Trò chuyện Chủ nhật

Kiểm soát tài sản công chức qua kê khai tài sản

Chủ Nhật, 11/03/2018, 08:41
Với quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, thời gian vừa qua đã có một số cán bộ cao cấp phải ra hầu toà. Các vụ việc tham nhũng được đưa ra ánh sáng cùng với những khối tài sản khổng lồ đã lộ ra lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát tài sản của các công chức, trong đó có quan chức cấp cao. Đây cũng là vấn đề đang được Quốc hội bàn thảo để sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa Tiến sỹ, dư luận hiện rất quan tâm đến Luật Phòng, chống tham nhũng sẽ được sửa đổi tới đây. Vậy ông có thể cho biết, những điểm mới trong dự luật này?

Tiến sỹ Đinh Văn Minh.

Tiến sỹ (TS) Đinh Văn Minh: Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng đang được sửa đổi và trình Quốc hội thông qua. Một vấn đề được dư luận quan tâm và cơ quan soạn thảo dành nhiều thời gian xem xét chính là vấn đề kiểm soát tài sản, nhất là xem xét đối tượng kê khai, loại tài sản kê khai cho phù hợp. Trong dự luật có 2 vấn đề lớn dự kiến sửa đổi, đó là vấn đề về việc xử lý kê khai không trung thực và tài sản từ kê khai không trung thực, giải trình không đầy đủ.

PV: Nhìn từ thực tế, thời gian qua, việc kê khai tài sản triển khai đúng trình tự, thủ tục, số lượng... nhưng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, việc kiểm soát tài sản nhằm phòng chống tham nhũng vẫn chỉ là hình thức, lượng tài sản tham nhũng thu hồi được cũng rất thấp. Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Vấn đề kiểm soát tài sản đã được đưa ra từ lâu rồi từ Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng năm 1998, qua nhiều lần sửa đổi, hoàn thiện. Tuy nhiên, việc thực kê khai tài sản đảm bảo sự trung thực và việc kê khai phát hiện hành vi tham nhũng để thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp nên vấn đề này được coi là trọng tâm trong sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng lần này.

Tổng kết 10 năm cho thấy, chúng ta thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu qua bản án hình sự. Số tiền phải thu hồi qua bản án là 60 nghìn tỷ đồng mà chỉ thu hồi được khoảng 4.000 tỷ đồng. Đó là số có bản án, còn số nửa trắng nửa đen, nguồn gốc chưa rõ ràng thì hầu như chưa thu hồi được. Mà thu hồi qua bản án thì phải thực hiện theo một trình tự rất phức tạp, chặt chẽ nên phải hướng đến thu hồi qua biện pháp hành chính, kinh tế, thu hồi qua trình tự dân sự…

Chúng ta đã có quy định xử lý người kê khai không trung thực với nhiều hình thức khác nhau, Quy định 102 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đặt vấn đề xử lý rất nặng đảng viên kê khai không trung thực. Nhưng vấn đề khó khăn hơn chính là xử lý tài sản không được kê khai đầy đủ khi phát hiện ra.

PV: Có quan điểm cho rằng, tài sản không kê khai là tài sản bất minh, cần phải tịch thu. Vậy trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa Tiến sỹ?

TS Đinh Văn Minh: “Không kê khai tức là anh giấu, mà anh giấu thì có nghĩa đó là tài sản bất minh và có quyền tịch thu” - đó là cách hiểu rất đơn giản, xã hội có quyền nghĩ đơn giản thế, nhưng không thể làm như thế được. Người ta không kê khai trung thực thì đó là vấn đề không trung thực, còn tài sản đó có bất minh không thì lại là chuyện khác, trách nhiệm của nhà nước là phải chứng minh.

Có nhiều người không kê khai không phải vì tài sản đó bất minh mà là vì người ta không muốn khai, có thể người ta muốn trốn thuế, cũng có thể vì những lý do cá nhân không muốn cho người khác biết để tránh mâu thuẫn trong gia đình… Vậy tài sản không được kê khai đầy đủ cũng có nhiều loại khác nhau chứ chúng ta không thể khẳng định được tài sản không kê khai là bất hợp pháp.

Tất nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp không trung thực vì tài sản đó không giải trình được do có dấu hiệu bất minh từ những nguồn thu nhập không hợp pháp. Nhưng cũng có những trường hợp như đã nói ở trên là hợp pháp nên phân ra nhiều loại để xử lý. Dự luật này đưa ra một giải pháp rất mới, thậm chí là hơi lạ, nhưng chỉ mới với Việt Nam chứ không mới với nước ngoài. Đó là tính thuế đối với tài sản không kê khai. Đơn giản ta cứ coi đó là thuế thu nhập.

Hiện nay, dự luật đưa ra mức thuế 45% là có đối chiếu với các sắc thuế khác. Tỷ lệ đó là rất tương đối, có thể là 45 hoặc chỉnh sửa tăng lên 50, thậm chí là 60%...  Đó là giải pháp rất nhanh, phát hiện ra là thu được ngay, và có lẽ người nộp thuế sẽ chấp nhận.

Nhưng ngược lại, nếu chúng ta coi đó là tài sản bất minh thì không có căn cứ, thứ hai là tịch thu thì phải theo trình tự tư pháp. Ở đây chỉ đặt vấn đề thuế tài sản thì đảm bảo tăng khả năng thu hồi và đó cũng là một sức ép để người ta kê khai tài sản trung thực.

PV: Thu thuế thu nhập với tài sản không kê khai, vậy vô hình chung sẽ hợp pháp hoá tài sản không kê khai, mà tài sản đó có thể có nguồn gốc bất hợp pháp?

TS Đinh Văn Minh: Không phải vậy. Chuyện đánh thuế là đánh thuế. Có người nói người ta chỉ đánh thuế trên tài sản hợp pháp, cũng không phải. Anh có tài sản thì anh nộp thuế, còn tài sản bất hợp pháp lại là việc khác. Vậy thì tài sản quan chức đã nộp thuế rồi, nhưng không có nghĩa là tài sản đó không do tham nhũng. Người ta vẫn có thể tịch thu tài sản đó nếu chứng minh đó là tài sản bất hợp pháp. Tức là không phải ta thu thuế để hợp thức hóa cho tài sản đó.

Một bản kê khai được coi là không trung thực, ngoài việc ngay lập tức phải nộp thuế thì đó cũng là một căn cứ để cơ quan nhà nước tiếp tục làm rõ. Và trách nhiệm của cơ quan phải làm rõ nguồn gốc tài sản đó. Như vậy với việc đánh thuế rất nhanh chóng, gọn gàng thì bản thân cơ quan nhà nước cũng phải nâng cao năng lực chuyên môn trong việc chứng minh, tìm ra nguồn gốc, xem thực sự nó là cái gì, nếu nó là tài sản bất hợp pháp thì có thể tịch thu, đó là trình tự khác.

PV: Hiện nay, các bản kê khai tài sản công chức chủ yếu do cán bộ tổ chức của cơ quan tiếp nhận lưu giữ. Thậm chí bản khai không được giám sát mà kê xong lại cất vào tủ. Thế nên việc kê khai hầu như chỉ là để cho xong thủ tục, đúng không thưa ông?

TS Đinh Văn Minh: Đúng vậy. Hiện nay việc kê khai, kiểm soát tài sản không tập trung, bản kê khai chủ yếu do bộ phận tổ chức cán bộ cơ quan giữ, nó rất tản mát. Thực ra, người thực hiện việc đó không có chuyên môn, cử một người ghi vào sổ ký nhận, cất vào tủ là xong, nên không có hiệu quả. Chưa kể là để đi thẩm tra xác minh phải qua rất nhiều thủ tục. Qua 10 năm tổng kết phòng chống tham nhũng cho thấy, hàng năm đều có cả triệu bản kê khai tài sản nhưng cuối cùng thẩm tra xác minh không đáng bao nhiêu, chỉ vài chục bản và chúng ta kết luận được hơn chục trường hợp vi phạm, một con số quá ít. Để khắc phục thì dự luật dự kiến chuyển cho cơ quan thanh tra là cơ quan có chuyên môn quản lý, kiểm soát việc này.

PV: Một trong những lý do khiến thu hồi tài sản tham nhũng thấp là do tài sản bị tẩu tán. Vậy qua việc kê khai, kiểm soát tài sản, có cách gì khắc phục tình trạng này?

TS Đinh Văn Minh: Phải kiểm soát chi tiêu, đầu vào đầu ra. Vì bây giờ cán bộ công chức thu nhập từ nhiều nguồn. Ai cũng biết lương của cán bộ công chức thấp, lương cao nhất chưa đến 16 triệu đồng. Điều đó ai cũng biết cả, nhưng thu nhập thực tế thì cao hơn nhiều. Mà thu nhập đó là thu nhập hợp pháp, từ ngân sách như các khoản phụ cấp, hội họp, tham gia dự án cũng có tiền dự án, thậm chí tôi tham gia làm Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi thì tôi cũng được bồi dưỡng...

Đó là tiền ngân sách, mà đó là thu nhập tử tế. Nhưng vì sao chúng ta không kiểm soát được là bởi chúng ta dùng tiền mặt quá nhiều mà không sử dụng hệ thống quản lý chuẩn. Bản thân từng cá nhân cũng không biết chính xác thu nhập bao nhiêu tiền.

Thế nên tất cả các khoản chi cho công chức từ ngân sách thì phải qua chuyển khoản, kể cả 100.000 đồng. Rồi phần chi ở mức độ nào đó cũng phải kiểm soát. Trước đây ta chỉ kiểm soát phần tài sản tăng lên thì giờ tài sản giảm đi cũng phải kiểm soát để tránh tẩu tán tài sản.

PV: Hiện chúng ta có hơn 1 triệu người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, có ý kiến cho rằng nên quy định đối tượng kê khai tài sản thu hẹp lại để tập trung hơn, hiệu quả hơn. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng kê khai. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

TS Đinh Văn Minh: Tất cả mọi người khi bắt đầu làm công vụ là phải kê khai và khi nào bổ nhiệm thì phải kê khai giống như lý lịch công chức. Hiện nay chúng ta thực hiện kê khai hàng năm là không cần thiết. Khi nào tài sản có biến động thì kê khai. Có ý kiến ở Quốc hội lại đề nghị phải kê khai tất cả từ ông bà bố mẹ, con cái, tức là kê khai 3 đời, nhưng đó là cách nhìn cũ. 

Trước đây gia đình 3 đời ở với nhau, tức là “tam đại đồng đường”, ngày xưa tài sản nhìn thấy được như ruộng đất, nhà cửa, trâu bò… Nhưng bây giờ, tài sản không nhìn thấy, tiền thì ở trong tài khoản, cổ phiếu, thậm chí ai chơi bitcoin thì còn phức tạp nữa. Vì vậy mở rộng bao nhiêu cũng không đủ. Một mặt phải xác định đối tượng cho đúng, và kiểm soát trên bình diện xã hội, kiểm soát tài sản dịch chuyển... 

Để thực hiện hiệu quả phòng chống tham nhũng thông qua việc kiểm soát tài sản, thu nhập thì các cơ quan phải vào cuộc đồng bộ, từ ngân hàng, cơ quan nhà đất, cơ quan quản lý quản lý được tài sản dịch chuyển....

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hà (thực hiện)
.
.