Khủng hoảng ẩn mình trong căng thẳng Nagorno – Karabakh

Thứ Năm, 28/09/2023, 07:28

Ngay cả khi các quan chức Azerbaijan và Armenia vừa có vòng hòa đàm do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, dòng người đổ về Armenia từ Nagorno-Karabakh vẫn ngày một đông, kéo theo những lo ngại khủng hoảng nhân đạo, nhất là khi vùng ly khai này đã đối diện cảnh phong tỏa suốt 10 tháng qua.

Khủng hoảng nhân đạo dường như đã được châm ngòi lửa sau khi quân đội Azerbaijan ngày 19/9 mở "chiến dịch chống khủng bố" nhắm vào lực lượng ly khai thân Armenia tại Nagorno-Karabakh. Theo Yerevan, hơn 200 người đã thiệt mạng và 400 người bị thương trong chiến dịch của Azerbaijan. 

Một ngày sau, phe ly khai ký thỏa thuận ngừng bắn, chấp nhận buông vũ khí và giải tán lực lượng sau ba thập kỷ kiểm soát vùng đất này. Bộ Quốc phòng Nga đồng thời thông báo với vai trò trung gian của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh rằng đại diện Azerbaijan và lực lượng sắc tộc Armenia tại vùng lãnh thổ này đã đạt thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng ra tuyên bố tương tự. Nhưng, những người dân tại đây vẫn ồ ạt rời đi.

Khủng hoảng ẩn mình trong căng thẳng Nagorno – Karabakh -0
Dòng xe xếp hàng chờ di chuyển tới Armenia. Ảnh: TG

Trên thực tế, khu vực Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng. Vì thế, bất chấp tuyên bố của chính quyền Azerbaijan về việc sẽ đảm bảo quyền lợi cho người tộc Armenia, những người Armenia ở đây vẫn lo ngại bị thanh lọc sắc tộc. Lãnh đạo Nagorno-Karabakh phát biểu với hãng tin Reuters rằng phần lớn người Armenia ở đây không muốn sống ở Azerbaijan và họ sẽ rời đến Armenia sau chiến dịch hôm 19/9. Tính tới 27/9, theo The Guardian, ít nhất ¼ dân số tại vùng ly khai này đã đến Armenia. Chính phủ Armenia đồng thời xác nhận đã tiếp nhận hơn 28.000 người tị nạn từ vùng ly khai này.

Ngay khi dòng người di chuyển đến Amernia ngày một đông lên thì truyền thông đưa tin, một vụ nổ lớn đã xảy ra ở thành phố Stepanakert, thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh vào tối 25/9, khi hàng trăm người đang xếp hàng trước kho nhiên liệu để nhận xăng. Chính quyền vùng ly khai Nagorno-Karabakh cho biết ít nhất 68 người đã thiệt mạng, 105 người mất tích và gần 300 người bị thương trong vụ việc. Khủng hoảng nhân đạo bắt đầu trở nên tồi tệ hơn từ đây. Cần lưu ý rằng, kể từ tháng 12/2022, Armenia đã cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo tại khu vực Nagorno-Karabakh do lương thực và thuốc men dần cạn kiệt sau các biện pháp hạn chế sử dụng hành lang Lachin. Hành lang này là tuyến đường duy nhất nối Armenia với Nagorno-Karabakh.

Vào ngày 12/12/2022, một nhóm công dân Azerbaijan đã dựng rào chặn Hành lang Lachin. Tình hình nhân đạo càng trở nên thảm khốc hơn sau vụ nổ kho xăng ở Stepanakert, khi phần lớn nạn nhân là những người đang xếp hàng ở đây chờ nhận xăng để có thể di tản tới Armenia. Việc thiếu hụt nhiên liệu ở Stepanakert trong nhiều tháng, cùng với vụ nổ xảy ra hôm 25/9, đã khiến quá trình dịch chuyển của người dân càng trở nên khó khăn hơn, trong khi nguồn lương thực dự phòng cho họ đang hạn chế.

Trước tình hình này, ngày 26/9 (giờ địa phương), Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhấn mạnh cần bảo vệ quyền lợi của người sắc tộc Armenia rời khỏi Nagorno-Karabakh. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ nêu rõ: "Tổng Thư ký lo ngại về những người phải rời bỏ nơi ở để đến Armenia. Điều cần thiết là bảo vệ quyền lợi của những người này và họ cần nhận được hỗ trợ nhân đạo". Trong khi đó, EU trong một tuyên bố nhấn mạnh "sự cần thiết của tính minh bạch và khả năng tiếp cận của các tổ chức nhân đạo, nhân quyền quốc tế, cũng như việc biết thêm chi tiết về tầm nhìn của Baku đối với tương lai của người Armenia ở Karabakh". Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh việc bảo vệ dân thường ở Nagorno-Karabakh và cho phép những người này tiếp cận viện trợ nhân đạo.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, ông Blinken đã nêu bật sự cấp bách của việc không có thêm hành động căng thẳng nào, bảo vệ quyền tự do đi lại cho dân thường, cũng như việc tiếp cận viện trợ nhân đạo ở Nagorno-Karabakh. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cũng xác nhận nước này sẽ hỗ trợ bổ sung để giúp cộng đồng địa phương "cung cấp nơi ở và các vật dụng thiết yếu để giải quyết nhu cầu của những người bị ảnh hưởng hoặc phải di dời do bạo lực ở Nagorno-Karabakh".

Trong diễn biến mới nhất, cố vấn chính sách Tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev hôm 27/9 cho biết cuộc gặp giữa cố vấn an ninh quốc gia Azerbaijan, Armenia cùng với Pháp và Đức đã thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Baku với Yerevan. Cùng ngày, EU đã ra tuyên bố cho biết đại diện Armenia và Azerbaijan đã thảo luận về "những bước cụ thể khả dĩ" để thúc đẩy tiến trình hòa bình, bao gồm việc phân định biên giới, những như các vấn đề về an ninh, kết nối và nhân đạo. Tuyên bố của EU khẳng định các cuộc gặp vừa qua đã cho phép các bên trao đổi kĩ lưỡng về khả năng tiến hành cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Azerbaijan và Armenia bên lề hội nghị thượng đỉnh của EU vào ngày 5/10 tới.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vẫn kêu gọi Azerbaijan cho phép các quan sát viên quốc tế tiếp cận khu vực Ly khai Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, chính quyền Nagorno-Karabakh yêu cầu người dân tạm dừng rời đi để giữ đường thông thoáng cho các dịch vụ khẩn cấp và cho biết xe buýt sẽ được cung cấp cho những người muốn đến Armenia. Số phận của những người dân Nagorno-Karabakh đang là điều cần được quan tâm nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo thực sự sẽ xảy ra.

An Nhiên
.
.