Vaccine không phải là tấm lá chắn tuyệt đối

Chủ Nhật, 14/11/2021, 21:49

86% những người nhiễm COVID-19 đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine, khảo sát của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (ngày 5-11) nói lên điều gì? Chúng ta cần phải nhìn nhận ra sao về dịch bệnh ngay cả khi đã được trang bị đầy đủ vaccine? Đấy là những vấn đề thiết yếu mà các chuyên gia chia sẻ với ANTG GT-CT.

PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Không thể ỷ lại vào vaccine”

- Phóng viên: Hiện tại số ca F0 ngoài cộng đồng có dấu hiệu tăng trở lại. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

- PGS. Trần Đắc Phu: Thứ nhất, khi nhiều địa phương đã điều chỉnh nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hoạt động trở lại bình thường sẽ tăng điều kiện tiếp xúc của người dân. Nhiều người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng nên trong trường hợp dịch còn trong cộng đồng và âm thầm lây lan, rất khó nhận biết. Thứ hai, thời gian qua có nhiều ca bệnh đi từ vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao, bùng phát dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về các địa phương và lây cho các đối tượng khác. Đáng lo ngại là người nhiễm bệnh lây cho những người chưa tiêm vaccine, gây bùng phát dịch ở những khu vực có tỉ lệ tiêm vaccine thấp.

Thứ ba, thời gian này ý thức giữ gìn cho gia đình, cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh giảm xuống. Nhiều người dân đã được tiêm 1 hoặc tiêm đủ 2 mũi vaccine có tâm lý "yên tâm tuyệt đối", đi lại, tiếp xúc nhiều và không áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Vaccine không phải là tấm lá chắn tuyệt đối -0
PGS.TS Trần Đắc Phu.

- Hiện tại, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 là người đã tiêm 1 mũi hoặc đủ 2 mũi vaccine. Ông có thể giải thích rõ hơn về tình trạng này?

- Cần phải lưu ý rằng, trong số những người đã tiêm vaccine COVID-19 thì vẫn có tỉ lệ nhiễm bệnh nhất định. Vaccine COVID-19 có tác dụng cản lây nhiễm nhưng ở một mức độ nào đó thôi, chứ không có tác dụng tuyệt đối. Do đó, xảy ra trường hợp người dân đã tiêm 1 mũi, thậm chí đủ 2 mũi nhưng vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2.

- Những người đã tiêm vaccine COVID-19 khi nhiễm bệnh có biểu hiện gì khác so với người chưa tiêm không, thưa ông?

- Thực tế cho thấy, những người đã tiêm vaccine COVID-19 có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn, ít có biểu hiện trở nặng. Nhiều bệnh nhân có biểu hiện bệnh như cúm mùa, thậm chí có người không xuất hiện triệu chứng, có thể tự điều trị tại nhà mà không phải đi bệnh viện. Đáng mừng là những người đã tiêm vaccine, khi mắc bệnh có xu hướng phục hồi tốt hơn nhóm chưa tiêm nên ít dẫn đến tử vong. Giá trị lớn nhất của vaccine COVID-19 chính là ở điểm này.

- Ông có thể đưa ra những khuyến cáo gì cho người dân hiện nay?

- Người dân nên biết rằng, khi đã tiêm vaccine rồi vẫn có thể nhiễm bệnh và lây lan cho người khác. Cũng không loại trừ trường hợp có bệnh nhân đã tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh và trở nặng. Khi một người nhiễm bệnh sẽ lây cho gia đình, cộng đồng, lây lan ra những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp thì dịch lại bùng lên. Nguy hiểm nhất là thời điểm này dễ lây cho trẻ em mà đối tượng này lại chưa được tiêm chủng.

Có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng. Vì vậy, ngay cả khi đã tiêm vaccine thì người dân không lơ là, chủ quan, ỷ lại. Cần tuân thủ nguyên tắc 5K do Bộ Y tế khuyến cáo và nâng cao cảnh giác với dịch bệnh. Thực hiện nghiêm quy định của Bộ Y tế trong vấn đề đi lại, cách li, theo dõi sức khỏe, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch ra.

- Ở thời điểm này, tính chất phòng, chống dịch có gì khác so với giai đoạn trước, thưa ông?

- Ở giai đoạn này, tính chất phòng, chống dịch đã có nhiều thay đổi. Một số tỉnh đã tiêm vaccine dù có ca mắc nhưng không có nhiều ca nặng, không có triệu chứng nặng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhưng, cũng rất lo ngại khi nhiều nơi tỉ lệ tiêm vaccine còn thấp, hệ thống y tế còn thiếu và yếu, công tác phòng, chống dịch còn khó khăn, đặc biệt một số tỉnh còn ít kinh nghiệm do thời gian vừa rồi không có dịch hoặc dịch xảy ra với quy mô nhỏ. Ở những nơi đó mà dịch bùng lên sẽ rất nguy hiểm.

- Ông có thể cho biết, đối với người đã nhiễm COVID-19 thì có nên tiêm vaccine không và thời điểm tiêm vào lúc nào là hợp lí?

- Những người đã nhiễm COVID-19 rồi vẫn nên tiêm vaccine COVID-19. Nên tiêm vào khoảng thời gian 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, lúc đó miễn dịch trong cơ thể đã giảm nên rất cần được đẩy lên.

- Xin cảm ơn ông!

Bác sĩ Lư Phước Hòa (Bệnh viện 30-4, Bộ Công an), tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh): “Sau tiêm vaccine, vẫn cần 5K”

- Phóng viên: Hiện tại số bệnh nhân điều trị COVID-19 ở Bệnh viện dã chiến Phước Lộc có biến động gì không, thưa bác sĩ?

- Bác sĩ Lư Phước Hòa: Ở thời điểm này tình hình đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước. Số bệnh nhân nhập viện và điều trị trong khu nhẹ và trung bình tăng lên. Hiện tại có 150 bệnh nhân ở khu này, đông hơn rất nhiều so với khu nặng hiện chỉ còn hơn 20 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân nhẹ và trung bình đều đã tiêm vaccine COVID-19.

Vaccine không phải là tấm lá chắn tuyệt đối -0
Bác sĩ Lư Phước Hòa.

- Bác sĩ cho biết bệnh nhân đã tiêm vaccine nhập viện có biểu hiện bệnh như thế nào?

- Số người đã được tiêm vaccine có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn nhóm chưa tiêm ngừa. Hầu hết những người đã tiêm vaccine khi nhiễm COVID-19 đều có các triệu chứng thông thường của bệnh viêm đường hô hấp trên như ho, sốt, viêm họng, sổ mũi, mất vị giác... Rất ít bệnh nhân chuyển nặng, khó thở hay tụt SpO2 như giai đoạn trước. Những trường hợp đã tiêm vaccine chuyển nặng đa số là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc người mới tiêm 1 mũi vaccine.

- Phác đồ điều trị cho những bệnh nhân đã tiêm vaccine có điểm gì cần lưu ý, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân dù đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng khi nhiễm bệnh vẫn phải được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Đối với trường hợp bệnh nhân không triệu chứng sau 10 ngày điều trị nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được xuất viện. Đối với bệnh nhân có triệu chứng, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính thì sau 14 ngày được ra viện. Những trường hợp có triệu chứng mà xét nghiệm nồng độ virus còn cao thì điều trị tới 21 ngày, sau khi về phải cách li 1 tuần theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Điều đó cho thấy tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine COVID-19 có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng?

- Đúng vậy, tác dụng của vaccine khá rõ. Sau khi tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 thì cơ thể sẽ có kháng thể bảo vệ, ngăn chặn khả năng bệnh nặng. Nếu tiêm 2 mũi vaccine thì khả năng nhiễm bệnh ít đi và khả năng bị nặng khi nhiễm virus giảm đi đáng kể. Giai đoạn trước, số bệnh nhân nhập viện điều trị chuyển nặng phải thở oxy và chuyển sang cấp cứu rất nhiều. Ở giai đoạn này, tuy chưa thống kê cụ thể nhưng con số đã giảm rõ rệt. Khi số bệnh nhân chuyển nặng giảm thì số người tử vong cũng giảm. Do đó, áp lực điều trị đã giảm tương đối.

Tinh thần của bệnh nhân khi nhập viện điều trị ở giai đoạn này cũng ổn định hơn, tích cực hơn. Một phần vì họ có tâm lý yên tâm hơn khi đã tiêm vaccine, phần vì họ không phải chứng kiến trực tiếp những ca chuyển nặng, thậm chí tử vong ngay trong khu điều trị. Khi bệnh nhân không chuyển nặng thì họ có thể tự chủ được sinh hoạt cá nhân, tự chăm sóc được bản thân nên các điều dưỡng, y, bác sĩ đỡ vất vả hơn.

Vaccine không phải là tấm lá chắn tuyệt đối -0
Sau khi tiêm vaccine COVID-19, người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

- Hiệu quả giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển nặng của vaccine là rõ rệt nhưng một thực tế là số người dân bị nhiễm COVID-19 vẫn tăng lên. Bác sĩ lí giải điều này như thế nào?

- Hiện tại số bệnh nhân nhập viện điều trị ở Bệnh viện dã chiến Phước Lộc thuộc các lứa tuổi, các lĩnh vực lao động sản xuất. Điều đó cho thấy khi TP Hồ Chí Minh gỡ giãn cách xã hội, việc tiếp xúc, giao lưu, đi lại, làm việc nhiều hơn nên rất dễ lây lan virus khi vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng. Thêm nữa, nhiều người dân từ các tỉnh, thành phố khác đến TP Hồ Chí Minh làm việc, trong đó nhiều người chưa được tiêm vaccine cũng gây ra nhiều nguy cơ.

- Tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để sống an toàn trong điều kiện bình thường mới, người dân cần lưu ý điều gì, thưa bác sĩ?

- Cần lưu ý rằng, mặc dù đã tiêm vaccine rồi nhưng nếu không thực hiện nghiêm quy tắc 5K thì nguy cơ F0 vẫn tăng cao. Do vậy, để tránh dịch lây lan thì người dân không được chủ quan, sau khi tiêm vaccine cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt là người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine nên hết sức thận trọng vì khi nhiễm bệnh dễ chuyển nặng. Khi bị nhiễm bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, tích cực điều trị theo phác đồ của bác sĩ để bệnh tiến triển tốt.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

Huyền Châm (thực hiện)
.
.