực ngoại giao âm thầm với vai trò trung gian của Mỹ và sự hỗ trợ hậu trường từ một số quốc gia Vùng Vịnh.

Báo chí New Delhi dẫn lời các quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết đây là “bước đi nhỏ nhưng cần thiết” để giảm thiểu rủi ro đụng độ quân sự. Trong khi đó, Pakistan cũng xác nhận sẽ cử đại diện tham gia một vòng đối thoại song phương vào cuối tháng này nhằm bàn về cơ chế ngăn chặn xung đột và thiết lập liên lạc khẩn cấp. Dù lệnh ngừng bắn mới chỉ kéo dài 24 giờ và vẫn còn những cáo buộc vi phạm rải rác nhưng đây vẫn được xem là lần đầu tiên sau nhiều năm căng thẳng, hai bên chủ động dùng con đường ngoại giao thay vì lời qua tiếng lại trên chiến trường.

Việc tránh để một cuộc khủng hoảng leo thang thành đụng độ toàn diện giữa hai cường quốc hạt nhân là thành tựu không thể xem nhẹ, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Nam Á đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và cạnh tranh ảnh hưởng.

Ngoài ba diễn biến lớn nói trên, các khu vực khác trên thế giới cũng ghi nhận một số “tin vui” dù chưa đủ tạo bước ngoặt. Ở châu Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda - hai quốc gia từng đối đầu dữ dội vì vấn đề hỗ trợ lực lượng nổi dậy - đã đạt một thỏa thuận hòa bình sơ bộ dưới sự bảo trợ của Mỹ và Cộng đồng Đông Phi. Theo đó, cả hai bên cam kết ngừng các hoạt động quân sự tại khu vực biên giới và thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm giải quyết mâu thuẫn kéo dài hàng chục năm qua.

Tại Libya, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc (UNSMIL) cũng công bố đề xuất cải cách luật bầu cử, với mục tiêu phá vỡ thế bế tắc giữa các phe phái chính trị và tạo nền tảng cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ. Đặc biệt, trong lĩnh vực môi trường, Brazil, nước chủ nhà của COP30, đã đưa ra sáng kiến thành lập một Hội đồng Khí hậu Liên hợp quốc nhằm giám sát việc thực thi các cam kết về giảm phát thải. Dù còn nhiều tranh cãi, đề xuất này được Liên minh châu Âu và nhiều tổ chức dân sự ủng hộ như một nỗ lực cụ thể để biến lời nói thành hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tập hợp lại, những chuyển động kể trên cho thấy thế giới không hoàn toàn trượt dốc về phía đối đầu và đổ vỡ. Trái lại, bên cạnh các điểm nóng vẫn tồn tại những nỗ lực thực sự nhằm tháo gỡ bất đồng bằng con đường ngoại giao, thương lượng và hợp tác. Rõ ràng, điều này không đến từ sự ngẫu nhiên mà là kết quả của áp lực thực tế, từ chi phí chiến tranh, bất ổn xã hội đến đòi hỏi tái thiết kinh tế. Các bên liên quan dường như đã bắt đầu tính đến “bài toán dài hạn” thay vì chỉ đối phó với tình thế trước mắt.

Tất nhiên, không thể quá lạc quan cho rằng một vài vòng đàm phán sẽ đủ để chấm dứt xung đột, hay một vài điều chỉnh thuế quan sẽ hóa giải sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Nhưng trong bức tranh toàn cảnh u ám của chính trị quốc tế, những gam màu tươi sáng vừa hiện lên vẫn mang ý nghĩa không nhỏ. Chúng không chỉ mở ra những khả năng mới cho hòa bình và ổn định, mà còn cho thấy tinh thần hợp tác, dù mong manh, vẫn còn chỗ đứng.

Khi thế giới chứng kiến các nền kinh tế lớn chủ động tránh đối đầu, các đối thủ truyền thống tìm cách kiểm soát căng thẳng, và cộng đồng quốc tế phối hợp hành động để giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia, thì đó chính là lúc một trật tự quốc tế lành mạnh hơn được gieo mầm. Và như mọi mầm non, điều quan trọng nhất không phải là chúng nảy nở lúc nào, mà là liệu chúng có được chăm sóc đủ để đâm chồi thành hiện thực.

Khổng Hà
.
.