Nhiều thách thức đang đón chờ Syria

Thứ Ba, 17/12/2024, 06:25

Sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, nhiều nước tuyên bố sẽ sớm mở lại đại sứ quán hoặc cử phái đoàn ngoại giao đến Syria cũng như giúp quốc gia Trung Đông này trong quá trình chuyển tiếp, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức lớn chờ đợi chính phủ nước này trong tương lai.

Pháp và Qatar là hai nước mới nhất tuyên bố sẽ mở lại cơ quan đại diện hoặc cử phái đoàn ngoại giao đến Syria sau khi chính quyền của ông Bashar al-Assad sụp đổ. Bộ Ngoại giao Pháp ngày 15/12 cho biết, nước này sẽ cử một phái đoàn ngoại giao đến Syria trong ngày 17/12 để đánh giá thực trạng chính trị và an ninh. Kể từ khi cắt đứt quan hệ với Syria năm 2012, Pháp chưa từng có động thái nhằm hàn gắn với chính quyền Assad, thậm chí, còn ủng hộ phe đối lập và lực lượng người Kurd ở phía Đông Bắc nước này.

1.jpg -0
Người dân Syria tại thủ đô Damascus sau khi chính quyền ông Assad bị lật đổ.           

Mặc dù hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng hoan nghênh, họ vẫn đang cân nhắc kỹ lưỡng việc hợp tác với phe lật đổ chính quyền Assad, trong đó có nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS), vốn vẫn nằm trong danh sách khủng bố của EU.

Ngoài ra, Qatar mới đây cũng thông báo mở lại đại sứ quán tại Damascus, lần đầu tiên kể từ năm 2011 khi căng thẳng ngoại giao song phương leo thang. Qatar trong thời gian qua không tham gia nỗ lực chung của các nước Arab nhằm điều chỉnh quan hệ với chính quyền Assad và tái lập quan hệ ngoại giao với Syria. Bộ Ngoại giao Qatar khẳng định, quyết định mở lại đại sứ quán cho thấy sự ủng hộ của nước này với người dân Syria. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố mở lại cơ quan đại diện ngoại giao tại Damascus.

Bên cạnh đó, Syria cũng đang có nhiều lợi thế trong việc tái thiết. Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Geir Pedersen đã tới thủ đô Damascus để gặp thủ lĩnh lực lượng HTS Ahmad al-Shara và thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Tại cuộc gặp, thủ lĩnh nhóm HTS thúc giục cộng đồng quốc tế nên có cách tiếp cận mới vì lãnh đạo và tình hình ở Syria đã thay đổi. Ông Ahmad al-Shara kêu gọi sự hợp tác “nhanh chóng và hiệu quả” từ quốc tế, để giải quyết nhu cầu của người dân Syria, khôi phục sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và mở đường cho công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế.

Đặc phái viên LHQ bày tỏ mong muốn nhìn thấy những bước đi tích cực trong quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, trong đó, quyền lợi của những nhóm người thiểu số phải được đảm bảo. Ông cũng hy vọng, với những bước chuyển mình tới đây của Syria, lệnh trừng phạt quốc tế lên nước này sẽ sớm được gỡ bỏ: “Chúng ta thấy rằng, vấn đề này cần được giải quyết nhanh chóng. Hy vọng chúng ta sẽ thấy lệnh trừng phạt nhanh chóng kết thúc, để thấy rằng, có sự đoàn kết thực sự xung quanh việc xây dựng lại Syria”, theo Reuters.

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU và các quốc gia Arab cũng kêu gọi các đảng phái Syria có thể cùng nhau thành lập một chính phủ Syria mang tính toàn diện, đại diện. Ngoại trưởng Anh David Lammy và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken thừa nhận đã có những liên lạc với lực lượng HTS, dù nhóm này vẫn trong danh sách khủng bố, đồng thời, công bố một gói viện trợ trị giá 50 triệu bảng Anh cho người dân Syria. “Chúng tôi muốn thấy một tương lai do người Syria lãnh đạo và do người Syria sở hữu. Chúng tôi muốn một chính phủ Syria tương lai toàn diện, bao trùm”, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Anh khẳng định.

Tuy vậy, vẫn còn đó nhiều thách thức đang đón chờ Syria. Đầu tiên, việc chính phủ lâm thời chia sẻ quyền lực với các nhóm khác nhau đang là một vấn đề lớn và một cuộc nội chiến mới hoàn toàn có khả năng xảy ra nếu việc phân chia quyền lực thất bại. Bất chấp những tuyên bố của các nước bên ngoài, công cuộc tái thiết lớn đòi hỏi nhiều tiền và nguồn lực mà chính phủ mới chưa biết lấy từ đâu. Đáng chú ý không kém là mối nguy tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy. Mặc dù nhóm khủng bố này đã mất kiểm soát gần như toàn bộ những vùng lãnh thổ trước đó, nhưng mối đe dọa của chúng vẫn chưa biến mất.

Ngược lại, IS đã tiến hành gần 700 cuộc tấn công ở Syria kể từ tháng 1, tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Mức độ tinh vi và nguy hiểm của các cuộc tấn công của IS cũng tăng vọt trong năm nay. Ngoài chiến dịch tấn công kéo dài nhiều tháng của IS vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Syria, mạng lưới tống tiền khét tiếng của nhóm này cũng đã quay trở lại hoạt động, đem lại nguồn tài chính mới cho tổ chức khủng bố. Theo các chuyên gia, IS có thể lợi dụng khoảng trống quyền lực và thiếu thống nhất trong nắm quyền tại Syria trong thời kỳ này để trỗi dậy.

Các nguy cơ đe dọa đến độc lập và toàn vẹn lãnh thổ đang hiện diện trong bối cảnh nhiều nước can thiệp, mới nhất là Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan. Văn phòng thủ tướng Israel cho biết, chính phủ nước này đã nhất trí thông qua một kế hoạch trị giá hơn 11 triệu USD để khuyến khích tăng trưởng dân số ở Cao nguyên Golan.

Theo giới chuyên gia, có khoảng 31.000 người Israel đã định cư tại Cao nguyên Golan. Nhiều người làm nghề nông, bao gồm cả nghề trồng nho, và du lịch. Ngoài ra, Cao nguyên Golan là nơi sinh sống của 24.000 người Druze, một nhóm thiểu số Arab theo đạo Hồi. Hầu hết số này đều tự nhận mình là người Syria.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.