Hòa bình mong manh trên lằn ranh mâu thuẫn sắc tộc ở Syria
Bất ổn do mâu thuẫn sắc tộc ở vùng Sweida miền Nam Syria trở thành lí do để Israel phát động đợt không kích quy mô lớn nhắm vào trụ sở Bộ Quốc phòng Syria và các mục tiêu ở Thủ đô Damascus. Dù Mỹ tuyên bố các bên đã đạt thỏa thuận ngừng bắn, giao tranh có nguy cơ tái bùng phát khi nội bộ người Druze, tâm điểm của căng thẳng, đang chia rẽ sâu sắc về sự can thiệp của Israel.
Vài giờ sau nỗ lực ngoại giao con thoi của Mỹ và một ngày sau loạt trận không kích dữ dội của Israel vào Thủ đô Damascus của Syria, ngày 17/7 (giờ địa phương), Bộ Nội vụ Syria và đại diện cộng đồng người Druze ở thành phố Sweida phía Nam Syria đã công bố thỏa thuận ngừng bắn mới, theo đó “chấm dứt hoàn toàn và ngay lập tức” mọi hoạt động quân sự. Một Ủy ban gồm đại diện của chính phủ Syria và lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Druze sẽ sớm được thiết lập để giám sát việc ngừng bắn. Trong ngày 17/7, phương tiện cơ giới của quân đội Syria đã bắt đầu rời khu vực trung tâm Sweida.

Nguồn cơn bất ổn ở Sweida bùng phát từ đầu tháng 7/2025 khi mâu thuẫn giữa cộng đồng thiểu số người Druze và các bộ tộc Bedouin địa phương bùng phát thành các vụ đụng độ. Trong khi người Druze có quan hệ gần gũi với Israel, các bộ lạc Bedouin giữ lập trường trung thành với chính phủ ở Damascus của Tổng thống lâm thời Ahmed al-Sharaa.
Tuần trước, lực lượng của Chính phủ Syria được triển khai tới Sweida tái lập trật tự, nhưng Israel cáo buộc họ đứng về phía các bộ tộc Bedouin chống lại người Druze. Ngày 16/7, Israel lấy đó làm lí do không kích trụ sở Bộ Quốc phòng và các mục tiêu khác ở Thủ đô Damascus của Syria. Thống kê của Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho thấy, 350 người đã thiệt mạng vì bất ổn ở Sweida. Ngoài ra, ít nhất 3 người chết, 34 người khác bị thương do đòn tập kích của Israel vào Damascus.
Khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tối 16/7 thông báo về lệnh ngừng bắn, ông khẳng định tất cả các bên, gồm Israel, đã nhất trí "chấm dứt tình hình đáng lo ngại hiện nay". Từ trưa 17/7, các vụ đụng độ lớn không còn được ghi nhận ở Sweida, nhưng truyền thông khu vực nói rằng Israel vẫn tiếp tục không kích mục tiêu quân đội Syria gần biên giới hai nước. Hãng tin Newsweek cho hay, Israel đang điều chuyển một lữ đoàn từ mặt trận Gaza tới khu vực biên giới Syria, chỉ dấu cho thấy xung đột có thể tái bùng phát.
Bên cạnh đó, trong nội bộ cộng đồng Druze đã bộc lộ không ít mâu thuẫn. Theo Times of Israel, thủ lĩnh có ảnh hưởng trong cộng đồng Druze là Sheikh Hikmat al-Hijri ngày 17/7 bất ngờ ra tuyên bố bác bỏ thoả thuận ngừng bắn mà các bên vừa công bố. “Không thể có thỏa thuận hoặc đàm phán với các nhóm vũ trang tự xưng là chính phủ Syria”, ông al-Hijri nói, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và “những người có ảnh hưởng trên thế giới” hãy “cứu Sweida”.
Trong khi đó, lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Druze Sheikh Yousef Jarbou lại ủng hộ thoả thuận ngừng bắn, kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm thoả thuận và chỉ trích việc Israel tấn công lãnh thổ Syria. “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào đất nước Syria đều là cuộc tấn công vào cộng đồng người Druze”, ông Jarbou tuyên bố.
Từ Damascus, Chính phủ Syria gay gắt lên án cuộc không kích của Israel. Tổng thống lâm thời Syria al-Sharaa ngày 17/7 cáo buộc Israel cố tình gây bất ổn ở biên giới và đề nghị cộng đồng quốc tế gây sức ép với Tel Aviv. Ông cũng khẳng định, việc bảo vệ người Druze và các quyền của cộng đồng thiểu số này là "ưu tiên hàng đầu" của Damascus.
"Chúng tôi bác bỏ mọi nỗ lực - dù trong hay ngoài nước - nhằm gieo rắc bất hòa trong hàng ngũ của chúng ta. Tất cả chúng ta đều là đối tác trên mảnh đất này và chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ nhóm nào bóp méo sự đa dạng của Syria", ông al-Sharaa nhấn mạnh. Đáng chú ý, ông al-Sharaa cảnh báo, người Syria “không phải là những người sợ chiến tranh, bởi chúng tôi đã dành cả cuộc đời để đối mặt với những thách thức và bảo vệ người dân”. Tuy nhiên, ông tỏ ra ủng hộ giải pháp hoà bình khi cam kết “đặt lợi ích của người dân Syria cao hơn là hỗn loạn và huỷ diệt".
Trong hai ngày 16 và 17/7 nhiều nước và tổ chức đã lên tiếng về cuộc không kích của Israel vào Syria. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc Israel tấn công Damascus là hành động có chủ đích nhằm phá hoại sự ổn định của Syria. “Người dân Syria đang đứng trước cơ hội lịch sử để sống trong hòa bình và hòa nhập với thế giới. Tất cả các bên liên quan ủng hộ cơ hội này nên đóng góp vào nỗ lực khôi phục hòa bình của chính phủ Syria”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi.
Từ Tehran, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi kêu gọi thế giới thống nhất hành động nhằm buộc Israel dừng các cuộc tấn công nhắm vào Syria cũng như nhiều nước khác ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao một loạt quốc gia Arab ở khu vực như Ai Cập, Jordan, Iraq ra tuyên bố lên án chiến dịch tập kích của Israel vào Syria, coi đó là hành vi xâm phạm lãnh thổ Syria và đe dọa sự ổn định của toàn khu vực Trung Đông. Theo AlJazeera, phát ngôn viên Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cũng nêu rõ: “Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án các cuộc không kích leo thang của Israel vào Sweida, Daraa và trung tâm thành phố Damascus, cũng như các báo cáo về việc Israel tái triển khai lực lượng tới Cao nguyên Golan”.
Giới quan sát nhận định, ngoài vấn đề bảo vệ người Druze, việc Israel tấn công Syria còn nhằm mục tiêu đảm bảo các lực lượng Syria phải lùi xa khỏi biên giới Israel và phần Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Trong bối cảnh mâu thuẫn sắc tộc, lợi ích địa chính trị và can thiệp từ bên ngoài chồng lấn, thỏa thuận ngừng bắn mà các bên đạt được mới là giải pháp tạm thời. Nếu không có một chiến lược đối phó tổng thể, bất ổn ở Sweida có thể tác động tiêu cực vào tiến trình ổn định của Syria.