Lao động “xuất ngoại” cần phải tuân thủ pháp luật để được bảo vệ

Chủ Nhật, 03/11/2019, 07:04
Mong muốn ra nước ngoài làm việc là nguyện vọng chính đáng của lao động Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh việc ra nước ngoài làm việc bằng con đường chính thống, vẫn còn không ít lao động đã phải bỏ nhiều tiền để đi theo những đường “phi chính thức” và gặp phải không ít rủi ro...


Câu chuyện về 39 người bị chết khi đang trên đường nhập cư trái phép vào Anh trong đó nghi vấn có người Việt khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Hiện có hơn 500 nghìn lao động Việt Nam đang đi làm việc ở rất nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mong muốn ra nước ngoài làm việc là nguyện vọng chính đáng của lao động Việt Nam. Tuy vậy, bên cạnh việc ra nước ngoài làm việc bằng con đường chính thống, vẫn còn không ít lao động đã phải bỏ nhiều tiền để đi theo những đường “phi chính thức” và gặp phải không ít rủi ro.

Vậy giải pháp nào để ra nước ngoài làm việc là lựa chọn an toàn của người dân, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TBXH).

PV: Xin ông cho biết hiện lao động Việt Nam đang tập trung làm việc chủ yếu ở thị trường nào?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Trong những năm gần đây số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng đều hằng năm, trung bình gần 10.000 người lao động một năm. Năm 2015 là 115.980 người; năm 2016 là 126.296 người; năm 2017 là 134.751 người; năm 2018 là 143.000 người và riêng tháng 10 năm 2019 là 120.000 người.

Phần lớn lao động ta đi làm việc ở nước ngoài tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, trong đó thị trường khu vực Đông Bắc Á (Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) tăng mạnh, chiếm hơn 90% số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhật Bản với số lượng dẫn đầu chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2018. Còn lại là Đài Loan, Hàn Quốc và các thị trường khác ở Trung Đông, châu Âu.

PV: Theo như ông nói thì thị trường châu Âu hiện không nằm trong số những thị trường phổ biến đối với lao động Việt Nam?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Hiện tại, chỉ có 9 quốc gia ở châu Âu cho phép lao động phổ thông Việt Nam làm việc hợp pháp. Người lao động đi làm việc ở các thị trường này đều cần phải có: Hợp đồng lao động; visa và giấy phép lao động hợp pháp do chính quyền nước tiếp nhận cấp (đảm bảo làm các công việc hợp pháp mà nước tiếp nhận có nhu cầu và cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài).

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Người lao động đi làm việc tại các nước châu Âu có thể thông qua các hình thức sau: Thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động.

Đối với thị trường châu Âu, hiện nay Cục thẩm định và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của một số thị trường và điều kiện hợp đồng như sau: Ba Lan có nghề hàn, cơ khí, chế biến thực phẩm, chi phí đi 3.000 USD; Lithuania có nghề hàn, may mặc, chi phí đi 1.000-1.500 USD; Hungari có nghề nông nghiệp, công nghiệp, chi phí đi 1.650 USD; Bulgaria có nghề cơ khí, chế biến gỗ, may công nghiệp, chi phí đi 1.000 USD; Cộng hòa Cyprus có nghề nông nghiệp, chi phí đi 1.700 USD; Thổ Nhĩ Kỳ có nghề may, chi phí đi 1.300 USD; Slovakia có nghề điện tử, chi phí đi 4.000 USD; Belarus có nghề xây dựng, hàn, mộc chi phí đi 3.500 USD; Bồ Đào Nha có nghề nông nghiệp, chi phí đi 2.000 USD. Các thị trường này có mức lương dao động từ 360- 580 EUR/tháng.

PV: Theo như thông tin của ông thì cũng đã có đến 9 quốc gia ở châu Âu có thỏa thuận hợp tác lao động và tiếp nhận lao động Việt Nam. Tại sao số lao động Việt Nam đi làm việc ở thị trường này vẫn rất thấp?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Châu Âu, đặc biệt là các nước Đông Âu là nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc từ hàng chục năm lại đây, rất gần gũi và thân thiện với người Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường lao động khá khó tính, với yêu cầu thủ tục nhập cảnh vào làm việc chặt chẽ (trình độ tay nghề, kỹ năng, bằng cấp, ngoại ngữ…).

Gần đây, do kinh tế phát triển ổn định, một số nước khu vực châu Âu do thiếu nhận lực trong một số lĩnh vực, nên họ có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện các hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở một số nước thuộc châu Âu với khoảng 6.000 người, chủ yếu ở các nước như Rumani, Ba lan, Sip, Slovakia… với mức thu nhập trung bình khoảng 500-1.000 USD, tùy theo từng ngành nghề, công việc người lao động làm.

Bên cạnh đó, còn có một số lượng người Việt Nam đi sang các nước theo hình thức cá nhân để làm việc, kinh doanh… Số lượng lao động Việt Nam đến các thị trường này còn thấp là do số lượng tiếp nhận lao động của các nước này còn hạn chế. Thêm vào đó, người lao động Việt Nam không có đủ các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ.

PV: Câu chuyện 39 người chết khi đang trên đường nhập cảnh trái phép vào Anh khiến dư luận những ngày qua hết sức xót xa. Ông nhận định thế nào về vụ việc trên?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Với thị trường châu Âu, 3 năm trở lại đây Việt Nam mới có hơn 4.491 người đi theo hợp đồng. Hiện tại, nước Anh không cấp giấy phép cho lao động phổ thông của Việt Nam. Để làm việc hợp pháp tại các nước châu Âu, trước tiên lao động Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, thông qua các doanh nghiệp đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định và chấp thuận cho phép thực hiện hợp đồng cung ứng lao động thì người lao động có thể đi bằng hình thức hợp đồng cá nhân. Với hợp đồng này, người lao động phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở LĐ-TB&XH các địa phương và đã được Sở LĐ-TB&XH các địa phương thẩm định và chấp thuận. Hình thức đi làm việc ở nước ngoài bằng hợp đồng cá nhân nghĩa là người lao động tự ký kết hợp đồng lao động với chủ sử dụng ở nước ngoài, trong trường hợp này, yêu cầu người lao động phải có các điều kiện như: Có trình độ ngoại ngữ đủ để đàm phán hợp đồng với chủ sử dụng nước ngoài (thường là thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng bản địa); có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng lao động (thường là các ngành nghề kỹ thuật bậc cao theo chuẩn nghề quốc tế hoặc kỹ sư); người lao động tự chịu trách nhiệm với nội dung hợp đồng đã ký với chủ sử dụng lao động đảm bảo đúng với pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận. Tuy vậy cần phải lưu ý danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp và sức khỏe, nhân phẩm người lao động.

PV: Theo ông tại sao, các quy định về đưa người ra nước ngoài làm việc hiện nay rất chặt chẽ, nhưng vẫn có không ít người lao động phải bỏ ra chi phí ban đầu không nhỏ cộng thêm cả nguy hiểm, rủi ro cao để đi làm việc “chui” ở châu Âu thay vì chọn các thị trường khác hợp pháp?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Tôi cho rằng, những lao động Việt Nam đi theo kênh tự do có thể vì các lý do: Không có các điều kiện tiêu chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ; họ mong đợi sẽ nhận được mức lương cao hơn quy định. Bên cạnh đó, họ không lường trước được những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp.

Tâm lý muốn được đi nhanh, không muốn mất thời gian chờ đợi, làm thủ tục theo quy định để được đi làm việc ở nước ngoài, từ đó dẫn đến việc họ dễ nghe theo lời dụ dỗ, hay các thông tin không trung thực của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo; người lao động không lường trước được những hậu quả, rủi ro và nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình di cư bất hợp pháp.

PV: Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Cục đã có những biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này? 

Ông Nguyễn Gia Liêm: Không chỉ có lao động “tự đi” mà còn có cả tình trạng lao động ra nước ngoài theo các kênh không chính thống rồi ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro, trước hết là nguy cơ không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện. Bất đồng về văn hóa, ngoại ngữ rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động nhưng lại không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.

Nhiều năm qua, Cục đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt tới lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Cục đã có không ít công văn gửi các địa phương để cảnh báo về tình trạng lao động ra nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp; đồng thời, đề nghị các sở kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động đi làm việc ở nước ngoài của công dân tại địa phương, trên cơ sở đó nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng tiến hành môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

PV: Từ câu chuyện đau lòng vừa xảy ra, ông có lưu ý gì với những người đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước còn hạn chế, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp. Mục đích đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là nhằm tạo và giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ nghề và kỹ năng cho một bộ phận người lao động, góp phần nâng cao đời sống cho gia đình người lao động.

Tuy nhiên, người lao động cần phải nhận thức được việc ra nước ngoài làm việc phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận để được pháp luật bảo vệ, tức là đi làm việc bằng con đường hợp pháp thì mới an toàn. Để đảm bảo việc đi làm việc ở nước ngoài một cách an toàn, hợp pháp, người lao động cần phải tìm hiểu các thông tin về: Thị trường lao động ngoài nước, các quy định pháp luật liên quan đến việc đi làm việc ở nước ngoài, cũng như đến đúng các doanh nghiệp, tổ chức có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Những thông tin như vậy có thể tra cứu trên các trang thông tin chính thống của cơ quan quản lý nhà nước (Cục QLLĐNN, Sở LĐ-TB&XH địa phương), các doanh nghiệp, các tổ chức sự nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoặc đến trực tiếp các cơ quan lao động, chính quyền địa phương nơi cư trú để có thêm thông tin. Để đảm bảo việc tuyển đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người tuyển dụng cung cấp thông tin, đầy đủ và rõ ràng về người sử dụng ở nước ngoài, địa chỉ làm việc, nội dung công việc, các điều kiện làm việc, ăn ở, các quyền lợi về tiền lương, bảo hiểm và các chế độ khác. Đặc biệt cần làm rõ các khoản chi phí để đi làm việc ở nước ngoài, cũng như yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp thu tiền phải có hóa đơn trên đó ghi rõ tên doanh nghiệp, tổ chức, chữ ký của người có trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức.

PV: Với những lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài khi gặp khó khăn cần sự giúp đỡ thì họ có thể liên hệ tới đâu thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Người lao động đang làm việc ở nước ngoài nếu cần sự giúp đỡ thì liên hệ với Cơ quan đại diện (Đại sứ quán/ Ban Quản lý lao động) Việt Nam ở nước sở tại; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (đường dây nóng bảo hộ công dân); Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ- TBXH) website: www. Dolab.gov.vn hoặc phòng Thông tin - Tuyên truyền - Cục QLLĐNN: 024.38249517 máy lẻ 511/512/513.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.