Nhà báo Trần Mai Hưởng: Thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn

Thứ Hai, 10/06/2024, 10:16

Chúng tôi gặp nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi ông vừa trở về sau chuyến chu du nước bạn Lào cùng mấy người bạn bằng ô tô. Sở dĩ chúng tôi mời ông là nhân vật trò chuyện trên số báo ra đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024), bởi ông không chỉ là nhà báo nổi tiếng, từng làm công tác quản lý báo chí mà còn là người có vinh dự đặc biệt chứng kiến những thời khắc lịch sử của đất nước trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Và, câu chuyện giữa chúng tôi, ngoài những ký ức về một thời đã qua còn là những suy ngẫm về hôm nay...

PV: Thưa nhà báo Trần Mai Hưởng, mỗi người đến với nghề báo đều có một cơ duyên. Vậy, ông đến với nghề báo thế nào?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Hồi nhỏ tôi không nghĩ mình đi làm báo đâu. Khi đó, tôi cũng có đam mê với văn chương và cảm thấy thích viết lách. Có mùa hè tôi đến thư viện tỉnh đọc sách, thấy rất thích nhưng chỉ thế thôi, vì ngày bé tôi học thiên về các môn toán, lý, hóa nên vẫn nghĩ sau đó sẽ thi vào một trường kỹ thuật hay kinh tế.

Thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng.

Năm 1968, tôi học hết lớp 10. Ngày ấy không có kì thi đại học mà Sở Giáo dục căn cứ vào lí lịch, học bạ của từng học sinh để cử tuyển vào trường đại học. Lúc ấy, vì học bạ của tôi rất đẹp nên vẫn nghĩ sẽ được vào Đại học Bách khoa hoặc Đại học Kinh tế. Nhưng, khi nhận giấy triệu tập thì lại thấy là của trường Đại học Thể dục - Thể thao. Bố tôi, ngày ấy công tác ở Ty Lương thực tỉnh Hải Hưng, mới sang Sở Giáo dục hỏi vì sao lại cử tôi đi học Đại học Thể dục - Thể thao thì được trả lời trong lý lịch của tôi, giáo viên chủ nhiệm có ghi năng khiếu là biết đánh bóng bàn.

Khi đó tôi phân vân không biết nên đi học hay không vì thực sự không thích. Rất may, anh Hạnh (nhà báo Trần Mai Hạnh khi đó là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam) trước khi đi vào chiến trường Quảng Đà có nói lại với cán bộ tổ chức ở Thông tấn xã là: "Tôi có một cậu em, nếu cơ quan có lớp đào tạo phóng viên thì đề nghị xét cho cậu ấy vào học". Đúng lúc tôi đang phân vân thì người phụ trách đào tạo của Thông tấn xã Việt Nam gửi thư cho bố tôi nói về ý kiến của anh Hạnh. Mẹ thì muốn tôi đi học đại học, còn bố cho tôi tự quyết định. Tôi nói với bố mẹ: "Con muốn đi học phóng viên...". Vậy là tôi lên đường đi học lớp phóng viên khóa 8 do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức.

Tôi ít tuổi nhất lớp, khi đi học phóng viên mới 16 tuổi. Càng học càng thấy yêu thích nghề báo hơn, cái nghề nó thấm dần vào và tôi muốn cố gắng hơn nữa. Học xong thì tôi vào làm tại phân xã Thông tấn xã Việt Nam ở tỉnh Hà Tây. Trong hai năm 1971- 1972 tôi làm việc, học cách viết tin bài ở đó, học viết phóng sự, ghi nhanh, tường thuật... Năm 1971, tôi mượn bộ giáo trình khoa văn Đại học Tổng hợp trong thư viện tỉnh Hà Tây để tự học. Sau thì cũng nỗ lực viết từ tin đến bút ký, ghi nhanh, phóng sự, nên 2 năm sau tôi được cử đi làm phóng viên chiến trường.

PV: Nghĩa là chỉ có 2 năm vừa làm, vừa tự học rồi ông vào chiến trường?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Đúng vậy. Năm 1972, tôi nhận lệnh đi chiến trường, lúc ấy mới 20 tuổi. Làm báo ở chiến trường khó khăn đủ bề, ngoài chuyện bom đạn, hi sinh thì cái quan trọng nhất với người phóng viên là phải làm sao viết được - có sản phẩm báo chí. Viết được tin bài, chụp được ảnh ở chiến trường đã khó nhưng việc gửi về cơ quan còn khó khăn hơn, tốn bao công sức, thậm chí cả bằng máu. Viết tin thì có thể lấy báo cáo nhưng viết bài phải đi tận nơi, gặp từng người, từng gia đình, số phận một; phải quan sát, ghi chép thì mới có chất liệu để viết.

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng trao đổi với PV.

Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi. Năm 1972, sau khi giải phóng thị xã Đông Hà, tôi trở lại Triệu Phong, về Bích La Đông. Trên đường, tôi đã nghĩ: bài viết về sự kiện Bích La Đông giải phóng sẽ là một bài viết quan trọng bởi đây là quê hương của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng... Đến Bích La Đông, tôi gặp gỡ, trò chuyện với bà con để tìm hiểu cuộc sống mới của họ trên vùng đất vừa được giải phóng, trong đó có gia đình bác Lê Duẩn. Tôi đã nhờ chính quyền địa phương mời họ hàng bác Lê Duẩn tới nhà thờ họ Lê để chụp một bức ảnh. Hơn 30 người có mặt trong bức ảnh và tôi chú thích rõ từng người, đây là bác, đây là cậu, đây là em... rồi gửi ra Hà Nội. Chiến tranh, bao nhiêu năm bác Lê Duẩn chắc ít biết tin tức quê hương. 

Cần phải có bài viết càng sớm càng tốt nên tôi vội trở ra Vĩnh Linh ngay sau lễ ra mắt chính quyền cách mạng thôn Bích La Đông. Chiều ấy, khi tới Cửa Việt thì trời đã tối. Từ trưa hôm trước đến chiều tối hôm sau thì tới. Dọc đường đi, tôi vào nhà dân xin ăn, khi đến bến đò Cửa Việt thì lấy phong lương khô trong ba lô ra ăn tạm. Nhưng, bánh lương khô đã nát vụn như cám, khi mở ra, gió thổi bay tứ tung, trên tay chỉ còn một nhúm... Mất đúng 2 ngày mới về đến cơ quan, tôi lập tức viết bài và tráng phim gửi ngay ra Hà Nội. Bài viết "Bích La Đông giải phóng" được đăng trên nhiều báo tại thời điểm đó. Sau này, nghe kể lại các bức ảnh tôi chụp ở Bích La Đông đã được phóng to và gửi tặng bác Lê Duẩn. Bác Lê Duẩn đã rất xúc động vì được nhìn thấy hình ảnh quê hương, gia đình và bà con hàng xóm; bác hỏi thăm và khen ngợi phóng viên...

PV: Với người làm báo, được tham gia và chứng kiến những sự kiện lịch sử của đất nước là điều rất vinh dự. Ông là người có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4. Vì sao ông có được may mắn đó?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Tôi nghĩ đó là câu chuyện của số phận. Đầu năm 1975, gần Tết Nguyên đán, tôi đang ở cơ quan tại Hà Nội thì được thông báo vào phân xã ở Vĩnh Linh (Quảng Bình) thay nhà báo Phạm Tài Nguyên việc bận phải về quê, qua Tết thì tôi sẽ lại ra Hà Nội.

Gần Tết năm ấy, Tướng Đồng Sĩ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đi thị sát chiến trường, thăm vùng giới tuyến và vào làm việc với Khu ủy Vĩnh Linh. Tôi được dự cuộc gặp đó. Trong buổi làm việc, qua thông tin nắm bắt được, tôi cảm nhận sắp có một chiến dịch lớn diễn ra.

Sau Tết, tôi trở ra Hà Nội để theo học lớp tại chức kinh tế ở Đại học Kinh tế quốc dân vì ngày ấy lớp tại chức mỗi năm học 2 đợt. Giữa tháng 3/1975, khi ta đã đánh đến Buôn Ma Thuột, một hôm được nghỉ học, tôi đến cơ quan, biết có mấy đoàn chuẩn bị vào chiến trường. Tôi liền gặp nhà báo Lê Châu, Phó Ban tin ảnh miền Bắc và xin đi. Nhưng, ông Châu bảo các đoàn đều đã đủ người rồi, tôi đang đi học nên cơ quan không cử đi nữa. Nhưng, thấy tôi quyết tâm, ông ấy bảo muốn đi thì chỉ còn cách lên gặp nhà báo Đỗ Phượng, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã. Ngay chiều hôm ấy tôi lên gặp ông Đỗ Phượng đề nghị được trở lại chiến trường. Ông Đỗ Phượng trầm ngâm một lúc rồi nói: "Chuyện cậu đi học là chuyện nhỏ thôi. Nếu cần có thể nghỉ. Nhưng, cái chính là nhà cậu có hai anh em, Hạnh đã tham gia đoàn đi Nam Bộ rồi, nếu cậu cũng đi thì thì bố cậu sẽ lo, nên cơ quan không cử đi". Tôi nói lại: "Bố cháu sẽ đồng ý. Chú cứ cho cháu đi"... Ngay sáng hôm sau, tôi lĩnh một ba lô quần áo, đồ đạc và lên đường luôn, chỉ kịp nhắn với nhà trường xin nghỉ học, còn bạn bè tôi thậm chí không biết chuyện tôi lại vào chiến trường.

PV: Và, ông đã may mắn trở thành một trong những phóng viên đầu tiên có mặt ở Huế, Đà Nẵng ngày đầu giải phóng?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Giữa tháng 3/1975, thời điểm Huế sắp giải phóng, nhóm chúng tôi gồm 5 người, trong đó các nhà báo Lâm Hồng Long và Ngọc Quả, đi xe ô tô đến Mỹ Chánh (Quảng Trị) thì cầu bị đánh sập. Chúng tôi quyết định đi bộ suốt đêm, vượt quãng đường 40 km, cũng là vùng chiến sự để vào Huế. Đến Huế, chúng tôi chia nhau tác nghiệp ngay. Tôi và nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đi một mũi, hẹn nhau 11h trưa sẽ tập trung ở Phu Văn Lâu. Chúng tôi đi cùng xe nhóm thanh niên Huế qua cầu Trường Tiền và các địa danh để phát loa thông báo tin giải phóng. Mỗi địa điểm lại gặp gỡ, hỏi nhanh người dân mấy câu. Hơn 10 giờ về đến Phu Văn Lâu, nhìn đồng hồ chỉ còn khoảng 45 phút để viết một bài Huế giải phóng mà phải vừa có yếu tố lịch sử, vừa có không khí, có con người. Vậy là ngồi ngay bậc thềm ở Phu Văn Lâu, lấy ba lô ra kê, viết tay 3 trang giấy, tiêu đề "Huế đỏ cờ bay". Đó là bài báo đầu tiên về Huế giải phóng mà cũng tương đối đủ chi tiết.

Tôi ở Huế mấy hôm thì nghe tin Đà Nẵng được giải phóng vào ngày 29/3. Cũng may, trong thời gian ở Huế tôi tập đi xe Honda, mượn của cơ quan quân quản Huế. Thế là 4 anh em chúng tôi lập tức mượn 2 chiếc xe để đi Đà Nẵng. Tôi với Lâm Hồng Long một xe. Tới Đà Nẵng, chúng tôi chia nhau đến sân bay, đi dọc sông Hàn, cầu Trịnh Minh Thế, lên Sơn Trà, vào sở chỉ huy của địch rồi quan sát, lấy tư liệu. Ghi nhận xong, tôi lại một mình đi Honda từ Đà Nẵng về Đông Hà, chở theo phim và ảnh, từ sáng đến chiều thì tới. Đến nơi, tôi cấp tốc viết 6 trang giấy bài "Đà Nẵng ngày đầu giải phóng" để phát về Hà Nội.

Sau khi nhờ xe đặc chủng phát tin nhanh, tôi nghĩ nhiệm vụ đã hoàn thành, mình nghỉ ngơi đã. Nhưng, sau đó lập tức nhận tin, do thời tiết xấu, Hà Nội không nhận được bản thảo. Vậy là 9h30 tối, mấy anh em cùng nhau quay máy tín hiệu gửi bài thủ công bằng morse tới tòa soạn và hơn 12h đêm mới xong. Lúc ấy mệt lắm rồi, nằm xuống hầm là ngủ luôn. Khoảng 5 giờ sáng, anh em lay tôi dậy, bảo: "Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát bài anh viết". Chúng tôi cùng nhau nghe như nuốt từng lời và trào dâng niềm xúc động.

Giải phóng xong Huế thì anh Trần Mai Hạnh cũng vào tới Huế. Tôi và anh gặp nhau rồi lại chia tay. Anh đi cùng đoàn ông Đào Tùng vào Nam Bộ, xuyên qua hướng Tây Nguyên. Chúng tôi (Trần Mai Hưởng, Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm) thuộc "Tổ mũi nhọn" đi theo cánh Quân đoàn 2 trên một chiếc xe Com-măng-ca cũ. Vừa đi, vừa tìm đường, gặp cấp ủy, gặp người dân để viết bài và phát về Hà Nội.

Cùng lúc, các thành viên còn lại đi theo bộ đội lên Đà Lạt. Trên đó, anh Đinh Quang Thành ghé qua trụ sở Cục Đồ bản của quân đội Sài Gòn để chụp ảnh, lấy tư liệu và tìm được một tấm bản đồ mà sau này anh Thành tặng Quân đoàn 2, giúp bộ đội tìm đường, tổ chức các tuyến tấn công. Tấm bản đồ ấy giờ được lưu ở Bảo tàng Quân đoàn 2.

Theo đường hành quân như thế mà tôi may mắn vào đến Sài Gòn đúng trưa 30/4/1975!

Thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ chuyện hậu trường những bức ảnh trong cuốn sách “Hồi ký phóng viên chiến trường” mới xuất bản của ông.

PV: Phải chăng, vì có nhiều ký ức như vậy mà tháng 4 vừa rồi, ông đã có chuyến trở lại những nơi từng gắn bó trong chiến tranh?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Tháng 4/2024, tôi và anh Trần Mai Hạnh có chuyến đi xuyên Việt cùng một số bạn bên Báo Tổ quốc, nơi anh Hạnh làm cố vấn.

Một kỉ niệm rất đáng nhớ trong chuyến đi lần này là tôi trở lại nghĩa trang Gio Linh, thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Thu Hồng và các anh hùng, liệt sĩ trên mảnh đất giới tuyến. Sau đó, chúng tôi được gặp cô Lan, em gái liệt sĩ Thu Hồng. Hồng chính là nhân vật tôi chụp bức ảnh chân dung khi cô ấy đang ngắm súng. Bức ảnh liệt sĩ Thu Hồng có trong cuốn sách mới xuất bản của tôi. Đó cũng là một trong những bức ảnh đầu tiên tôi chụp khi vào mặt trận Quảng Trị đầu năm 1972. Ấn tượng khi gặp Thu Hồng là cô ấy rất đẹp, có nhiều nét khác những người xung quanh. Cô ấy tạo cho tôi cảm giác cô có thể là một người Hà Nội, da trắng. Sau tôi biết Thu Hồng có bố là bác Nguyễn San, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận tỉnh và mẹ là bác Lê Thị Toàn, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Trị. Nhà Thu Hồng có 4 anh chị em đều được đón ra Bắc học. Đến cuối năm 1971, Thu Hồng nằng nặc xin về quê chiến đấu khi mới 19 tuổi, làm đội viên du kích xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh.

Khi đó, tôi chụp ảnh Thu Hồng, gửi về Hà Nội để đăng báo, chân dung người nữ du kích rất đẹp. Khi cuộc tổng tiến công bắt đầu thì cô ấy hi sinh, ngay tại xã quê nhà, ngày 31/3/1972, trong trận đánh đầu tiên ở đồn Bến Ngự.

Giữa tháng 4/1972, khi quay ra bờ Bắc, tôi ghé thăm đội du kích thì mới hay tin Thu Hồng đã hi sinh! Xã đội trưởng nói với tôi rằng Hồng để lại 2 cuốn nhật kí, nhờ tôi mang sang bên kia bờ sông Hiền Lương để giao lại cho bố mẹ Hồng. Lúc bơi qua sông, tôi đã cuộn chặt 2 cuốn nhật kí vào túi nilon bọc kín để giao lại gia đình người nữ liệt sĩ dũng cảm.

Thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn -0
Bức ảnh nữ du kích Thu Hồng do nhà báo Trần Mai Hưởng chụp năm 1972, trước thời điểm cô hi sinh vài tháng.

Trở lại câu chuyện gặp Thu Lan, em gái Thu Hồng. Cách đây khoảng chục năm, tôi có đăng bức ảnh năm xưa lên Facebook cá nhân cùng bài thơ "Tuổi hai mươi" viết về Thu Hồng. Rất tình cờ là Thu Lan nhìn thấy bức ảnh. Cô nhắn tin cho tôi nói em chính là em gái chị Hồng. Sau đó hai anh em gặp nhau, rất vui.

Thu Lan nói cô vẫn lưu giữ rất trân trọng những hình ảnh, kỷ niệm về người chị gái. Tôi đã nghe Thu Lan kể chuyện hai chị em những ngày ở với ông bà ngoại; chuyện hai chị em vượt ra vùng giải phóng khi còn nhỏ tuổi để gặp bố mẹ... Lúc Thu Hồng mới hi sinh và được vùi tạm cùng đồng đội, tôi từng ghé thắp hương khi hành quân qua. Đến khi gặp Thu Lan, tôi nói với cô ấy rằng, nhất định tôi phải thăm mộ Thu Hồng một lần nữa. Cách đây 3 năm, tôi hẹn Lan từ Hà Nội vào thăm nghĩa trang, thắp hương cho Thu Hồng. Lan đã mời tất cả thành viên cùng đội du kích chị gái năm xưa tới gặp gỡ ở nghĩa trang. Tôi rất xúc động vì mọi người vẫn nhớ mình. Có người rút trong ví ra cái ảnh 3x4 bé tí tôi chụp tặng họ năm xưa. "Đây, ảnh năm xưa anh chụp tôi với cô Hồng và cô Cúc. Tôi đã giữ trong ví 50 năm. Tôi đã in phóng to bức ảnh treo ở nhà nhưng bức ảnh nhỏ này vẫn giữ", họ nói thế. Tôi nghe, thấy rất xúc động.

Trong chuyến đi vừa rồi của tôi và anh Hạnh, Thu Lan một lần nữa mời những đồng đội năm xưa của Thu Hồng và chúng tôi đã gặp nhau. Tôi đã đọc bài thơ "Tuổi hai mươi" viết về Hồng. Qua Thu Lan, tôi đã có thêm liên lạc với những đội viên du kích Quảng Trị năm xưa...

Tôi có nhiều kỉ niệm với gia đình liệt sĩ Thu Hồng. Năm 1972, tôi từng ở nhờ nhà ông bà ngoại của Hồng ven thị xã Quảng Trị. Khi đó tôi còn chụp ảnh cho ông bà. Sau này, khi tôi hành quân ra phía Bắc thì địch phản kích và đưa toàn bộ người ở vùng ấy sang trại bên kia sông. Ông cụ mất trong trại và bức ảnh tôi chụp ông là bức ảnh cuối cùng, được gia đình dùng làm ảnh thờ. Năm 1980, tôi có vào Huế và được bác Toàn (mẹ liệt sĩ Thu Hồng) mời ăn cơm...

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn -0
Các nhà báo Trần Mai Hưởng, Trần Mai Hạnh (thứ hai và thứ ba từ phải sang) cùng bà Thu Lan (người cầm bức ảnh, em gái liệt sĩ Thu Hồng) dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh, tháng 4/2024.

Với Quảng Trị thì tôi còn ấn tượng với một người nữa, đó là người nữ du kích bám trụ trên vành đai, tên là Hoàng Thị Chẩm. Mình chị ấy đã phục kích, bắn súng trường hạ nhiều tên địch. Tôi đã viết bút kí "Sức sống vành đai" về chị ấy. Năm 1983, tôi và nhà văn Nguyễn Minh Châu về Vĩnh Linh. Tôi đi bộ từ Vĩnh Linh sang Trung Hà thăm chị Chẩm. Thời ấy rất khó khăn, chị ấy gầy, mấy đứa con nheo nhóc... Sau được biết là chị Chẩm rất nỗ lực, vừa làm ruộng, nuôi con cái, lại học thêm nghề hộ sinh. Chị ấy đỡ đẻ cho nhiều người ở vùng giới tuyến. Một người từng là lính bắn tỉa trong chiến tranh sau này trở thành người đỡ đẻ những đứa bé sinh ra trong thời bình.

Trong chuyến đi vừa rồi, ở Đà Nẵng, chúng tôi có cuộc gặp rất đặc biệt với một nhân vật trong bài "Đà Nẵng ngày đầu giải phóng" là cô Vĩnh An tại một quán cafe. Chính cô Vĩnh An là người chở anh em phóng viên TTXVN đi chụp ảnh Đà Nẵng trên chiếc xe Honda của gia đình. Tôi đã viết về cô ấy và câu chuyện này trong bài tường thuật “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng".

Tôi tìm được cô Vĩnh An nhờ một nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Đà Nẵng. Cậu ấy tìm kiếm những nhóm người Đà Nẵng xưa trên mạng xã hội, đăng bài trên đó để hỏi về "Chị Vĩnh An, năm 1975 là sinh viên, từng giúp các nhà báo Thông tấn xã Việt Nam giải phóng. Ai biết chị ở đâu, xin giúp đỡ". Cuối cùng, chúng tôi tìm được nhau. Sau giải phóng, Vĩnh An tiếp tục học tập, tốt nghiệp, cô làm giảng viên đại học và có một gia đình yên ấm...

PV: Chuyến đi Lào vừa rồi, ông có trở lại những nơi từng đi qua trong chiến tranh?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Chúng tôi có mấy anh em trước làm báo cùng đi với nhau, có ông Ngô Hà Thái, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; họa sĩ Đỗ Đức và đạo diễn Phạm Lộc. Lần này chúng tôi qua Lào bằng đường bộ từ cửa khẩu Cầu Treo, đi qua thủ phủ tỉnh Borikhamxay rồi chạy về thủ đô Viêng Chăn.

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn -0
Nhà báo Trần Mai Hưởng (bìa phải) và nhà báo Phạm Văn Kiên, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại Lào trong chuyến du lịch sang nước bạn Lào cuối tháng 5/2024.

Thời chiến tranh, tôi đã có dịp đi qua tuyến đường Tây Trường Sơn trên đất Lào. Thế hệ chúng tôi được đọc nhiều sách báo về những chiến dịch của bộ đội ta ở Lào với nhiều hi sinh, đổ máu. Bởi vậy, cảm giác của tôi trong chuyến đi này khá bâng khuâng. Dọc đường đi, cứ qua đài tưởng niệm, nghĩa trang nào, dù nhỏ đi nữa, thì chúng tôi cũng dừng lại để thắp nén hương tri ân. Trải qua chiến tranh, chúng tôi hiểu đó là điều rất đáng quý. Chúng ta đã gắn bó xương máu với nước bạn Lào từ xưa nên khi đi qua những địa điểm đó, tôi thấy rất thân thuộc. Bây giờ, theo tôi, điều quan trọng nhất là làm sao để mối quan hệ gắn bó giữa người dân Việt - Lào ngày càng phát triển, các mặt hợp tác giữa các bộ, các địa phương của hai bên được tổ chức khoa học, hiệu quả hơn, xứng đáng với những gì mà thế hệ trước hi sinh để gây dựng.

PV: Là một nhà báo, rồi làm công tác quản lý, chỉ đạo khi giữ cương vị Tổng Giám đốc hãng thông tấn quốc gia, ông nhìn nhận nghề báo ngày nay thế nào?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Tôi nghĩ nghề báo là một nghề cần thiết và quan trọng với cuộc sống, với xã hội, một nghề cao quý cần nhiều sự cống hiến, hi sinh. Tại Thông tấn xã Việt Nam có hơn 260 nhà báo - liệt sĩ. Tôi từng viết câu thơ về phóng viên chiến trường, gọi họ là "những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn". Trong chiến tranh, để có mặt, chứng kiến những sự kiện lịch sử và phản ánh bằng tin bài, hình ảnh sự thật lớn lao cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên khắp các chiến trường, những người làm báo đã phải vượt qua nhiều gian khó, nhiều khi phải trả giá bằng sự sống của mình.  

Ngày nay, đất nước chúng ta hòa bình, phát triển mạnh mẽ, công việc làm báo cũng có nhiều thay đổi nhưng tôi cho rằng hoạt động báo chí vẫn rất quan trọng. Thiên chức của nhà báo vẫn là làm sao để góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. 

Trong quá trình toàn cầu hóa, thách thức của nghề báo hiện nay rất lớn. Các kênh thông tin ngày một nhiều hơn, sự phát triển về khoa học, công nghệ, sự phát triển của mạng xã hội khiến vai trò cầu nối của báo chí bị thách thức. Điều ấy đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo vừa phải nỗ lực trong cạnh tranh thông tin, thu hút bạn đọc nhưng vẫn phải đảm bảo được cái đúng đắn, cái hay và sự tin cậy đối với cộng đồng, xã hội. Có như vậy thì báo chí mới làm tốt nhiệm vụ, sứ mệnh vinh quang của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện! Chúc ông luôn vui khỏe và tiếp tục bền bỉ đi và viết!

Duy Hiển - Nguyễn Thiêm - Nguyễn Phùng (thực hiện)
.
.